Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.028
123.235.550

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tiến sĩ Laurel Kendall: Tôi muốn người Mỹ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam
Với những đóng góp tích cực trong việc giúp Việt Nam nghiên cứu, giữ gìn và quảng bá văn hóa các dân tộc, Tiến sĩ Laurel Kendall, nhà nghiên cứu người Mỹ vừa được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị. Nhân dịp này, phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ L.Kendall.

Tiến sĩ Laurel Kendall là một nhà nhân học Hoa Kỳ có uy tín, một chuyên gia phụ trách các bộ sưu tập châu Á của bộ môn nhân học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York. Xuất phát từ việc thiết lập quan hệ với những nhà dân tộc học Việt Nam, sau 10 năm tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa Việt Nam (1991-2001), Tiến sĩ L.Kendall đã đưa ra ý tưởng tổ chức một cuộc trưng bày về văn hóa Việt Nam trên đất Mỹ do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ phối hợp thực hiện. Cuộc trưng bày đã được khai trương tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở thành phố New York vào tháng 3-2003 và sau đó được trưng bày ở một số nước khác. Qua cuộc trưng bày, hàng vạn người đã tiếp cận những thông tin mới về Việt Nam.

 

PV: Thưa bà, được biết bà là người chuyên nghiên cứu về văn hóa Hàn Quốc, nhưng những năm gần đây bà lại quan tâm nghiên cứu Việt Nam. Tại sao vậy?

 

Tiến sĩ Laurel Kendall: Tôi là một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Hàn Quốc. Trong khi tôi không nói được tiếng Việt Nam thì tôi đã nói thông thạo tiếng Hàn Quốc. Nhưng đến năm 1991, khi tôi có điều kiện được đến Việt Nam, tôi đã thực sự bị Việt Nam cuốn hút. Cũng giống một số nước khác ở châu Á như Trung Quốc, Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo và Đạo Phật. Nhưng nền văn hóa của Việt Nam rất phong phú và đa dạng, bởi văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa được tạo nên bởi 54 dân tộc anh em. Văn hóa Việt Nam có quá trình lịch sử phát triển lâu dài, từ quá khứ đến hiện tại không hề bị gián đoạn. Tôi đã học được rất nhiều trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Nếu như ở Hàn Quốc tôi được học cách làm sao để đặt một câu hỏi cho đúng thì ở Việt Nam, tôi phải học cách tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó như thế nào.

 

PV: Năm 2003, bà cùng với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ đã phối hợp Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thực hiện cuộc trưng bày Việt Nam-Những cuộc hành trình của Con người, Tinh thần và Linh hồn tại New York. Xin bà vui lòng cho biết một số nhận xét của người dân Mỹ khi xem triển lãm?

 

Tiến sĩ Laurel Kendall: Đó là một cuộc triển lãm văn hóa quy mô lớn đầu tiên về Việt Nam mà người Mỹ được biết tới kể từ sau năm 1975. Theo tôi được biết, đến nay vẫn có những người Mỹ nghĩ về Việt Nam như một cuộc chiến tranh. Họ mang trong mình một hình ảnh Việt Nam của quá khứ biết rất ít về đất nước Việt Nam hiện nay. Nhưng sau khi rời khỏi phòng trưng bày, rất nhiều người Mỹ đã nói với tôi rằng trước đây họ không hề nhận ra Việt Nam lại có một lịch sử phong phú, lâu dài và nền văn hóa lại đa dạng đến như vậy. Theo tôi, người dân Mỹ giờ đây đang sẵn sàng muốn tìm hiểu Việt Nam, tìm hiểu cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay ra sao.

 

PV: Sau hơn một năm trưng bày tại Mỹ, năm 2005 cuộc trưng bày này sẽ quay về tổ chức tại Việt Nam. Xin bà cho biết sẽ có điểm gì mới trong cuộc trưng bày tại Việt Nam?

