Cán bộ khen, dân buồn
Sáng 7-5, khi được hỏi về kết quả dự án "tôn tạo khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ" tại thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Hồng Hải - phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh, đại diện chủ đầu tư, người trực tiếp chỉ đạo hoạt động của ban dự án và quá trình thực hiện dự án - nói ngay: "Dư luận đánh giá dự án thành công rất tốt đẹp". Với tư cách cá nhân, ông Hải cũng nhận xét kết quả dự án là "được".
Vậy nhưng ông Nguyễn Công Tuấn - 58 tuổi, cháu trực hệ đời thứ năm của danh nhân Nguyễn Công Trứ, người coi sóc từ đường nhiều năm nay - lại lộ vẻ buồn rầu: "Tôi không hề được ban dự án mời bàn thảo một việc gì trước khi hạ giải nhà thờ để xây mới". Ông đưa ra những dẫn chứng: "Trước khi hạ giải, nhà thờ vẫn còn vững chãi với tường xây xung quanh và ba gian gỗ lim, cửa lim khá đẹp. Thế nhưng toàn bộ đồ gỗ dỡ xuống bị đội thi công của ông Nguyễn Duy Hải thuộc Công ty Tu bổ di tích & thiết bị văn hóa trung ương (Bộ VH-TT) - đơn vị trúng thầu - vứt bỏ bừa bãi giữa mưa nắng. Khi thấy ông Hải dùng gỗ làm cột chống côppha, tôi hoảng quá nhưng can ngăn thế nào cũng không được, xót lắm".
Chỉ tay lên phía nóc nhà thờ, ông Tuấn tiếc nuối: "Độ cao nhà thờ mới này thấp thua nhà thờ cũ khoảng 1/3. Trong nhà thờ có bảy đôi câu đối (ba đôi khắc gỗ, bốn đôi viết vào tường, nét chữ đều, rất đẹp) của các đời vua Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị ban tặng nay chỉ còn hai câu".
Ngừng giây lát, ông Tuấn đọc một trong số những câu đối (đã mất) do vua Thiệu Trị ban tặng Nguyễn Công Trứ: "Sinh vi lương tướng, tử vi thần/Công tại quận triều, danh tại sử" (dịch nghĩa là: "Khi sống làm tướng văn, tướng võ, khi chết là thần thánh. Công lao thì ở triều đình, còn danh tiếng do sử sách ghi lại").
Ông Tuấn liệt kê tiếp: "Bức đại tự do vua phong gồm bốn câu chữ Hán - "thọ tường tử từ" treo chính diện chắn mái cũng bị họ dỡ xuống. Trên đỉnh đại tự có bức quấn thư đắp nổi khá đẹp, bên trái có thanh gươm, bên phải là ngọn bút, mặt chính khắc ba chữ "Trần Lưu Quận" và ba bức hoành phi trước ba cửa ra vào, bức giữa ghi câu "Nguyễn Công từ đường", bức trái ghi câu "Ích quốc lợi dân", bức phải ghi câu "Chí công vô tư” nay cũng biến mất. Ba câu đối còn lại trong nhà thờ thì có một câu được làm mới hoàn toàn nhưng nội dung lại y hệt một câu đối cũ mộc mạc đang treo song song. Không hiểu họ làm thừa ra như thế để làm gì nếu không nói là vừa tốn tiền của Nhà nước vừa treo chật nhà thờ…".
Từ đống gỗ đổ nát nằm phơi nắng, ông Tuấn dẫn tôi đến nhà bia dẫn tích nằm phía cuối nhà thờ, giới thiệu: "Nhà bia do Hội Việt kiều Đan Mạch tài trợ xây dựng cách đây 10 năm. Nhà bia này cũng được tháo dỡ, chuyển từ phía trước nhà thờ vào phía sau. Trước đây, bốn mặt bia được khắc bốn loại chữ Việt - Hán - Anh - Pháp; đến khi làm mới chỉ còn hai mặt bia khắc hai loại chữ Việt - Hán, nhưng mặt bia chữ Hán có nhiều lỗi do khắc sai. Hai mặt bia còn lại hiện đang bỏ trống. Nói chuyện về bia, ông Tuấn lại buồn rầu: "Khi tôn tạo khu vực lăng mộ, không hiểu sao họ loại thải bia mộ cụ Nguyễn Công Trứ ra ngoài bãi cỏ. Tôi xin đưa vào cất nhưng ông Nguyễn Duy Hải không cho, mãi về sau tôi mới tìm cách đưa được vào trong nhà thờ cất giữ đến nay".
Do… bận họp và bận học
Tất cả câu chuyện nêu trên ông Võ Hồng Hải không hề biết. Thậm chí, ông không hay biết ngôi nhà thờ trước khi tháo dỡ có mấy cột, làm bằng loại gỗ gì bởi khi ông nói gỗ lim, khi nói gỗ thường và "sau khi hạ giải đã giao cho người cất giữ cẩn thận". Với câu đối - một phần linh hồn của di tích, ông không biết trong nhà thờ có bao nhiêu câu đối, câu nào còn, câu nào mất. Ông lý giải: "Tôi đã giao cho anh Nguyễn Trí Sơn - phó trưởng ban dự án - quản lý khâu này nhưng hiện anh Sơn đang bận họp, hẹn trả lời sau".
Với bức đại tự và tấm bia mộ bị loại bỏ, ông Hải điện thoại các nơi mới biết số phận hiện nay của chúng và giải thích "do không đồng bộ với thiết kế nên không đưa vào". Còn bia dẫn tích, ông cho rằng bia mới không cần khắc đầy đủ như bia cũ mà chỉ khắc chữ Việt và chữ Hán là được. Vả lại "dự án chỉ phê duyệt từng ấy". Riêng việc làm dư thừa một câu đối màu mè sặc sỡ với giá gần 30 triệu đồng và phục chế bức đại tự gần 23 triệu đồng, ông mới chịu thừa nhận "để xem xét lại". Sau buổi gặp, ông Hải nói: "Dự án chỉ có vài chi tiết sai vậy thôi. Khiếm khuyết này là do tôi bận đi học nên không kiểm soát được".
Theo điều tra của chúng tôi, do những dư luận về thực tế nêu trên đã khiến dự án tuy đã bàn giao tháng 10-2007 nhưng đến nay vẫn chưa thể quyết toán được.
Năm 1861, nhà thờ Nguyễn Công Trứ được dựng lên tại làng Uy Viễn, nay là thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Năm 1936, nhà thờ được làm lại lần hai. Nhà thờ được Bộ VH-TT công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Tháng 12-2005, Bộ VH-TT cho phép UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo di tích nhà thờ Nguyễn Công Trứ. Tổng mức đầu tư dự án là 5,952 tỉ đồng.
Ảnh : Nhà thờ mới khác hẳn và thấp hơn nhà thờ cũ