Tỷ lệ người xem đến rạp trong 20 năm qua giảm 70 lần
Nhiều ý kiến cùng chung tâm huyết cho rằng hiện tại điện ảnh Việt Nam đang đứng trước một thực trạng còn có quá ít người xem.
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh đưa ra một con số: nếu trước đây mỗi bộ phim Việt Nam với chất lượng trung bình cũng có thể nhân thành 30-40 bản chiếu nhiều tháng trong phạm vi cả nước, thu hút hàng triệu lượt người xem thì ngày nay một bộ phim được gọi là ăn khách nhất trong vòng 15 năm qua cũng chỉ có hơn 5.000 lượt người xem.
Nếu như năm 1985 số khán giả đến rạp xem phim đạt tới 350 triệu lượt người xem thì tới nay con số đó là 5 triệu lượt. Nguyên nhân được chỉ ra do nhiều yếu tố: phim chưa đặt ra những vấn đề dư luận quan tâm, chưa đi vào các vấn đề nóng của xã hội, hình thức nghệ thuật thiếu hấp dẫn. Bên cạnh đó công tác quảng bá, tiếp thị phim chưa tốt và đặc biệt trách nhiệm giữa những người sáng tạo với việc truyền bá tác phẩm của mình tới công chúng chưa được thiết lập thỏa đáng.
Đạo điện Vũ Xuân Hưng cho rằng cung cách và cơ chế làm phim hiện tại là một lực cản đầy sức ỳ khiến điện ảnh không thể bứt phá. Theo anh càng ngày cung cách làm phim của chúng ta càng tụt dốc xuống theo kiểu nghiệp dư nghiêm trọng, trong đó đặc biệt là các khâu trong quy trình làm phim từ kinh phí tới thời gian bị cắt xén một cách vô lối. Sự liên kết giữa các thành phần sáng tạo một tác phẩm điện ảnh còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp cũng là yếu tố cản trở chất lượng phim.
Trong khi đó, sau khi hoàn thành, bộ phim được giao đứt số phận cho công ty phát hành mà cụ thể là Fafilm, và với lối làm ăn nặng bao cấp, các tác giả hầu như không còn quan tâm tới bước chập chững của đứa con tinh thần trong cuộc đi tìm công chúng đầy nhọc nhằn.
Thiếu một cái nhìn hoạch định, cụ thể, khoa học, phim Việt Nam từ chỗ được làm chắp vá, cái khó bó cái khôn, càng trở nên tù túng, đầu tư thiếu hiệu quả.
Một mặt khách quan khác hiện nay, khán giả đứng trước nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí của mình, như hệ thống video gia đình, các kênh truyền hình... do đó điện ảnh vô hình trung bị tước mất vị thế độc tôn vốn có trong suốt nhiều năm trước đây.
Theo ông Nguyễn Phúc Thảnh, Cục Trưởng Cục Điện ảnh, thực trạng hệ thống rạp chiếu phim bị thu hẹp, chuyển sang hoạt động các lĩnh vực kinh doanh khác, mức vé xem phim tại các rạp chiếu hiện đại còn ở mức quá cao so với thu nhập bình quân của người dân (giá vé trung bình hiện nay của ta là 2 USD trong khi các nước trong khu vực nơi cao nhất là 1 USD), hay như việc chiếu quá nhiều phim nước ngoài tại các rạp, trên kênh truyền hình... cũng là những yếu tố tác động khiến người xem trong nước không mặn mà với phim nội..
Khán giả là ai?
Để giải bài toán nan giải về số phận phim nội, tại hội thảo không ít người cho rằng, đặt ra vấn đề từng khán giả cho phim lúc này là quá muộn. Song, muộn hơn không.
Trước hết, không ít ý kiến cho rằng đối với phim Việt Nam nên chăng nhìn nhận lại, là theo từ dùng của nhà biên kịch Lê Ngọc Minh là nhận diện lại khán giả.
Đặt ra vấn đề này nghe qua nhiều người cho rằng dớ dẩn, cứ người xem phim hoặc tới rạp xem phim là khán giả chứ đôi co gì. Song thực tế ẩn chứa những thú vị.
Trong hội thảo, sau ý kiến phát biểu đầy bức xúc và tâm huyết của đạo diễn Lê Hoàng, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho rằng trong khi phim “Gái nhảy” của Lê Hoàng đạt con số người xem khổng lồ là 5 triệu lượt người thì phim “Ký ức Điện Biên” của anh cũng không kém cạnh: 4 triệu lượt.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu đưa hai con số cụ thể của hai bộ phim ấy so sánh thì quả không thỏa đáng về vấn đề tìm khán giả. Ai cũng biết, “Ký ức Điện Biên” là bộ phim được nhà nước đầu tư gần 15 tỷ đồng, sau khi hoàn thành được sự hỗ trợ tiếp của Nhà nước bằng văn bản của lãnh đạo ngành văn hóa chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức xem phim, trong khi “Gái nhảy” và “Lọ lem hè phố" là những bộ phim tự hạch toán từ khâu làm phim cho đến lúc ra tới rạp.
Từ ví dụ cụ thể này và còn một số trường hợp tương tự, nhiều ý kiến cho rằng nên chăng nhìn nhận khán giả là những người có nhu cầu thực trong việc thưởng thức điện ảnh.
