Suốt một thời kỳ dài, chúng ta đã nóng vội và bất công khi đánh đồng "Phạm Quỳnh và những ngộ nhận chính trị của ông" với "Phạm Quỳnh - học giả uyên bác". Từ đó, dẫn đến việc "sổ toẹt" những đóng góp không nhỏ của vị Thượng thư triều Nguyễn này cho sự phát triển báo chí và văn học quốc ngữ buổi chập choạng "vứt bút lông đi, học bút chì" đầu thế kỷ XX.
Để đánh giá đúng về những đóng góp của ông, trong thời gian gần đây, một số tác phẩm biên khảo và du ký của ông (Thượng Chi văn tập, Phạm Quỳnh - Luận giải văn học và triết học, Mười ngày ở Huế, Pháp du hành nhật ký) lần lượt được xuất bản một cách trân trọng. Tiểu sử Phạm Quỳnh cũng được Hội đồng biên soạn Từ điển quốc gia và Viện Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu khá chi tiết trong Từ điển bách khoa Việt Nam (tập 3, Nxb Từ điển bách khoa, 2003), Từ điển văn học (Nxb Thế Giới, 2004) với những lời lẽ chừng mực, tỉnh táo.
Không riêng Phạm Quỳnh, mà Phan Thanh Giản (1796-1867), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Hoàng Cao Khải (1850-1933)..., những nhân vật từng gây "sóng gió" không chỉ trong giới nghiên cứu văn học và sử học, nay cũng cần được nhìn nhận một cách công tâm. Thật ra, tính chất "phức tạp" (hay "có vấn đề") chỉ nằm ở chỗ những nhân vật nói trên đã hoạt động trong thời kỳ đất nước bị xâm lược, bản thân họ cũng được đào tạo, sử dụng như một "công bộc", nên không thể không bị xâu xé giữa một bên là quyền lợi dân tộc với bên kia là áp lực của nhà cầm quyền.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: "Đầu thế kỷ XX, chúng ta có những "người khổng lồ" như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi. Không phải mọi kiến giải của họ đều đúng đắn, nhưng những vấn đề họ đặt ra đến nay, vẫn còn tính thời sự. Nhận thức là một quá trình, không tránh khỏi những lúc sai lầm, vì thế, cần phải có thái độ khách quan để rút ngắn những sai lầm".
Lẽ đương nhiên, những tồn tại xứng đáng cần phải được đặt đúng chỗ. Chỉ có điều, sự khác biệt giữa cái tồn tại xứng đáng, phải có, với cái không xứng đáng thì không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt.
Vừa qua, Công ty văn hóa Phương Nam đã lên kế hoạch xuất bản Tủ sách các tác giả miền Nam trước năm 1975, mở đầu bằng việc tái bản một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu (Nhan sắc, Cũng đành, Tiếng sáo người em út, Đôi mắt trên trời) và Lê Xuyên (Nguyệt Đồng Xoài). Đây là sự thừa nhận không thể bỏ qua, và hết sức bình thường, hợp lẽ tự nhiên về vai trò của hai nhà văn nói trên trong một giai đoạn của văn học miền Nam trước năm 1975. Chỉ đáng tiếc, sự ồn ào (thực ra là không đáng có) trên một số tờ báo, đi kèm với sự khen ngợi (hay "đánh bóng") thái quá của một số nhà phê bình đã nâng tác phẩm lên rất nhiều so với giá trị thực tại của nó.
Nhà văn, dịch giả Phạm Toàn, người tham gia biên soạn Tiểu luận Phạm Quỳnh:
Nếu "có vấn đề" gì, xin cứ mổ xẻ!
* Ông nghĩ gì về xu hướng (tạm gọi) "phục cổ" của giới biên khảo, sưu tầm hiện nay ?
- Giới nghiên cứu giống như anh địa chất đi tìm mỏ (cho mọi người), mỏ có đó cả triệu năm, nay lôi nó ra. Tôi không thấy Phạm Quỳnh hoặc Hoàng Cao Khải, Phan Khôi, Trương Tửu... là "có vấn đề" gì cả. Nói thành thực đấy! "Có vấn đề" với ai? "Vấn đề" gì? Nếu ai thấy "có vấn đề" gì thì xin cứ đi sâu vào mà mổ xẻ, xem cái "vấn đề" đó là vấn đề gì và nằm ở cái "vấn đề" nào.
* Nguồn sử liệu về các nhân vật "có vấn đề" thường rải rác, tản mát khắp nơi, vậy làm sao tránh khỏi tình trạng "thấy cây mà chưa thấy rừng", hoặc "cầm đèn chạy trước ô tô"?
- Đúng là cần tránh thấy cây mà chẳng thấy rừng. Vì thế mới cần đến nhiều người cùng đi tìm mỏ. Những công trình đem ra công bố có hai tác dụng: một là, để đem dùng vào việc đời (bạn thử nghĩ xem ngay hôm nay, chúng ta có thể dùng những luận điểm về cải cách giáo dục của Phạm Quỳnh không) và hai là, kích thích nhiều người đào sâu hơn nữa. Ba là, món ngon ai thấy hợp khẩu vị thì dùng, ai thấy không thích thì cứ việc... gắp bỏ đi chỗ khác. Mà có khi cái món ngon hôm nay vài ba (chục) năm nữa lại thấy nó oi oi, thì cũng không sao hết. Đó chính là cuộc sống thực. Cuộc đời thực từng chứng kiến chuyện đó.
Tác phẩm của một số tác giả "có vấn đề" - ảnh: L.N