Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
456
123.280.549

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Quốc tang cho nhà thơ da đen gốc nô lệ Aimé Césaire
Aimé Césaire, “nhân vật mà ai cũng nhất thiết phải gặp”, “người không thể thay thế”, “tiếng lòng của chủng người da đen”… đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 95, ngày 17 tháng Tư vừa rồi. Hệ thống truyền thông đại chúng đang không ngớt đề cập đến cuộc đời và sự nghiệp của ông, với những lời lẽ thân thương và kính trọng.

Ông sinh năm 1913 ở Đảo Martinique, một tỉnh của Pháp. Cha là một nhân viên thanh tra thuế. Mẹ, một công nhân mía đường. Gia đình đông con, nên đời sống khá chật vật. Việc học hành càng không dễ. Song thông minh học giỏi, ông được cấp học bổng học lên.

 

Năm 1931, chàng trai vượt Đại Tây dương, vào Đại học sư phạm Pháp danh tiếng, ươc mơ của tất cả thanh thiếu niên nước Cộng hoà. Tại đây, ông quen biết Léopold Sédar Senghor, về sau là một nhà thơ lỗi lạc và tổng thống Sénégal.

 

Hai người thân nhau ngay và tri kỷ suốt đời, vì luôn luôn tự hào về cội rễ chủng tộc của họ. Tổ tiên nô lệ châu Phi của ông thường xuyên khiến ông trăn trở.

 

Ông rủ một số bạn học cùng giống nòi như Senghor và Léon Gontra Damas sáng lập Tạp chí Người sinh viên da đen, gây tiếng vang lớn. Số phận người da đen, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc,...qua góc nhìn của họ đã xôn xao dư luận không chỉ trong trường.

 

Sửng sốt nhất là một từ mới toanh: “négritude”, được hiểu là “ý thức và kiêu hãnh là người da đen”. Từ ấy đòi lại công bằng cho chủng người bị miệt thị, bị bắt làm nô lệ, bị bóc lột thậm tệ đã hàng thế kỷ. Muốn chống kỳ thị, muốn tự giải phóng, dân da đen phải nhận chân trước hết giá trị và nhân phẩm của mình.

 

Và thiết thực hơn, tự trau dồi những đức tính của con người hiện đại mà lòng bao dung là cốt tử. Négritude chi phối mọi hoạt động chính trị và văn học của Aimé Césaire.

 

Tác phẩm xuất sắc nhất của ông là Ghi chép một chuyến về quê, một bản trường ca độc đáo. Xuất hiện trước tiên năm 1939 trên Tạp chí Ý nguyện  ở Paris, nó được công bố thành sách lần đầu năm 1943, qua bản dịch tiếng Tây Ban Nha tại Cuba.

 

Năm 1947, nó đến với bạn đọc Âu Mỹ dưới dạng song ngữ Anh Pháp ở New York. Năm 1956, Nhà xuất bản Hiện diện châu Phi phát hành dạng ấn phẩm cuối cùng. Lượng in rất lớn, tái bản liên tục.

 

Từ đó, nó được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đưa vào sách giáo khoa ở nhiều quốc gia. Ghi chép một chuyến về quê đã trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học da đen.

 

Nội dung của khái niệm négritude (có thể tạm dịch là “ý thức da đen”) là linh hồn của Ghi chép một chuyến về quê. Đáng ngạc nhiên, chính Aimé Césaire nghĩ ra từ ấy, song về sau, ông bao giờ cũng khẳng định nó là một công trình tập thể.

 

Tập trường ca đan xen thơ và văn xuôi, tạp bút và trữ tình. Nó thuật lại những lần trở lại quê hương của một chàng trai da đen, với khát vọng đổi đời cho đồng bào đói khổ. Song tất cả chỉ là hão huyền. Giữa phũ phàng của thực tế, chàng vỡ mộng rằng chàng cũng chỉ là một kẻ vô tích sự, chẳng đem được gì mới mẻ cho đời. Cuộc tái sinh của chàng khởi đầu từ đấy…

 

Tâm sự đó đâu chỉ là chuyện thơ phú linh tinh. Tốt nghiệp đại học xuất sắc năm 1935, chàng trai Martinique từ chối viễn cảnh giầu sang ở miền Đất hứa mà chắc chắn học vấn và tài năng mang lại.

