Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.019
123.235.581

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Ra sách, không đơn giản...
Câu hỏi được nhắc đi nhắc lại trong các kỳ họp mặt nhà văn trẻ, đó là bao giờ văn học mới có được sự đổi mới mang tính thế hệ? Tại cơ chế quản lý chung? Tại nhà văn trẻ vẫn chưa có người đủ tài ? Không ai trả lời được, đành để dành cho thời gian và sự chờ đợi...

Nhìn trực diện đời sống văn học trẻ, có thể thấy một diện mạo hiền hoà và được quy định bởi cơ chế quản lý báo chí, xuất bản khá rõ ràng. Ðộc giả biết đến những tên tuổi mới của văn học thông qua báo chí, đọc họ qua những loạt sách sau mỗi kỳ thi văn học rình rang.

Cũng như nhạc trẻ, nhiều tác phẩm gây dư luận nhất thời, rồi khi người ta quên cuộc thi, gấp cuốn sách lại là tác giả của nó cũng biến mất tiêu. Ðơn giản, để xuất hiện và có khả năng đoạt giải, chuyện thể hiện "theo gu" ban giám khảo, nhà xuất bản (NXB) đối với họ như một thói quen làm tiền đề cho tác phẩm có cơ hội xuất hiện. Có rất nhiều cây bút chỉ sính in sách theo mỗi mùa giải. Cũng có người cứ đều đặn ra sách. Nhưng chủ yếu là những tác phẩm đã qua kiểm duyệt báo chí, gom lại sau khi đã đăng báo?

Về phía những nhà xuất bản, chuyện cấp giấy phép cho một tác phẩm của nhà văn trẻ cũng phải đắn đo tính toán kỹ lưỡng khi cái tên mới toanh của anh ta chưa đủ tạo một "thương hiệu" cộng với những thể nghiệm, tìm tòi đổi mới văn chương của họ không phải bao giờ cũng được NXB tiếp nhận.

Ðó là chưa nói đến một tâm lý chung rất khó hiểu khi những cặp kính cận của các NXB nhìn vào tác phẩm của nhà văn trẻ và dễ dàng khoanh vào mấy chữ: "có vấn đề". Dù cái gọi là "vấn đề" ấy, chính họ cũng hoàn toàn mù mờ.

Nhà văn Bùi Anh Tấn cho biết, phần lớn sách của anh phải "trôi" qua tay ba, bốn NXB mới được phép xuất hiện chỉ vì dám viết những đề tài "nhạy cảm".

Mới đây, cây bút thơ Nguyễn Danh Lam viết được cuốn tiểu thuyết mới, hí hửng đưa cho một NXB phía Nam và bị chối phắt, vì xưa nay viết về thiếu nhi, người ta viết trong sáng hồn nhiên chứ không ai viết bạo liệt u ám, có dấu hiệu "bất thường"? Anh cho biết: "Trước đây, tôi ra tập thơ cũng bị cắt gọt lung tung. Người ta nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Lạ là, đưa bản thảo cho hai NXB thì lại bị cắt gọt hai kiểu khác nhau! Nghĩa là cái mà họ gọi là "đụng chạm" cũng rất cảm tính!".

Một trong những cản ngại khác mà các cây bút trẻ gặp phải khi công bố tác phẩm, đó là sự ưu tiên trong in ấn không thuộc về họ. Hiện nay, hầu hết những tập thơ trẻ xuất bản đều do tác giả bỏ tiền ra, xin giấy phép và tự đưa in, tự phát hành (mà chủ yếu là... biếu tặng bạn bè, người thân). Một tập thơ 1.000 bản in giá từ 5- 9 triệu đồng. Nhiều khi được các nhà sách nhận vài chục cuốn để trên giá sách "cho có tên với người ta" đã là mừng, chuyện bán thơ và thu hồi vốn thời bây giờ hơi bị ảo tưởng.

Trong lúc đó, nhà thơ trẻ Phan Hoàng vẫn lạc quan: "Tôi vẫn tin thơ có bạn đọc, những tập thơ của tôi in đều gửi được cho các nhà sách và bán dần!". Số phận của những tập bản thảo văn xuôi có vẻ như sáng sủa hơn thơ. Vì dễ bán, nên nhiều NXB sẵn sàng in theo kế hoạch A (NXB chạy đầu nậu và in, lo luôn phát hành). Dạng in này, nhuận bút cho tác giả là 10 -13%.

Hàng năm, có thể đếm hàng trăm đầu sách của nhà văn trẻ được ra đời, chất lên kệ sách và nằm hẩm hiu, có cuốn không âm không vọng vì sau khi qua quá nhiều cửa, nó chỉ còn là một tác phẩm quá nhợt nhạt và vo tròn. Tác giả viết xong, tự kiểm duyệt rồi đưa đến NXB. Ở đó, nó tiếp tục cuộc "đại phẫu" của các biên tập viên và đầu nậu (nếu do đầu nậu mua và phát hành).

Viết và công bố tác phẩm trong tình thế như thế, đổi mới chỉ là câu hô hào trong các cuộc hội họp chứ trên thực tế, bạn đọc vẫn nhận ra một diện mạo văn chương chuyển động chậm chạp và cũ kỹ.

Tại cơ chế quản lý chung? Tại nhà văn trẻ vẫn chưa có người đủ tài để tìm ra điều gì đó mới mẻ hơn để có thể dấn thân, thậm chí, trả giá vì nó?Cũng có thể rằng, điều mới mẻ ấy đang chờ một điểm rơi, một môi trường tốt hơn để xuất hiện?!

Còn bây giờ, tâm trạng chung của nhiều nhà văn trẻ có vẻ như là một tiếng thở dài kiểu A.Q: cái ta được in là cái ta chưa thích; cái ta thích là cái ta chưa được in và có khi chưa... viết!

Nguyễn Vĩnh Nguyên - Theo Báo SGTT
Tin tức khác
Chợ mồi (04.11.2004)