Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo "Bảo tồn và phát huy cố trạch của Tự Lực văn đoàn - TLVĐ" diễn ra sáng 9-5-2008 tại thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, do UBND, Sở VH-TT-DL tỉnh Hải Dương tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu như Phong Lê, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo, Bằng Việt, Lê Lựu, Chương Thâu, Lại Nguyên Ân, Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Ngọc Thiện, Bùi Việt Thắng, Hà Văn Đức, Tăng Bá Hoành, Khúc Hà Linh... (ảnh).
Gần 30 tham luận được chuẩn bị từ gần một năm nay và các ý kiến phát biểu tại hội thảo này đều nhất trí vinh danh TLVĐ như một biểu hiện tập trung về thành quả hiện đại hóa văn học Việt Nam hồi những năm 1930, với việc đề xuất mô hình tiểu thuyết tiếng Việt hiện đại, với việc cổ vũ và khẳng định thơ mới tiếng Việt hiện đại, với hoạt động báo chí và xuất bản sôi nổi, cạnh tranh mạnh mẽ và có hiệu quả trên thị trường sách báo và diễn đàn văn học trong khoảng 10 năm (1932-1942). Và tất cả bảy thành viên chính của TLVĐ đều in dấu vào văn học sử như những tác gia xuất sắc: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu.
Ba trong số bảy thành viên chính của nhóm TLVĐ (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam) là anh em trong một gia đình từng cư trú tại khu nhà vườn của mình ở phố huyện Cẩm Giàng; rất nhiều hình ảnh thân thuộc của vùng quê này đã được đưa vào thơ văn của các tác gia này, nhất là các tác phẩm của Thạch Lam. Khu nhà vườn của gia đình này, từng được các tác gia chủ nhà gọi là "trại Cẩm Giàng", từng là nơi các thành viên trong nhóm đi về thăm viếng, cùng nhau đàm đạo về việc báo chí văn chương.
Các ý kiến tham luận và phát biểu tại hội thảo đều hoàn toàn nhất trí ủng hộ việc coi "cố trạch của TLVĐ" như một điểm di tích văn hóa xứng đáng được tôn tạo và đưa vào phục vụ đời sống văn hóa trong thời gian tới.
Nội dung của việc qui hoạch và tôn tạo khu "cố trạch" này sẽ được dành cho một hội thảo tư vấn khác.
|