Lời tựa của Inrasara
NHƯ MÀU MÂY QUA THÁP
Sống giữa quê nhà mà vẫn nhớ nhung quê hương. Cảm giác cô đơn và ý hướng lên đường đi tìm thúc giục. Mãi mãi đi tìm. “Lưu vong theo nghĩa rộng, là một trong những định mệnh khả hữu cho nhà văn thời chúng ta”, Nedim Gursel nói thế.
Có ngôn ngữ nào ngọt ngào hơn tiếng mẹ
Biết vậy, nhưng Chế Mỹ Lan không thể khác. Người thơ không viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình: tiếng Chăm.
Yêu quê hương, nhớ quê nhà. Yêu từng mô đất đồi, từng bụi cỏ đám ruộng sâu; nhớ từng tà ao dhai bay, từng màu mây trắng chết lịm. Hiếm có người làm thơ nào bị ám ảnh bởi đề tài, hình ảnh quê nhà như Chế Mỹ Lan: “Hai chữ Katê”, “Hoa Champa”, “Nắng Phan Rang”, “Tháp buồn”, “Ao dhai Cham”, “Katê ngày về”, “Màu mây qua tháp”, “Vẽ tháp”,… Chúng trở đi trở lại trong thơ Chế Mỹ Lan. Day dứt, trăn trở.
Hai chữ Katê, ôi thân thương!
Gần mà xa, riêng tư và tất cả
Hôm nay hay mai sau, tương lai và quá khứ
Sống trong ta như đến vĩnh hằng!
Cùng đích của thơ ca là chống lại sự suy thoái của tâm hồn con người; khai phóng, tránh cho nó phải mang vác mấy cố chấp, hẹp hòi, thù vặt. Nó nâng tâm hồn ta lên khỏi buộc ràng của lo toan thường nhật. Nhưng đối mặt với cuộc sống đầy cạm bẫy, đứa con ngây thơ của quê nhà ấy cảm nghe bất lực trước những nhỏ nhen của tính toán thấp kém, vài tị hiềm bé nhỏ, mấy đố kị cỏn con, vặt vãnh. Đôi khi chán nản và bất lực, người thơ muốn dứt áo từ bỏ tất cả.
Ta thầm hỏi: đâu đỉnh non
Cho ta lên mãi thoát vòng nhân gian
Cho tiêu tan hết sầu buồn
Gởi theo gió núi mây ngàn mênh mang.
Nhưng đó chỉ là cách giận lẫy, rất nhất thời! Tinh thần mẫu hệ Chăm chối từ mọi thái độ tiêu cực. Đấy là sức mạnh tiềm ẩn của chế độ gia đình này. Suốt quá trình thăng trầm của lịch sử, chính nó đã cưu mang sắc thái văn hóa Chăm, lưu trì cả dân tộc ở lại.
Nỗi chán nản dẫn đến ý định bỏ cuộc đó, có thể bởi cuộc tình không hồi đáp, ước mơ chưa toại nguyện, nỗi buồn không bạn tâm giao để giải tỏa… Nhưng tất cả chỉ như màu mây trôi qua tháp. Ngôi tháp cổ vẫn đứng đó, trầm lặng, u buồn nhưng đầy kiêu hãnh. Trước bao biến thiên của nỗi người.
Inrasara
Phan Rang, mùa Katê 2007.