Mỗi địa phương vùng miền khi về giỗ quốc Tổ đều muốn dâng lên những sản vật độc đáo nhất của quê hương. Sự vất vả, công phu của mỗi bộ lễ chính là tấm lòng thành kính tỏ bày cùng anh linh Tổ tiên.
2h chiều 9/3 âm lịch (tức 14/4), đoàn xe với còi hụ rồng rắn mang đến trước sân lễ hội bánh chưng, bánh dày khổng lồ từ TP.HCM cung tiến vua Hùng. Hàng ngàn du khách đứng chật kín sân trầm trồ khi bánh chưng nặng 2 tấn, bánh dày 1 tấn từ từ được xe cẩu hạ xuống chuẩn bị cho đại lễ sáng 10/3. “Bánh chưng, bánh dày khổng lồ đã thành lễ vật quen thuộc từ cõi trong mang ra. Năm nay muộn hơn năm trước nửa ngày càng làm lòng người háo hức đợi chờ”-Chị Đào Thị Thanh ở Vĩnh Phúc nhận xét.
Miền sông nước Cửu Long với hoa quả tốt tươi cùng sẵn bày cùng vui lễ. Đoàn Cần Thơ muốn tái hiện cảnh chợ nổi với hoa quả rợp nước đã cất công mang hẳn chiếc xuồng ba lá trưng bày. Anh La Thành Tài, thành viên trong đoàn cho biết: “Chúng tôi phải chọn chiếc xe khách lớn, đặt người ta một chỗ rộng trong khoang hầm xe để mang chiếc xuồng này tới được Phú Thọ. Bày trên thuyền, chúng tôi chọn 10 loại cây trái nổi tiếng nhất. Riêng cây trái lễ được tuyển chọn kỹ càng, bảo quản riêng, sáng mai dâng lên đền Thượng”.
Đoàn Tiền Giang thể hiện sự khéo léo bằng cách kết hoa quả cây trái tạo thành tác phẩm “Cửu lòng chầu quốc Tổ” với 9 con rồng chầu về một hướng. Để tạo được lễ vật này, 4 nhân công đã phải mất hơn 1 ngày kết hoa cây đủ ở trên rừng, trong núi, đồng bằng và miền biển…
Bình Định với rượu Bầu Đá, Long An bánh tét, bánh ít… Mỗi nơi đều muốn tạo ra cái riêng trong ngày giỗ tổ của cả nước mà ít dân tộc nào trên thế giới có được.
Không gian lễ hội Đền Hùng không hề bó hẹp mà mở rộng ra các địa phương khác. Sáng 9/3, hai xã Thanh Đình (TP.Việt Trì) và Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) đã tổ chức rước kiệu linh đình tại đền Hùng, cùng với đó là triển lãm hoa hoa Việt Nam, lễ hội đánh trống đồng, hát Xoan. Đồng hiện ở TP. Việt Trì là lễ hội bơi Chải trên sông Lô, hội chợ Hùng Vương, triển lãm tư liệu Không gian văn hoá vùng đất Tổ.
Số lượng du khách đông đến mức ngoài dự kiến của ban tổ chức và đã tạo thêm nhiều chuyện vui trong ngày hội lớn.
Trong ngày 8/3, theo tính toán của ban tổ chức, chỉ trong buổi sáng đã có tới hơn 1 triệu lượt người đổ về. Chân núi Nghĩa Lĩnh chật cứng và đã xảy ra việc ùn tắc chưa từng thấy. Nói là trẩy hội nhưng đoàn người rồng rắn hầu như không nhích chân suốt hàng giờ đồng hồ. Các bãi gửi xe lớn của BTC chỉ chứa được hơn 1/3 số xe đổ về ùn ùn. Phòng truyền thanh của BTC đã phải thông báo tới hơn 300 lần các nhóm lạc nhau, như vậy ước tính có tới hàng nghìn người bị lạc trong dòng người bất tận.
“Ngày 9/3 số lượng người giảm đi rất nhiều nhưng lực lượng dọn vệ sinh cũng rất vất vả. Đội chúng tôi chỉ đi từ chân đền đến cổng ngoài khoảng vài chục mét là đầy bao rác. Quay lại đúng con đường đó lại đầy thêm một bao nữa. Ngày mai dự kiến sẽ còn đông hơn gấp bội”-Nguyễn Văn Phấn, thành viên nhóm vệ sinh môi trường tình nguyện Smiles cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Khôi, giám đốc khu DTLS Đền Hùng khẳng định: “Chuẩn bị cho lễ dâng hương sáng 10/3, ban tổ chức đã chủ động kế hoạch bố trí đội hình đoàn hành lễ, vật phẩm, các nghi thức đảm bảo tính trang nghiêm, thành kính, lòng tri ân với công đức Tổ tiên của đồng bào cả nước”.
Du khách có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều điểm mới trong lễ hội năm nay. Một sân rộng có lắp đặt màn hình lớn 50 mét vuông liên tục nhắc lại truyền thuyết vua Hùng và truyền thống đoàn kết của người Việt. Suối giao duyên trên đường hành hương cũng vừa hoàn thành cùng với bảng hướng dẫn chi tiết sơ đồ thăm quan đặt ở nhiều điểm đã giúp du khách tiện lợi hơn phần nào…
Tối 9/3, tại TP. Việt Trì sẽ có bắn pháo hoa tầm thấp, biểu diễn nghệ thuận của đoàn Hwaseong (Hàn Quốc)
Dòng người trẩy hội đền Hùng - ảnh: Hữu Bắc