Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
505
123.281.580

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Festival Huế 2008: Điểm nhấn từ huyền thoại sông Hương
Huyền thoại sông Hương là một lễ hội được dàn dựng công phu dựa trên yếu tố lịch sử, huyền thoại và vẻ đẹp của dòng sông Hương thơ mộng trữ tình. Chương trình lần đầu tiên được dàn dựng như một điểm nhấn mới tại Festival Huế 2008.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đồng tác giả kịch bản chương trình cho biết: Chương trình được xây dựng nhằm khẳng định giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của một dòng sông gắn liền với một vùng văn hóa và tình cảm, tâm hồn của con người xứ Huế; khẳng định những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cố đô Huế; hướng đến tạo dựng một sản phẩm du lịch hấp dẫn, được tổ chức định kỳ, góp phần nâng cao vị thế của vùng đất văn hóa, du lịch, làm phong phú đời sống tinh thần của công chúng. "Sông Hương mang trong dòng chảy của nó biết bao huyền thoại, từ cả tên gọi đến những sự kiện và nhân vật cụ thể trong lịch sử. Đó là nguồn cảm hứng cho các tác giả hình thành ý tưởng rồi phát triển thành kịch bản, dàn dựng thành lễ hội với quy mô lớn trong Festival Huế 2008 năm nay" - ông Hải Trung nói.

 

Du khách có vé tham dự tour Huyền thoại sông Hương xuất phát từ bến thuyền lăng Minh Mạng. Tại đây, sau phần ngũ lân nghênh phúc, du khách bắt đầu hành trình trên các con thuyền, thưởng thức ẩm thực, lắng nghe sông Hương kể về những huyền thoại của mình qua 18 điểm nhấn của hành trình.

 

Chương trình Huyền thoại sông Hương được dàn dựng dựa trên cơ sở một họa đồ về cảnh thuyền vua du sông của triều Nguyễn, gồm 1 chiếc thuyền cung đình và 20 chiếc thuyền rồng. Chương trình được giới hạn trên sông Hương từ Ngã ba Bằng Lãng đến Nghinh Lương đình.

 

Cầu Tuần là địa điểm đầu tiên của Huyền thoại sông Hương, tại đây, một dàn trống lớn được sắp đặt tại mố cầu, tiếng trống thúc giục nghênh đón du khách vào huyền thoại. Tiếp theo, tại một đoạn trên Quốc lộ, đội quan binh tuần thú sẽ gợi cho du khách một không khí xa xưa; đình làng Hải Cát xa xa với hương án và các bô lão chào đón trong màu sắc của cờ xí và âm thanh của nhạc lễ. Gần khu vực lăng Cao Hoàng, hoạt cảnh binh lính tuần trực lăng chúa Nguyễn trang nghiêm. Tại điện Hòn Chén, các thuyền dừng lại, hoạt cảnh rước vua lên điện chuẩn bị cho một lễ dâng hương. Tại một đoạn lòng sông trước chân đồi Vọng Cảnh, tác phẩm sắp đặt Lễ vật dòng sông của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh sẽ tương tác với khói màu huyền ảo. Gần qua khỏi khu vực đồi Vọng Cảnh, cảnh hai chuyến đò dọc và các ngư dân hò đối đáp. Trước mặt Làng văn hóa Về Nguồn là hoạt cảnh Tung chài. Tại chân cầu Xước Dũ, những sinh hoạt của làng chài bập bùng trong ánh đèn, hoa đăng được thả từ các con đò gửi niềm mơ ước về cuộc sống. Văn Miếu Môn, Đại Thành Môn nổi bật lên từ ánh sáng nghệ thuật, hoạt cảnh các tân tiến sĩ dâng hương.

 

Tại chùa Thiên Mụ, các thuyền dừng lại, khu bờ kè chiếu các bài thơ chữ Hán của các vua, các chúa viết về chùa Thiên Mụ; bậc cấp bờ kè thắp hoa đăng theo hình chữ Hán: Thiên Mụ tự, hoạt cảnh bà tiên báo mộng, chúa Nguyễn Hoàng và tùy tùng chọn cuộc đất để xây chùa. Khoảng 40 nhà sư thắp sáng các hoa đăng làm rực lên 3 chữ Thiên Mụ tự trong âm thanh của tiếng mõ, du khách thả diều nguyện cầu của mình gửi theo những đốm hoa đăng. Tại đình Kim Long, trong các sắc màu của cờ xí, các bô lão và thiếu nhi chào đón đoàn du thuyền với sự thể hiện qua nghệ thuật sắp đặt Cửu long với hai chữ Hán Kim Long ghi dấu về một thời thủ phủ Kim Long (1636-1678) và thời chúa Nguyễn, đồng thời hồi tưởng về 450 năm Chúa Nguyễn Hoàng làm cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi (1558 - 2008).

 

Tại cầu Bạch Hổ, 9 đèn prowash vụt sáng tượng trưng cho 9 chúa Nguyễn, một lớp pháo hoa chảy từ thành cầu đón du khách vào khu vực chương trình cố định. Bờ cây từ cầu Bạch Hổ đến Nghinh Lương đình được chiếu sáng nghệ thuật, huyền ảo, lung linh. 13 cây skylight vụt sáng tượng trưng cho 13 đời vua Nguyễn; các thuyền lần lượt neo đỗ vào những khu vực quy định tại bến Nghinh Lương đình... Từ trên các thuyền, du khách bắt đầu thưởng thức các tiết mục nghệ thuật tại sân khấu

 

Nghinh Lương đình. Tại đây, Huyền thoại sông Hương sẽ tiếp tục được kể qua các loại hình như hoạt cảnh, tổ khúc, vũ khúc, ngâm thơ... được dàn dựng một cách công phu.

 

Ban tổ chức cho biết, sau Festival Huế 2008, chương trình sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tế để khai thác như một tour du lịch, phục vụ lâu dài, tạo nên một sản phẩm văn hóa đặc trưng của các sinh hoạt văn hóa vào ban đêm của Huế. 

 

Ảnh : Mô hình tác phẩm sắp đặt Lễ vật dòng sông, trong chương trình Huyền thoại sông Hương của tác giả Đinh Khắc Thịnh

 

B.N.L - TNO theo tư liệu của Ban tổ chức