Ông Nguyễn Thanh Hùng nói: “Tôi cho rằng khán giả là những người cầm đồng tiền lao động của mình tới rạp mua vé chứ không phải những người xem lấy lệ, đi cho vui trong những cuộc mời xem chiêu đãi không mất tiền. Ông cũng đưa ra con số cụ thể: Năm năm qua trong sáu bộ phim ăn khách, có doanh thu cao nhất của Trung tâm chiếu phim Quốc gia thì có bốn phim Việt Nam, trong đó xếp theo thứ tự: "Gái nhảy", "Lọ lem hè phố", "Đời cát", "Những cô gái chân dài" (trong đó riêng trường hợp phim "Đời cát" chỉ sau khi đoạt giải nhất LHP châu Á - Thái Bình Dương mới bán được vé, trước đó rất đìu hiu). Còn lại các phim khác, nhất là những phim mới sản xuất đều vắng khách.
Thực tế đó buộc chúng ta phải thừa nhận một điều: Những phim bị coi là thương mại giải trí, ít tính nghệ thuật thì lại thu hút đông đảo khán giả, trong khi phim truyền thống, đặt hàng của nhà nước khó kéo khán giả đến rạp.
Vậy khán giả có lỗi gì, hay chúng ta chưa đủ sức làm những bộ phim vừa mang nội dung tư tưởng cao vừa có tính nghệ thuật hấp dẫn. Và một điều quan trọng nữa là thái độ của các nhà quản lý đối với dòng phim, tạm gọi là thương mại giải trí này ra sao? Cổ xúy hay quay lưng, nhất là khi nó kéo về một lượng khán giả cùng doanh thu lớn?
Khúc bi tráng của phim thương mại, giải trí?
Gây chú ý và khuấy động hội thảo nhất có lẽ là ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng, người suốt ba năm qua được chú ý như một "chiến sĩ" tiên phong trong thể loại phim ăn khách mà sau đó báo chí thường gọi là phim thương mại (có lẽ chưa thỏa đáng).
Nhiều người nói hội thảo bàn về giải pháp tìm khán giả cho phim, vậy Lê Hoàng là người ngồi rung đùi sung sướng, cần gì phải trăn trở nhiều. Mấy năm qua hai phim về gái nhảy của anh mang đến cho các rạp không khí tấp nập, chẳng nhẽ không đáng tự hào?
Ngược lại với dò đoán đó, Lê Hoàng bước lên diễn đàn như một "ngựa chiến đơn độc", như anh nói- (cùng thể loại phim này dự thi năm nay có "Những cô gái chân dài của Vũ Ngọc Đãng nhưng anh Đãng không vào dự).
Lê Hoàng nói anh có bảy nỗi khổ sau khi làm hai phim trên: Khổ vì áp lực căng thẳng thu hồi vốn, vì điều này mà một số quan hệ bè bạn đồng nghiệp của anh bị rạn nứt; khổ vì áp lực báo chí (theo anh báo chí "đánh" anh tơi bời); khổ vì bị nghi ngờ tư cách, cho rằng làm phim này vì tham tiền; khổ vì bị nghi ngờ năng lực, liệu sau những phim về gái nhảy sẽ là gì hay chấm hết; khổ vì bị dự đoán tương lai bằng một thái độ gia trưởng của một số người... và cuối cùng là khổ vì... bên lề LHP.
Anh cho rằng giải phim được khán giả bình chọn trong điều lệ năm nay là một điều không nên có. Nếu đã là một phim được nhận giải cao nhất phải đồng nghĩa phim đó được công chúng yêu thích nhất .Không phải chúng ta đang đi tìm khán giả cho phim vậy phim không lấy thước đo là công chúng thì có ý nghĩa gì?
Lê Hoàng cho rằng dù anh sống trong nhiều áp lực, dù phải đánh đổi nhiều điều đau đớn nhưng anh quyết không lùi bước trên con đường chinh phục nghệ thuật và sẽ chịu trách nhiệm trước những gì mình đã làm. Đạo diễn được xem sắc sảo tài năng này kết thúc bài phát biểu bằng những lời tâm huyết và những giọt nước mắt.
Khuyến khích và thừa nhận cả hai dòng phim
Đó là lời kết luận của ông Nguyễn Phúc Thảnh, cũng được coi là thái độ của những người quản lý với những thực trạng đời sống phim ảnh: trong buổi chập chững ban đầu của phim thương mại, giải trí, trong cả bước hội nhập hào hứng và có phần mạnh dạn của các hãng phim tư nhân, các doanh nghiệp điện ảnh của nhà nước, mà như ông Bùi Đình Thứ can đảm tự nhận những chiến sĩ đã và đang làm thay đổi diện mạo của điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, như ý kiến của nhà biên kịch Lê Ngọc Minh, dù là phim đặt hàng, tài trợ của nhà nước hay phim tư nhân sản xuất, dù phim thương mại hay phim nghệ thuật đều nên có một cái nhìn xuất phát từ phía khán giả.
Khán giả hôm nay ngoài việc có năng lực thẩm định cao còn thích đến xem phim ở các rạp có điều kiện kỹ thuật công nghệ tốt, cơ sở vật chất sang trọng, tiện nghi, văn minh lịch sự.
Muốn như vậy ngành điện ảnh cần sớm có một kế hoạch phát triển đồng bộ, khuyến khích tạo điều kiện cho những thể nghiệm nghệ thuật mới, đồng thời chú trọng phát triển hài hòa giữa các thể loại, các dòng phim.