Nước Anh, cuối thập niên 1990, kèm theo đó là một lối hành văn đầy tiết chế. Thế nhưng người đọc có thể nhận biết một không khí khác lạ nào đấy đang bao trùm lên những nhân vật chính, bối cảnh, đời sống sinh hoạt của họ... Một không khí gợi nhớ Jane Eyre, Đồi gió hú của chị em nhà Bronte xưa, trên gam màu chủ đạo lạnh lẽo, âm u, điểm lên vài hình bóng câm lặng, những ngày dài lê thê không thấy bóng dáng mặt trời và gió phương bắc hú dài qua những mỏm đá xanh, lạnh sắc địa y...
Đấy là một ngôi trường đặc biệt, với sự hiện diện của tôi, Ruth, Tommy và những... cái bóng khác. Trên đầu họ là những giám thị khắc nghiệt, quái đản, bao quanh họ là những bức tường cùng rừng cây âm u huyền bí, nơi bảng lảng một hồn ma con gái... Vẫn có những lúc họ được ra ngoài những bức tường ấy, một chuyến đi chơi, một buổi dã ngoại, nhưng dường như họ chẳng bao giờ nghĩ đến một cuộc đào thoát.
Họ được xuất hiện trong cuộc đời, ăn học, lớn lên, để cuối cùng phục vụ cho một mục đích phi lý mặc nhiên. Đấy là ngôi trường nội trú của những đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp sinh sản vô tính. Và những "phó bản" người này được nuôi lớn, chờ đến ngày hiến tạng. Họ sống, kết bạn, yêu thương, bình thường như mỗi con người, và lặng lẽ chờ đến ngày bị cắt đi từng phần thân thể. Cắt một lần, hai lần, nếu chưa chết thì cắt đến ba lần cho tới ngày gục hẳn! Và nơi cuộc sống ngoài kia là những chính bản của họ.
Kazuo Ishiguro, tác giả, dường như hoàn toàn biến mất trên những trang viết. Ông để cho cái phi lý ấy trôi an nhiên, đối mặt với người đọc. Ông tạo ra một thế giới đầy quái gở rồi để cho những nhân vật tiến bước trong cái logic dễ sợ đó. Và độc giả phải đi tiếp cuộc đi nhức nhối của mình cho đến dòng cuối cùng.
Nước Anh của thập niên cuối cùng thế kỷ XX, nơi chú cừu Dolly nhân bản đầu tiên ra đời. Một bước tiến quá đà của khoa học kỹ thuật. Có thể liên tưởng đến anh hề Charlot xưa trong Thời đại tân kỳ, khi con người bị cưỡng đoạt bởi máy móc, nhân tính hoàn toàn biến mất dưới một sức mạnh quái gở vô hình. Mãi đừng xa tôi là một phiên bản đau lòng mới, cảnh báo cho một thế giới viễn tưởng.
(*) Đọc Mãi đừng xa tôi - tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro - bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng - NXB Văn học và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam xuất bản.