“Tôi là người Việt Nam"
Khi Minh Khai mang thai cô con gái đầu lòng thì cũng là lúc cô bắt tay vào dịch Tiếng đập cánh của chim thần - truyện ngắn của một nhà văn mà cô chưa hề biết mặt.
Sinh ra (1976) và lớn lên ở thành phố Oslo, mang hai dòng máu Việt - Na Uy, nhưng Minh Khai "luôn nghĩ mình là người Việt", như lời cô tâm sự. Chính vì vậy, khi nhận được lời mời của Bộ Văn hóa và Hội dịch thuật Na Uy tham dự chương trình dịch một số truyện của những quốc gia có người dân sinh sống ở Na Uy, cô lập tức nhận lời. Chương trình nhằm giúp người dân Na Uy hiểu thêm về đời sống văn hóa của các cộng đồng người nhập cư vốn đã trở thành một bộ phận không tách rời đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở ven rìa châu Âu này.
Minh Khai được chọn một truyện ngắn Việt Nam mà cô yêu thích để giới thiệu với ban tổ chức. Với hai năm học châm cứu tại Việt Nam và từng được làm việc với Giáo sư Nguyễn Tài Thu, cô có được vốn tiếng Việt kha khá. Minh Khai đọc ngấu nghiến tất cả những tác phẩm tìm được.
Một ngày, Trần Quang Đông - chồng của Minh Khai, hiện là chánh văn phòng của một công ty tái bảo hiểm, mang về cho vợ một truyện ngắn mà anh tình cờ đọc được trên mạng.
Minh Khai cho biết cô thật sự xúc động khi đọc Tiếng đập cánh của chim thần , bởi hồn quê Việt Nam bàng bạc trong tác phẩm, với dòng sông, bãi ngô, đồng cỏ..., cùng những tình cảm đan xen, quấn quít giữa mẹ và con, em và chị, và trên hết là tình yêu trai gái sau những mất mát của chiến tranh.
"Tôi có cảm tưởng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã sống rất lâu, rất gắn bó với một làng quê nào đó, bởi trong từng câu chữ, từng chi tiết của câu chuyện thấm đẫm tấm lòng của ông" - Minh Khai bộc bạch.
Cô trải qua một năm làm việc với một biên dịch viên người Na Uy, chỉnh sửa bản thảo hàng trăm lần trước khi Flerstemt chính thức ra mắt vào tháng 9-2003. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều được mời sang dự lễ ra mắt cuốn truyện và đó cũng là lần đầu tiên Minh Khai gặp ông.
Nhà thơ Giang Nam cũng ở Na Uy?
"Tôi rất cảm động khi một làng quê nhỏ, một câu chuyện nhỏ ở một đất nước xa xôi lại được quý vị ở đây quan tâm" - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã phát biểu như thế tại buổi lễ ra mắt cuốn sách tại Oslo.
Cuối tháng mười vừa qua, ông trở lại thành phố này, tận tay trao tặng cuốn sách cho Đức vua và Hoàng hậu Na Uy.
Nhưng theo ông, Tiếng đập cánh của chim thần chưa phải là tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam được dịch sang tiếng Na Uy. Trong một cuộc gặp gỡ giữa ông với nhà văn nổi tiếng Torleiv Grue của Na Uy cùng một nữ thi sĩ trẻ tại khách sạn Bristol, Grue có kể rằng ông đã từng đọc qua một số bài thơ của một nhà thơ Việt Nam có tên gọi là “Giu Nam".
Đến đây, giọng nhà văn Nguyễn Quang Thiều chợt sôi nổi hẳn lên: "Ngay lập tức tôi đoán đấy là Giang Nam và đọc cho Grue nghe bài thơ Quê hương nổi tiếng của ông, với “Tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ ”.
Grue bảo đó chính là bài Home country mà ông từng biết. Tôi chợt nghĩ đến nhà thơ Giang Nam, tự hỏi ông có biết những bài thơ của mình đã được dịch và đọc ở một đất nước xa xôi như vậy không?".
Rồi khi đến thăm nhà Minh Khai, trong câu chuyện tình cờ với bố cô là ông Mai Thế Nguyên - một kiến trúc sư người Việt đã sống ở Oslo hơn 30 năm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận ra ông Nguyên chính là người đã diễn xuôi những bài thơ của Giang Nam ra tiếng Na Uy để một nhà thơ khác chuyển thành thơ.
Theo ông Thiều, bài thơ được dịch vào khoảng năm 1970, khi phong trào chống chiến tranh Việt Nam diễn ra mạnh mẽ ở các nước Bắc Âu, trong đó có Na Uy, bởi ở thời điểm đó mấy ai không động lòng khi đọc: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi/Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi ”.
Ông Thiều cho rằng văn học Việt Nam có thể ra nước ngoài thông qua các chương trình trao đổi văn hóa nhằm giúp cộng đồng người Việt và người dân bản xứ có thể hiểu hơn về hoạt động sáng tác của Việt Nam.
“Theo tôi được biết, các nước đều dành quỹ khá lớn cho các hoạt động trao đổi văn hóa, dịch thuật. Tuy nhiên, để tranh thủ được các nguồn này, các hội văn học nghệ thuật và đại sứ quán của ta phải hoạt động tích cực hơn nữa” - ông Thiều nói.
“Đến thăm nhà ông Nguyên, nhìn tấm ảnh Bác Hồ được treo trang trọng bên giá sách, được ăn tô phở đậm hương vị Việt, tôi mới thấy thấm thía nỗi lòng của người xa xứ. Cô con gái Mai Chi của Minh Khai đang bập bẹ những tiếng Na Uy đầu tiên vẫn được bố mẹ thường xuyên tập luyện tiếng Việt tại nhà. Và đêm ấy, trong căn hộ nhỏ, mọi người như lặng đi khi tiếng đàn guitar và giọng hát của Minh Khai vang lên trầm buồn: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa...". Bên ngoài cửa sổ, lá thu vẫn rơi xào xạc và những cơn mưa lất phất bay.
---------------------------------------------
Tám truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã được chọn dịch sang tiếng Pháp trong tập truyện có tiêu đề Cô gái bán bún (dịch từ truyện Thị trấn những cây bàng cụt), được xuất bản năm 1998. Tập thơ Những người đàn bà gánh nước sông, gồm những bài thơ được trích từ hai tập thơ Những người đàn bà gánh nước sông và Sự mất ngủ của lửa của ông cũng đã được xuất bản tại Mỹ. Truyện Mùa hoa cải bên sông đã được dựng thành phim truyền hình, nay đang được dựng thành phim nhựa với sự tài trợ của các nhà đầu tư Nhật Bản.