Tham gia cuộc toạ đàm này có rất nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi như: Hoài Khánh, Khôi Vũ, Đình Hải, Trần Hoài Dương, Cao Sơn... Câu hỏi lớn nhất đặt ra ở đây là tại sao văn học thiếu nhi VN lại khó thu hút đối tượng độc giả nhí? Có vẻ như các nhà văn luôn trong trạng thái phải rượt đuổi theo nhu cầu đọc của đối tượng độc giả đặc biệt này.
Văn chương đối với trẻ không chỉ là phương tiện để giáo dục đạo đức mà còn để giải trí. Trong vài năm gần đây, nhu cầu này càng phải được chú ý hơn bởi lẽ có quá nhiều lựa chọn để các bạn nhỏ dành thời gian quan tâm. Nếu không có sức hút như Đôrêmon hay Harry Potter thì cũng khó mà lôi độc giả đến quầy sách.
Lâu nay, văn học thiếu nhi vẫn được xem là mảng "khó nhằn" cả với những nhà văn có thâm niên trong lĩnh vực sáng tác. Kinh nghiệm cho thấy, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài hay hàng loạt các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh sau này hấp dẫn được người đọc bởi nó đi vào được thế giới tuổi thơ bằng con chữ trong sáng và thuần hậu. Hoặc ít ra cũng kể lại ký ức tuồi thơ của nhà văn một cách sống động.
Thơ thiếu nhi những năm gần đây cũng không thấy xuất hiện các hiện tượng thần đồng thơ như Trần Đăng Khoa nữa.
Một nhà văn tâm sự: "Ông thấy nản vì ngay cả dịp Ngày thơ Việt Nam thì một bà mẹ cũng không thể tìm được một tập thơ cho con". Điều này buộc người ta phải suy nghĩ bởi trên thực tế, in thơ rất khó, độ rủi ro lại cao. Làm thơ cho trẻ lại càng khó khăn hơn. Vậy, đổi mới thơ thế nào đây?
Với đối tượng độc giả đặc biệt này, tính thẩm mỹ, lạ và đẹp khi trình bày những trang sách cũng cần được lưu tâm. Nhiều nhà văn phàn nàn và buồn vì ngay cả sách mình viết ra thì đối tượng đầu tiên họ muốn hướng tới là chính con cái của họ cũng... không hứng thú. Họ nhận ra tâm lý trẻ đã thay đổi và nhu cầu đọc cũng thay đổi, không giống như họ trước đây nữa. Các nhà văn cố gắng tìm hiểu xem tại sao truyện tranh của Nhật Bản, những sáng tác kiểu Harry Potter lại trở thành best-seller. Họ nhận ra mình cần thay đổi cách thể hiện. Thế nhưng, một vài người cũng cho rằng: "Quan trọng là phải tìm cách để trẻ yêu thích những gì nhà văn viết ra. Không thể không thay đổi cách viết, nhưng nhất quyết không thể uốn mình theo nhu cầu đọc của trẻ".
Một vấn đề cũng được quan tâm là xuất bản sách như thế nào? Vài năm nay, thế độc quyền của NXB Kim Đồng trong lĩnh vực này đã bị phá vỡ. Một số đơn vị "có máu mặt" như NXB Trẻ, NXB Đồng Nai cũng nhảy vào "cuộc chơi" này. Đặc biệt, gần đây, công ty TNHH sách Thương Huyền (một đơn vị tư nhân) cũng lao vào từng bước khẳng định vị trí trong lĩnh vực sách thiếu nhi. Ban đầu, công ty này cũng chỉ dám lựa chọn những cuốn sách hay của nước ngoài để dịch và xuất bản. Nhân dịp trại sáng tác năm nay, họ bắt đầu trao đổi và thăm dò để xuất bản sách thiếu nhi của các tác giả trong nước.
Chuyện làm thế nào để nhà văn Việt có thể chủ động đưa các tác phẩm văn học thiếu nhi của mình ra thị trường bên ngoài cũng được bàn tới nhưng chưa cho thấy dấu hiệu khả quan nào. Những năm trước đây, một số tác phẩm thiếu nhi đã được tuyển lựa đưa ra nước ngoài như trường hợp Dế mèn phiêu lưu ký thì đều do các NXB nước ngoài chủ động.
Trong cuộc trao đổi, giám đốc nhà sách Thương Huyền, ông Quang Toàn cho biết, họ đang xúc tiến việc dịch và đưa sách văn học thiếu nhi ra bên ngoài. Một số đầu sách dạng như Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi là những cái đích đầu tiên mà công ty này hướng tới. Ông Toàn giải thích: "Để hấp dẫn trẻ nước ngoài thì nhất thiết phải có một trong hai yếu tố là sự tương đồng về văn hoá hoặc sự khác biệt ấn tượng mang bản sắc của Việt Nam để trẻ có cảm giác được học hỏi và khám phá. Hi vọng trong một thời gian tới, những cuốn sách thiếu nhi của các nhà văn hiện thời sẽ xuất hiện trong các hội chợ sách thiếu nhi quốc tế".
Chưa bàn về thành công của việc đưa sách ra thị trường bên ngoài (mà chắc chắn là sẽ rất khó), chỉ nhìn vào việc đi tiên phong trong con đường này không phải là một nhà xuất bản lớn, ta cũng có thể đặt câu hỏi: Phải chăng, các NXB nhà nước đã mỏi gối chùn chân?
Ảnh bìa : Mảnh gốm vỡ, một tác phẩm của Hàn Quốc được Công ty Thương Huyền dịch và xuất bản.