Không chỉ khẳng định lại những giá trị đã được công nhận từ mấy chục năm qua về những đóng góp to lớn của "ông hoàng thơ tình" đối với nền văn học nước nhà, trên 20 tham luận của các nhà thơ, nhà phê bình văn học còn phát hiện nhiều điều lý thú về cuộc đời Xuân Diệu, những chuyện rất riêng về ông, sự tinh tế trong cách thể hiện về một mảng thơ "ngoài thơ tình" mà một số người xem đó như là thơ tuyên truyền. Các tham luận đều khẳng định, Xuân Diệu là một hiện tượng hiếm hoi trong nền văn học Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Cùng với các nhà thơ trong Thơ Mới, Xuân Diệu đã đưa thơ Việt lên một tầm cao hơn. Cũng như nhiều nhà thơ, nhà văn cùng thế hệ, Xuân Diệu đã "cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu" với nhân dân mình qua hai cuộc chiến tranh. Ông là một người lao động nghệ thuật không mệt mỏi cho đến hơi thở cuối cùng. Với một gia tài đồ sộ gồm 15 tập thơ và trên 50 tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau, Xuân Diệu xứng đáng để tất cả các thế hệ nhà văn sau ông noi theo về tinh thần lao động quên mình cho nghệ thuật.
Giáo sư Phong Lê cho rằng, một mảng đóng góp khác, không kém phần quan trọng trong sự nghiệp của Xuân Diệu, đó là những tiểu luận của nhà thơ viết về các nhà thơ cổ điển Việt Nam như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tế Xương... Không chỉ sắc sảo trong nhìn nhận và đánh giá những bậc tiền bối về những đóng góp của họ cho văn học, Xuân Diệu còn phát hiện nhiều điều lý thú qua cái nhìn thi sĩ của ông về những tác phẩm của các nhà thơ cổ điển này. Trước Xuân Diệu, chưa có một nhà phê bình văn học nào có những đánh giá một cách hệ thống và thấu đáo như ông về các nhà thơ cổ điển Việt Nam.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhắc lại những kỷ niệm với Xuân Diệu và những "di huấn" của ông đối với lớp hậu sinh khi muốn viết về các nhà Thơ Mới. Vào thời điểm ấy (trước năm 1985), những rào cản ngoài văn chương đã làm giảm đi những đóng góp lớn lao của các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới, trong đó có Xuân Diệu, cho nền văn học nước nhà. Dù vậy, Xuân Diệu vẫn hy vọng và tin tưởng rằng, những gì mà ông cùng với những nhà thơ, nhà văn cùng thế hệ để lại trước Cách mạng Tháng Tám sẽ được lớp hậu thế đánh giá đúng hơn. Cuộc hội thảo lần này như thêm một lần nữa khẳng định những đóng góp đó của Xuân Diệu.
Ở một góc nhìn khác, nhà thơ Thanh Thảo dẫn ra hàng loạt những câu thơ của Xuân Diệu rất "đời", rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày mà không ít người vẫn đánh giá đó là những câu thơ "nôm na". Theo nhà thơ Thanh Thảo, nhiều câu thơ của Xuân Diệu viết đã 40-50 năm rồi mà vẫn rất hiện đại. Qua những khúc quanh của thời gian, những câu thơ ấy như mới lại. Nhà thơ Bằng Việt đánh giá rất cao về những tác phẩm dịch của Xuân Diệu. Chính ông là cầu nối giữa văn học Việt Nam với thế giới đồng thời nối mạng văn học thế giới với độc giả Việt Nam qua những bản dịch xuất sắc của mình.
Với những đóng góp đa dạng, phong phú và sắc sảo trên nhiều lĩnh vực như thế cho văn học, Xuân Diệu không chỉ là người "mới nhất trong các nhà thơ mới" ở mảng thơ mà còn ở mảng phê bình và dịch thuật nữa.
Nhà thơ Xuân Diệu - Ảnh tư liệu