Khi không thể "hét giá"
Khác với sự nhập cuộc rôm rả của các sân khấu xã hội hoá tại TPHCM, sân khấu cho thiếu nhi tại Hà Nội có phần lặng lẽ hơn, trong cái lặng lẽ chung của sân khấu phía bắc, bởi cả năm chỉ rộ được một lần vào 1.6 và kịch mục không lấy gì làm phong phú. Nhưng năm nay thì có vẻ xôm trò hơn một chút.
Ngoài Nhà hát Tuổi Trẻ với chương trình thường niên "Ngôi nhà của bé" (ảnh) thì có vài địa chỉ gần gũi khác như Cung Thiếu nhi HN với "Cười tặng bé, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn", Nhà hát Múa rối T.Ư với "Múa rối cổ tích", rối Thăng Long với chương trình biểu diễn rối cạn với những con rối khổng lồ...
Một số sân chơi vốn dĩ chỉ dành cho người lớn cũng được các bầu sô trưng dụng cho dịp này như Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Xô với "Thần điêu Mỏ nhọn"... hay các buổi diễn lưu động của Nhà hát Tuổi Trẻ tại các nơi có nhu cầu.
Tuy nhiên, không phải các chương trình này đều được đầu tư dàn dựng thích đáng khi mà vé bán cho các chương trình thiếu nhi đều khó mà "hét giá" và "tuổi thọ" của chúng trên thị trường biểu diễn thường không cao.
Ngay như với "Ngôi nhà của bé" tại Nhà hát Tuổi Trẻ vốn được coi là có sự đầu tư khá bài bản thì theo ông Trương Nhuận - Phó GĐ nhà hát: "Chúng tôi cũng không dám đầu tư quá mức vì tiền vé chỉ bằng một nửa giá vé người lớn, trong khi chi phí dàn dựng nhiều khi vẫn lên đến vài trăm triệu đồng - xấp xỉ một vở người lớn".
Đào tạo khán giả tương lai
Không dễ vẽ nên cái "thế giới bay bổng của tưởng tượng và ước mơ" này khi để tạo được sự hấp dẫn cho một chương trình thiếu nhi, điều cần có còn là các điều kiện kỹ thuật hỗ trợ khác.
NSND Lan Hương từng tiếc rẻ nói: "Tôi cứ ước dựng được cảnh một "siêu nhân" bay qua khán phòng, là là trên đầu các khán giả nhí, nhưng... đành chịu vì điều kiện kỹ thuật không cho phép".
NSND Lê Hùng cũng không ít bận phải kêu trời vì các sân khấu hộp lạc hậu ở ta. Năng nổ như các sân khấu xã hội hoá tại TPHCM mà còn phải đi thuê sân khấu và chỗ tập. Không có chiến lược đầu tư lâu dài, không có sân khấu chuyên dụng riêng cho thiếu nhi... đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự thiệt thòi trong quyền được thưởng thức nghệ thuật của các em. Trong khi đó, nói như NSND Lê Hùng: "Đầu tư cho sân khấu thiếu nhi chính là đào tạo khán giả tương lai và tìm kiếm đầu ra lâu dài cho sân khấu".
Ông Trương Nhuận cũng cho biết: "Chúng tôi được biết có những nước như Đan Mạch, Thụy Điển, họ có tới cả trăm nhà hát và nhóm biểu diễn dành riêng cho thiếu nhi. Khán giả trẻ được họ đánh giá là đối tượng phục vụ chính và hơn thế, là lớp khán giả tương lai, nên cần được hình thành thói quen đến với sân khấu từ bé. Trong khi đó, sân khấu VN lại đang ngày càng bỏ quên lớp khán giả này. Nhìn chung, sân khấu thiếu nhi ở ta hiện vẫn còn là một khoảng trống không dễ lấp đầy...".
Ảnh : Chương trình thường niên "Ngôi nhà của bé" của Nhà hát Tuổi Trẻ.