Chàng trai Trần Đình Đắc (tên thật của ông) xuất thân ở Hà Tĩnh nhưng học tại Hà Nội, và khi cuộc kháng chiến nổ ra năm 1946 ông đã gia nhập Trung đoàn thủ đô chiến đấu và sau đó rút lên Việt Bắc. Có một câu thơ của ông viết về Hà Nội thời tạm chiếm rất gợi: "Mái buồn nghe sấu rụng". Cả một lớp thanh niên mang hào khí Thăng Long đi vào cuộc trường chinh gian khổ nhưng mang theo một tâm hồn bay bổng, kiêu hùng.
Giữa núi rừng âm u, trong giai đoạn còn phải cầm cự với kẻ thù, nhưng "những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng, hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm" vẫn háo hức mong chờ ngày trở về chiến thắng giữa lòng Hà Nội. Và họ tin tưởng ngày về đó sẽ đến, nhất định đến. Ngày về đã đến sau đó bảy năm, nhưng Ngày về có một thời bị lãng quên trong im lặng. Bây giờ lùi xa 60 năm rồi, đọc lại những câu thơ hào hùng và hào hoa một thời trai trẻ của đời người, của chế độ vẫn còn xúc động sâu xa, vẫn còn lay động bầu máu nóng những người trai đất Việt.
Thơ Chính Hữu không nhiều về lượng. Cả đời thơ hơn nửa thế kỷ của ông chỉ in ba tập (Đầu súng trăng treo, 1966; Thơ Chính Hữu, 1997; Tuyển tập Chính Hữu, 1998). Nhưng chỉ cần một tập đầu tiên thôi đã ghi dấu thơ của ông vào cả nền thơ. Những bài thơ viết từ chiến hào, từ kinh nghiệm máu xương đồng chí đồng bào, ít lời mà nặng ý, nặng tứ, đủ sức ngấm sâu vào tâm người đọc.
Thơ ông nói cái động bằng một tâm thế tĩnh, cái tĩnh của một con người biết sống và biết chiêm nghiệm cái sống của mình để chưng cất thành thơ. Ngoài Ngày về, Đồng chí, Chính Hữu còn có những bài thơ đáng nhớ Thư nhà, Ngọn đèn đứng gác, Duyệt binh, Hai người bộ hành... Gia tài thơ đáng giá đó đã mang lại cho ông giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 2, năm 2000).
Vĩnh biệt ông, ngày về (27-11-2007). Người bộ hành Chính Hữu chắc đã thanh thản vì mười năm trước ông đã có bài thơ dặn lại người cháu nội 16 tháng tuổi: "Như một di truyền thế hệ/ Cháu sẽ yêu, như ông bà, như cha mẹ/ Dưới gió, dưới mây/ Những phố, những cây/ Dù ở nơi này/ Nay mai vắng vẻ/ Dáng hình ông".