Nhà văn Jonathan Littell (1967), là người Do Thái. Bố ông là nhà văn Mỹ nổi tiếng Robert Littell (từng làm phóng viên đưa tin về Trung Cận Đông những năm 1960 và là tác giả cuốn tiểu thuyết The company lừng danh về CIA). Lên đại học Littell mới sang Mỹ (học ở Đại học Yale), còn trước đó sống ở Pháp, bị ấn tượng rất mạnh với cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhà văn Jonathan Littell đã từng nghĩ: “Thực sự là tôi hoàn toàn có thể không viết. Đó có phải là một bổn phận đâu. Sau chiến tranh, tôi là một người kín đáo; nhờ Chúa, tôi không bao giờ cần, giống như vài đồng nghiệp cũ, viết hồi ký để thanh minh, vì tôi không cần phải thanh minh điều gì, cũng không phải vì mục đích tiền bạc, vì tôi kiếm tiền cũng khá. Tôi không hối tiếc gì hết: tôi đã làm việc của tôi, vậy thôi; những câu chuyện gia đình, mà có thể là tôi cũng sẽ kể, chỉ liên quan đến mình tôi; trong những chuyện khác, ở đoạn cuối, hẳn là tôi cũng có vượt qua giới hạn một chút, nhưng khi đó thì tôi không còn hoàn toàn là tôi nữa, tôi chao đảo, mà xung quanh cả thế giới cũng ngả nghiêng, tôi không phải là người duy nhất mất trí, các ngươi công nhận đi. Dù có những lệch lạc, và lệch lạc thì cũng nhiều, tôi vẫn thuộc vào số những người nghĩ rằng chỉ có vài thứ không thể thiếu cho cuộc sống người là không khí, ăn, uống và bài tiết, và tìm chân lý. Mọi cái còn lại đều thứ yếu.”
Với giọng văn vừa mang hơi hướng Eschyle vừa tự đặt mình trong dòng chảy của các tác phẩm như Cuộc đời và số phận của Vassili Grossman hoặc Những kẻ chịu tội của Visconti, Jonathan Littell làm sống dậy trước mắt chúng ta những nỗi kinh hoàng của Thế chiến thứ hai nhìn từ phía những kẻ đao phủ, và cùng lúc cũng mô tả một con người hiếm khi xuất hiện: bản sử thi của một cá nhân bị cuốn vào vòng xoáy của chính bản thân anh ta và của Lịch sử.