Thực hiện. "Biểu diễn tại nhà hát chính thống là tiêu chí trên hết của chúng tôi và sẽ là bước đi sau này" - ông Nguyễn Thanh Hải - GĐ Cty "Bạn yêu nhạc", đơn vị phụ trách chuyến lưu diễn phía VN - cho biết. "Bởi vì đây là cơ hội cho sân khấu VN được tiếp xúc, giao lưu khi tham gia diễn tại sân khấu lớn tại kinh đô của nghệ thuật đương đại".
Kịch bản "Người đàn bà thất lạc" được hội đồng tổ chức trên chọn từ nhiều kịch bản khác của VN với tiêu chí có tính văn học, thử nghiệm và dàn dựng mang tính đương đại theo xu hướng của kịch nghệ thế giới. Vở được diễn bằng tiếng Việt, có phụ đề tiếng Anh trên brochure và có người dẫn chuyện tiếng Anh. Tham gia còn có dịch giả Phạm Việt Phương, dịch giả John Balaban (Mỹ).
Nội dung của vở không xa lạ với khán giả TPHCM (vở từng được diễn ở Nhà văn hoá Phụ nữ và được đem sang Philippines 2003). Câu chuyện dài 60 phút, xoay quanh gia đình của đôi vợ chồng nghệ sĩ: Chồng là hoạ sĩ, vợ là tài năng nghệ thuật. Tình cờ, người vợ đi ra khỏi ngôi nhà tưởng như rất hạnh phúc của mình mà không rõ lý do. Người chồng ngày đêm hồi tưởng về người vợ, trò chuyện, đối thoại cùng những hình tượng phụ nữ trong lịch sử, văn học sử, tích truyện dân gian, truyền thuyết mà anh từng vẽ để tìm ra nguyên nhân người vợ ra đi. Và câu trả lời mở dành cho khán giả và người chồng...
Thành phần diễn viên tham gia vở diễn có thay đổi: NSƯT Thành Lộc (vai người chồng và bóng của Hồ Nguyệt Cô) thay Quốc Thảo, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (vai người vợ, cùng biểu diễn ngón đàn nói lên tâm trạng của từng nữ nhân vật), nghệ sĩ cải lương Mỹ Hằng (vai Kiều Nguyệt Nga), NSƯT Ngọc Đáng (vai Trưng Trắc), đạo diễn Minh Ngọc (vai người mẹ), cùng 2 diễn viên người Mỹ gốc Việt. Tất cả có 12 suất diễn, trong đó 8 suất dành cho giới chuyên môn và 4 suất dành cho Hội Du học sinh VN. Tuy nhà hát chỉ có 80 chỗ, nhưng vẫn được xem là địa điểm lý tưởng dành cho những nhà chuyên môn khó tính.
Nghệ sĩ Hải Phượng cho biết: "Trong vở, ngoài vai người vợ, tôi còn có nhiệm vụ đệm đàn cho những cao trào nội tâm của Hồ Xuân Hương, Kiều Nguyệt Nga... khi không chia sẻ được cùng ai, thậm chí với người chồng. Phần lớn là các bản nhạc dân tộc, ngoài ra còn có một bản nhạc do nhạc sĩ Trần Vương Thạch sáng tác. Phần ứng tấu cho mỗi nhân vật đều được thể hiện một cách ngẫu hứng, mỗi đêm diễn mỗi khác, dựa trên một chủ đề, một làn hơi, một giai điệu, để người diễn dễ nhập vai và người xem hiểu được tính cách nhân vật. Âm nhạc chỉ cất lên khi tâm trạng đau khổ của nhân vật người vợ không thể diễn tả được bằng lời".
Theo đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, chị hy vọng sẽ đem vở diễn này đi diễn ở các trường đại học trong nước. Hiện chị đang ở Mỹ và hướng dẫn cho 2 diễn viên - học trò của mình nhập vai. Nói về buổi trình diễn này, đạo diễn Tisa Chang cho biết: "Chúng tôi hồi hộp được chào đón chuyến lưu diễn của "Người đàn bà thất lạc". Đó sẽ là những giây phút hiếm có ở nhà hát New York để xem một vở diễn nói lên vẻ đẹp và sự huyền bí của văn hoá VN".
Ảnh : Vở "Người đàn bà thất lạc" diễn ở Philippines năm 2003.