Lâu nay bạn đọc VN khá quen thuộc với văn học Thổ Nhĩ Kỳ qua nhà thơ Nazim Hikmet, tị nạn chính trị tại Liên Xô, Aziz Nesin, cây bút châm biếm trào lộng. Riêng Orhan Pamuk, với 3 đầu sách được phát hành kỳ này Tên tôi là đỏ, Pháo đài trắng, Tuyết là một sự kiện đáng quan tâm trong làng sách xuất bản hiện nay. Với giọng văn nửa siêu thực pha trộn ngôn ngữ hiện đại ông xuất hiện như một cầu nối văn hóa Đông – Tây trong không khí chính trị đang sặc mùi thuốc súng khi quân đội Thổ tiến vào Irak diệt lực lượng phiến quân của Đảng công nhân Kurd.
Có khoảng 50 người tham dự, đặt nhiều câu hỏi thú vị về bối cảnh xây dựng tiểu thuyết, nền văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, về tác động của đạo Hồi trong bối cảnh toàn cầu….Họa sĩ Nguyễn Quân lên đóng góp ý kiến,cho rằng nền văn học dịch thuật đã đi tiên phong trong việc đổi mới văn chương Việt bây giờ và nêu lại câu hỏi : “Bao giờ VN mới có những tác phẩm xuất sắc được dịch sang ngôn ngữ các nước khác?”.
Theo Orhan Pamuk : “Nghệ thuật như là một sự đan dệt, một thứ gì đó mơ hồ : nghệ thuật không có trung tâm”. Thử đọc một trích đoạn trong chương 54 (Tôi là một phụ nữ) trong cuốn Tên tôi là đỏ do Phạm Viêm Phương dịch để thưởng thức hương vị của Orhan Pamuk :
“Trái tim xao xuyến của tôi khát khao trời Tây khi tôi đang ở phương Đông và khao khát trời Đông khi tôi đang ở phương Tây.
Những phần khác của tôi khăng khăng tôi là đàn bà trong khi tôi là đàn ông và khăng khăng tôi là đàn ông khi tôi là đàn bà.
Làm người thật gian nan làm sao, sống một đời người thậm chí còn tồi tệ hơn.
Tôi chỉ muốn làm vui cho mình cả phía trước lẫn phía sau, là cả Đông lẫn Tây.”