Sáng 21.2, tại công viên Bách Tùng Diệp (TPHCM) đã diễn ra Ngày thơ Việt Nam lần thứ 6 (ảnh). Cho dù đã cố gắng tạo ra một kịch bản tốt cho hoạt động này, nhưng không khí của nó có vẻ buồn và không thật sự lắng đọng.
Sự buồn lớn nhất là mạch nối giữa các nhà thơ trẻ và thế hệ đàn anh đi trước không thấy thấp thoáng. Sân khấu dường như chỉ dành cho khách mời phát biểu, những ý kiến xung quanh hoặc những tranh luận không thấy lấp ló. Ai phát biểu cứ nói, ở dưới cử tọa có thể nói chuyện riêng và một số không nhỏ khác rủ nhau ra vườn hoa bên ngoài tán gẫu, xem tranh hay uống càphê bàn chuyện thơ.
Các nhà thơ trẻ như Lê Thiếu Nhơn, Song Phạm, Nguyệt Phạm, Ngô Liêm Khoan, Nguyễn Hữu Hồng Minh... đều phát biểu ý kiến về thơ trẻ, về sự cần thiết có những đột phá, có những tiếng nói lớn hơn, hoặc một sự phát đi thông điệp thơ Việt ra ngoài biên giới bằng ngôn ngữ khác. TPHCM những năm gần đây, lực lượng thơ trẻ phát triển rất mạnh và kéo theo đó là những ngắc ngứ giữa nhiều chiều suy nghĩ hoặc đụng độ của nhiều phong cách cũ - mới. Ngày thơ là một dịp quan trọng để làm rõ nét hơn những điều ấy và tìm ra một hướng đi hòa hợp, nhưng dường như không nhiều người thiết tha với việc tranh luận để tìm giải pháp.
Ngày thơ lần 6 tại TPHCM không như năm ngoái, khi được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử với 3 vườn thơ. Năm nay tất cả được thống nhất trong tinh thần của xuân 1968. Mở đầu chương trình là giọng đọc của nhà thơ Trương Nam Hương qua bài "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt. Sau đó là cuộc gặp mặt giữa các nhà thơ trẻ và lớp đàn anh. Tuy nhiên, Ngày thơ lần thứ 6 này thấy vắng bóng nhiều gương mặt. Nhiều nhà thơ trẻ có tên trong danh sách, phút cuối cùng lại không thấy xuất hiện.
|