 

Tiến sĩ Laurel Kendall: Cuộc trưng bày sắp tới ở Việt Nam sẽ có một số điểm khác so với cuộc trưng bày đã diễn ra ở Mỹ. Khi cuộc trưng bày quay trở lại Việt Nam thì ở đây đối tượng xem sẽ là chính các bạn, những người Việt Nam. Người Việt Nam xem văn hóa Việt Nam, chắc chắn sẽ có những cảm xúc khác với người Mỹ xem văn hóa Việt Nam. Và ở lần trưng bày tới tại Việt Nam, chúng tôi sẽ có thêm một phần trưng bày nhỏ giới thiệu hình ảnh những người Mỹ đã thưởng thức cuộc trưng bày này như thế nào. Khán giả Việt Nam sẽ được thấy những khán giả Mỹ đã đi xem trưng bày văn hóa Việt Nam ra sao.

 

PV: Xin bà cho biết những dự định sắp tới khi cuộc trưng bày "Việt Nam-Những cuộc hành trình của Con người, Tinh thần và Linh hồn" kết thúc?

 

Tiến sĩ Laurel Kendall: Thực ra, chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu một dự án mới về đời sống tâm linh của hiện vật, và dịp này tôi đến Việt Nam cũng là để thực hiện dự án đó.Chúng tôi nghiên cứu sáu hiện vật thiêng hiện đang được lưu giữ trong kho của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tôi hy vọng, từ việc nghiên cứu này chúng tôi sẽ tìm ra một cách thức tốt nhất để bảo quản, lưu giữ và giới thiệu, trưng bày các hiện vật.

 

PV: Bà có ý định sẽ làm việc lâu dài ở Việt Nam?

 

Tiến sĩ Laurel Kendall: Tôi sẽ làm việc ở Việt Nam cho đến khi nào các bạn đồng nghiệp Việt Nam vẫn còn tiếp tục muốn làm việc với tôi. Việt Nam là một đất nước xinh đẹp. Hội An đã gây ấn tượng mạnh với tôi vì nét đẹp cổ kính, tôi vốn dĩ là một người rất yêu hiện vật cổ. Sapa là điểm kết nối không thể chê vào đâu giữa thế giới với người dân tộc thiểu số. Nhưng nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn sống ở Hà Nội vì tôi yêu Hà Nội.

 

PV: Xin cảm ơn bà.

 

-----------------------------------------

Việt Nam: Những cuộc hành trình của Con người, Tinh thần và Linh hồn giới thiệu khoảng 400 hiện vật, chủ yếu từ những sưu tập của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, gồm có vải dệt thủ công, mặt nạ, đồ gốm, tượng gỗ, hiện vật sơn mài dùng trong lễ hội, các loại đèn lồng, đồ chơi làm từ giấy và tre và từ các chất liệu truyền thống của Việt Nam. Cuộc trưng bày cũng giới thiệu ảnh và băng hình về cuộc sống thường ngày ở Việt Nam. Tất cả đã góp phần tái hiện và mô tả một cách hiện thực và sống động bức tranh xã hội Việt Nam. Cuộc trưng bày đưa du khách đến nhiều vùng miền của đất nước. Từ nhịp sống thành thị cho đến nông thôn, từ miền xuôi cho đến miền ngược, tất cả đều được thể hiện qua những nét đặc trưng nhất của phong tục tập quán của mỗi vùng miền, của các dân tộc sinh sống trên vùng đất đó. Cuộc trưng bày đã thu hút hàng vạn người tới xem. Hàng triệu người đã tiếp cận với những thông tin mới về Việt Nam qua cuộc trưng bày này trên các trang thông tin điện tử của bảo tàng, của các tờ báo và các hãng thông tấn và truyền hình lớn nhất của Mỹ và nhiều nước châu Âu khác.

Hống Anh - Theo Nhân dân
Tin tức khác
Chợ mồi (04.11.2004)