 

Chàng trở về Đảo hoa, dạy học tại thủ phủ Fort-de-France. Và bắt đầu tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Cái mới mà chàng đem lại cho cộng đồng là trợ giúp nhau thiết thực.

 

Ví dụ, để bài trừ tệ phóng uế bừa bãi ban đêm vào các rãnh thoát nước lộ thiên ở Fort-de-France, cần phải cải tạo các khu phố nghèo. Chàng kiên trì vận động tài trợ và đóng góp của các tỷ phú và nhà hảo tâm.

 

Rồi nhờ những người năng nổ nhất làm đầu tầu, kéo bà con khai thông cống rãnh, xây nắp đậy, xây dựng các khu vệ sinh công cộng, lần lượt phá bỏ các căn nhà quá tồi tàn, thay bằng các nhà mới tiện nghi và dễ chịu. Đức độ và tấm lòng của chàng nức tiếng khắp vùng.

 

Năm 1945, Aimé Césaire được bầu làm Thị trưởng Fort-de-France, khi mới 32 tuổi.

 

Ông đảm đương trách nhiệm ấy suốt từ bấy cho đến năm 2001, chuyển sang làm thị trưởng danh dự. Năm 1946, ông trúng cử đại biểu quốc hội Pháp và là nghị sỹ liên tục tới tận 1993.

 

Cùng thời gian trên, ông là Chủ tịch vĩnh viễn của Hội đồng khu vực Martinique. Bận trăm công ngàn việc, hàng ngày ông vẫn đến với mọi ngõ phố đường quê, vừa thăm nom người dân, vừa nắm tình hình, tháo gỡ kịp thời mọi vướng mắc cá nhân và chòm xóm, vừa bầu bạn thoáng chốc với phong cảnh đâu đâu cũng hữu tình.

 

Không đếm xuể những công dân hàm ơn ông. Người được ông cất cho một mái che mưa nắng. Kẻ được ông tạo cho một việc làm. Cháu nhỏ nhà nghèo được ông tài trợ để quay lại lớp cùng bạn hữu.

 

Không ngẫu nhiên, nhân dân Đảo muôn ngàn hoa bao giờ cũng gọi ông là “bố Césaire”, trường hợp hiếm gặp. Chính giới toàn cầu hẳn khâm phục ông ở một kỳ tích như chuyện lạ.

 

Năm 1957, Quốc hội Pháp thông qua một đạo luật do ông đề xướng là công nhận các thuộc địa cũ vẫn thuộc Pháp là tỉnh của nước Cộng hòa. Ông kiên định chủ trương đòi tự trị chứ không độc lập cho hòn đảo quê hương. Một cảm nhận chính trị như thế là sáng suốt và thực tế.

 

Khiêm nhường và lặng lẽ, ông vẫn được toàn thế giới lắng nghe. Những lời vàng, chẳng hạn: “Tôi là người da đen, và vạn thuở, tôi vẫn là da đen”, “Người ta sinh ra không đen. Người ta hóa thành đen đấy chứ”, “Tôi muốn thét một tiếng da đen kinh thiên động địa, cho mọi nền móng xã hội rung chuyển” …

 

Một xứ sở, một cuộc đấu tranh và ngôn từ để phục vụ xứ sở và cuộc đấu tranh ấy, Aimé Césaire là như vậy. Ông tượng trưng cho Martinique chỉ mong an bình và thịnh vượng, cho Đảng vì tiến bộ xã hội do ông sáng lập và lãnh đạo suốt từ năm 1958. Sự nghiệp văn chương của ông là một ẩn dụ đáng kinh ngạc của Nghệ thuật ngôn từ thứ thiệt.

