R>
Có một phòng tranh cũng ngập tràn hoa trái trần gian được trưng bày cho ngày 8 tháng 3 năm nay (*); nhưng là hoa của của chính các tác giả nữ - năm họa sĩ Đặng Thị Dương, Cao Thị Được, Nguyễn Thủy Hương, Nguyễn Đạm Thủy và Nguyễn Thị Tâm, mà hầu hết đang hoặc đã giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Hoa và lễ hội hoa Đà Lạt đem đến những cảm hứng sáng tác cho Đặng Thị Dương. Những bông cẩm tú cầu của chị như mang đến cho phòng tranh cả cái thời tiết lạnh mát dễ chịu và cái không gian thơm mùi hoa cỏ của thành phố hoa.
Rộng lớn hơn trong tranh Đặng Thị Dương là rừng đại ngàn Tây Nguyên, nơi sự sống của động và thực vật cả ngày lẫn đêm đều kỳ diệu - một thế giới mà con người mệt mỏi của cuộc sống đô thị mong mỏi được tìm về…
Nguyễn Thủy Hương có một mảng Đà Lạt khác giàu cảm xúc: những vườn hồng buổi sớm và chiều tà nhưng chỉ còn lẻ loi quả muộn trên cành run rẩy, như thể là một ẩn dụ kín đáo về sự xâm thực quá độ của con người vào thiên nhiên.
Ở Cao Thị Được vẫn là những hình ảnh quen thuộc mà chị đã trải ra trong phòng tranh cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật gần đây: phong cảnh những vùng nông thôn yên bình, thiếu nữ và hoa cỏ.
Cũng vẽ thật nhiều hoa là họa sĩ kỳ cựu Nguyễn Thị Tâm, nhưng điểm khác biệt ở phòng tranh này so với các triển lãm trước của chị là chất liệu: tranh sơn dầu gần như thay thế tranh lụa quen thuộc của Nguyễn Thị Tâm.
Nguyễn Đạm Thủy, tác giả trẻ nhất của phòng tranh, người duy nhất không phải nhà giáo dạy vẽ, cũng là người không vẽ hoa ở triển lãm này, nhưng bốn bức tranh cùng tiêu đề của chị là cách bày tỏ vẻ đẹp của chính “đóa hoa biết nói”: cơ thể người nữ chính là bông hoa đẹp nhất, hương sắc nhất và… mời gọi nhất trần gian.
Vườn chiều - sơn dầu Nguyễn Thủy Hương
(*) Triển lãm “Hoa - Rừng”, tại 92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 1-3 đến 10-3-2008