Ngày 25-11-2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là niềm tự hào và vinh dự lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Đắc Lắc là địa phương đã 5 lần đăng cai tổ chức Festival văn hóa cồng chiêng, nhưng Festival lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với các chương trình không chỉ thuần túy là diễn tấu cồng chiêng, mà còn thực sự là ngày hội văn hóa của 17 dân tộc thiểu số đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên.
Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa cồng chiêng được bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn cổ đại, một nền văn minh được biết đến với tư cách là một nền văn hóa trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Cồng chiêng được người dân tộc thiểu số Tây Nguyên quan niệm như là ngôn ngữ giao tiếp của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Trước đây, cồng chiêng còn biểu hiện cho sự sung túc, giàu có của người Tây Nguyên.
Nét văn hóa phong phú và sinh động của Festival văn hóa cồng chiêng thể hiện ở chỗ không chỉ có các nghệ nhân của đơn vị chủ nhà, mà còn quy tụ nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân đến từ các tỉnh bạn như đội chiêng M’nông (Đắc Nông), Ba Na (Gia Lai), Xê Đăng (Kon Tum), Chăm Roi (Bình Định), H’Rê (Quảng Ngãi), K’Tu (Quảng Nam), Bru Vân Kiều (Quảng Trị), Mường (Hòa Bình), Kinh (Hà Nội)… Đặc biệt là các đội cồng chiêng, đoàn biểu diễn nghệ thuật của nước bạn Lào và Hàn Quốc cũng đến tham dự với những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Nét mới trong Festival lần này thể hiện ở chỗ, không chỉ có các hoạt động liên quan đến cồng chiêng, mà còn có nhiều hoạt động văn hóa khác như lễ hội ẩm thực, lễ cúng thần linh, hội đua voi, trại điêu khắc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên.
Tại lễ hội, các lễ cúng bến nước, cầu lửa, ăn cơm mới, uống nước giọt, các trò chơi dân gian sẽ được các nghệ nhân phục dựng sinh động. Và đặc sắc hơn cả là tại Khu du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn sẽ tái hiện lại khung cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, cùng nhiều tiết mục ca nhạc, ảo thuật, thời trang cũng diễn ra trong suốt quá trình lễ hội. Ngoài ra, phải kể đến việc triển lãm cồng chiêng của các dân tộc Việt Nam, triển lãm tranh tượng dân gian có chọn lọc và trang phục phụ nữ Việt Nam góp một phần không nhỏ làm phong phú thêm lễ hội.
Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc - Trưởng ban tổ chức Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2007, nhận định: “Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là hoạt động lớn mang ý nghĩa văn hóa, chính trị và kinh tế, góp phần thiết thực động viên nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước”.
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên một lần nữa tôn vinh và quảng bá giá trị di sản văn hóa, góp phần tăng thêm sự hiểu biết, tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, cũng như ngành du lịch nắm bắt được thời cơ phát triển, giới thiệu con người, văn hóa, mảnh đất Tây Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ảnh ; Nghệ nhân Tây Nguyên diễn tấu cồng chiêng.