Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
487
123.280.663

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cú choáng văn nghệ và tình đời hi hữu
Hiện giờ, độc giả khắp nơi đang bàn tán sôi nổi, về Sống sót cùng bầy sói - một kiệt tác văn chương đang làm xao xuyến nhiều triệu người đọc tại ít nhất cũng 18 quốc gia. Kiệt tác đó đã được đưa lên màn bạc và bộ phim cùng tên với cuốn tiểu thuyết, Sống sót cùng bầy sói, được công chiếu tại Pháp từ cuối tháng một, tới nay đã thu hút gần một triệu rưởi lượt người xem.

Xuất hiện một tài liệu tố cáo nhằm vào nữ tác giả Misha Defonseca. Tài liệu ấy lưu truyền trên liên mạng, điểm xuất phát là Vương quốc Bỉ. Gần một tháng sau, tạp chí Regards (Quan sát) của cộng đồng Do Thái Bỉ tung ra một bài kết tội Misha Defonseca, công dân Hoa kỳ gốc Bỉ, “lợi dụng loài sói để làm tiền”.

 

Ra đời cách đây mười năm, tiểu thuyết Sống sót cùng bầy sói tường thuật cuộc phiêu lưu kỳ diệu của một bé gái Do Thái. Bé gái đó là Misha Defonseca.

 

Năm 1941, cha mẹ bị phát xít Đức bắt và dù cha quay ra chỉ điểm các bạn chiến đấu trong đội ngũ chống quân xâm lược, họ vẫn bị đầy đến các trại tập trung man rợ.

 

Bé mới tám tuổi, nhưng đã quyết định một mình lên đường đi tìm bằng được các bậc sinh thành ra em. Đói khát, thương tích đầy mình, em lạc lối và một bầy sói vô tình đi ngang qua. Chúng liếm các vết thương, cho em ăn một vài thứ chúng vừa kiếm được. Em khỏe mạnh trở lại và từ ấy, lang thang khắp rừng sâu núi cao cùng bầy thú ân nhân của mình.

 

Châm ngòi từ đầu tháng một năm nay là chuyên gia Bỉ về sói con Serge Aroles. Ông cho rằng trường hợp “một em bé sống giữa một bầy sói” chưa hề xảy ra bao giờ. Ông cũng nêu lên một số chi tiết phi thực tế, ví dụ, Misha bé bỏng “xé da con mồi bằng đôi hàm răng của em”…

 

Nhà xuất bản Jane Daniel, vốn công bố Sống sót cùng bầy sói lần đầu tiên tại Mỹ, cũng phát tán trên Internet “Chứng chỉ thánh thể” được cấp ở Etterbeet, theo đó, “Misha” (tên thật là Monique Dewael), sinh năm 1937.

 

Như vậy, năm 1941, khi “Misha” thực hiện cuộc trường chinh sang phía đông tìm cha mẹ, em mới 4 tuổi. Khi em sống cùng bầy sói ở Ukrania, thực ra, em đang học ở Bruxelles…

 

Gần đây, Misha Defonseca chính thức phát đi một thông điệp, trên trang web của Le Soir (Buổi chiều), tờ nhật báo Bỉ nặng lời nhất với bà quanh bê bối hiện nay.

 

Bà tuyên bố rằng chuyện của Sống sót cùng bầy sói là do bà nghĩ ra, chứ không phải chuyện thật. Dòng giống nhà bà không phải là Do Thái. Song đúng là cha mẹ bà bị bắt và một đi không trở lại. Bà được ông nội, rồi chú đón về nuôi. Trừ ông, không ai đối xử ấm áp hay ân cần với bà. Tổn thương mất mát quá lớn, cộng với điều tiếng ê chề về cha mẹ, bà đã bị ám ảnh thường xuyên, rằng  mình bị đầy đọa như một em thơ do thái.

 

Nhà xuất bản Jane Daniel còn không trả bà nhuận bút. Vụ kiện bản quyền kéo dài mấy năm, mãi tận 2005, một tòa án ở Boston mới xử bà thắng kiện. Song Nhà xuất bản thua kiện vẫn chưa trả cho bà 22,5 triệu USD theo phán quyết của Tòa.

 

Nhưng giá trị cơ bản của Sống sót cùng bầy sói giờ đây đang được nhấn mạnh. Những “bức bối” quanh chuyện thật giả ban đầu do lời thú tội của Misha Defonseca gây ra đang dịu đi.

 

Ông Bernard Fixot là nhà xuất bản Pháp có công đầu trong việc phổ biến kiệt tác văn chương khắp châu Âu, và giúp đưa nó lên màn bạc đã xin lỗi độc giả về việc ông tin Sống sót cùng bầy sói là chuyện thực.

 

Tiếp theo, ông bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc với bà Misha Defonseca mấy chục năm ròng day dứt với nỗi đau mất cha mẹ trong tủi hờn và ghẻ lạnh.

 

Kế hoạch phát hành phim trên thị trường quốc tế không thay đổi. Sống sót cùng bầy sói chắc chắn là một hiện tượng điện ảnh ngoạn mục của năm 2008 này… 

 

Một cảnh phim Sống sót cùng bầy sói

 

Khuất Lệ Lan - TPO theo nhiều tài liệu nước ngoài