 

Ông vô tình là một nhà hiền triết hiếm hoi của thời đại, một lãnh tụ mà thời cuộc đang cần. Ứng xử của ông thâm trầm và nhiều phen gây sửng sốt.

 

Năm 2005, một đạo luật “thừa nhận mặt tích cực của công cuộc thuộc địa hoá” được đem ra Quốc hội Pháp thảo luận và thông qua. Ông bèn từ chối tọa đàm theo yêu cầu với ông Nicolas Sarkozy, bấy giờ là bộ trưởng nội vụ. Dự luật đó nhanh chóng bị bác bỏ.

 

Năm sau, ông tiếp đón ứng cử viên Tổng thống Sarkozy thật ân cần. Nhân 94 năm sinh nhật của ông, Tổng thống Pháp viết thư chúc mừng: “Ngoài hình ảnh một nhà văn, nhân dân Pháp còn nhìn thấy nơi cụ một thông điệp hòa bình, bao dung và cởi mở với toàn nhân loại”.

 

Việc ông từ giã thế gian là một sự kiện tổng hợp có thể nói là kỳ vỹ. Chính phủ Pháp dành cho ông ba ngày quốc tang, từ 19 tháng Tư. Trong lịch sử Pháp, trước ông, mới ba văn sỹ được hưởng vinh dự này, Victor Hugo, 1885, Paul Valéry, 1945 và Colette, 1954.

 

Ba ngày đó, thi hài ông được đặt ở Sân vân động Dillon, Fort-de-France, để hàng vạn người dân Martinique và toàn nước Pháp đến nghiêng mình. Mọi hoạt động thương mại và vui chơi giải trí ở Đảo hoa ngừng hẳn.

 

Lễ tang bắt đầu từ 14 giờ 30 tại Sân vận động nêu trên. Một bức chân dung lớn của ông, “hình mẫu của nhân phẩm con người”, được dựng lên cùng nhiều bảng to ghi trích đoạn các vần thơ hay nhất của ông.

 

Riêng chiếc ghế bành dành cho Tổng thống Pháp có đặt ở lưng một tấm sứ mang hình Aimé Césaire và dòng chữ: “Tự do, bản sắc dân tộc, trách nhiệm, tình huynh đệ”.

 

Theo nguyện vọng gia đình, ban tổ chức không cho bắn đại bác, không diễn văn của nguyên thủ quốc gia. Khi đáp xuống sân bay Fort-de-France, Nicolas Sarkozy kịp nói đại loại, “Giờ phút này, người Pháp nào cũng nghĩ mình là người Martinique”.

 

Mở màn tang lễ, một chiến hữu 101 xuân xanh của Aimé Césaire kể vắn tắt cuộc chiến đấu của ông cho phồn vinh và hạnh phúc của quê hương mình.

 

Tiếp theo, các nghệ sỹ Martinique và Lục địa đen đọc các áng văn thơ tâm huyết nhất của “Đứa con ưu tú nhất của Đảo muôn ngàn hoa”. Xen kẽ là những tràng pháo tay rầm trời, các ca khúc và điệu nhảy xúc động.

 

Gần hai tiếng sau, Tổng thống Pháp đứng lên, cúi đầu trước linh cữu. Trong lúc đó, tất cả người Pháp ở mọi nơi kính cẩn mặc niệm biểu tượng của sự khoan dung đại độ, đòi hỏi tối cao của thời đại đầy biến động bất ngờ.

 

Điều thú vị, không ít nhân vật hàng đầu của Pháp đề xuất việc đưa thi hài của ông vào Điện Panthéon vốn dành cho các vĩ nhân của đất nước. Chuyện chắc còn dài. Từ 16 giờ 30 ngày 20 tháng tư, ông đã nằm lại, có lẽ là vĩnh viễn, ở Nghĩa trang La Jayau, tại thủ phủ của Martinique mà ông gắn bó tận cùng máu thịt…

 

Từ Bình Tâm - TPO theo nhiều tài liệu nước ngoài