ng 12-6 tại sân khấu 5B Võ Văn Tần (TP.HCM), vở kịch
Cánh đồng bất tận do đạo diễn Minh Nguyệt (từng gây bất ngờ với vở
Tiếng chim trong vườn ngọc lan) cảm tác và dàn dựng đã được đưa lên sàn tập.
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với chị:
* Vì sao chị quyết định đưa Cánh đồng bất tận lên sân khấu?
- Tôi "mê” Nguyễn Ngọc Tư từ tập truyện Ngọn đèn không tắt đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của báo Tuổi Trẻ. Sau đó, tôi từng "đắm đuối" chuyển một loạt truyện ngắn: Dòng nhớ, Một trái tim khô, Cuối mùa nhan sắc lên sân khấu bởi chuyện Tư kể rất đời thường nhưng ắp đầy nhân bản.
Bất ngờ Cánh đồng bất tận xuất hiện, sự "đắm đuối" ấy trong tôi càng chín muồi, có người ủng hộ, có người lại bàn ra: "Làm phim thì được, sân khấu thì không". Nhưng tôi đã đến tuổi này, nếu không làm thì biết đến chừng nào, phải liều thôi, vì lỡ "yêu" rồi!
* Liệu ngôn ngữ sân khấu có nói được hết những điều mà văn học chuyển tải?
- Tôi biết đây là vở dựng khó, cố gắng dùng thủ pháp ước lệ để sân khấu sâu hơn và sang hơn. Có thể dùng một số video clip để tải những không gian mà sân khấu không tải được - một cách hòa quyện chứ không minh họa. Tôi muốn khán giả sẽ cùng nhân vật cảm nhận được sự chòng chành, lênh đênh của từng số phận trên những chiếc "ghe đời".
Cuộc đối thoại của những chiếc bóng (tâm hồn nhân vật) là chìa khóa tôi tìm được để tải ý văn của Tư lên sân khấu. Chúng tôi hiểu rằng phải cẩn trọng, không được quyền làm thấp đi một tác phẩm văn học mà mọi người đang ngưỡng mộ. Hi vọng sự sáng tạo và cách diễn xuất của dàn diễn viên sáng giá sẽ làm nên một Cánh đồng bất tận lạ lẫm, sâu lắng.
* Những nghệ sĩ nói gì về vai diễn của mình? Còn vai Nương, diễn viên trẻ nào sẽ thấu hiểu và diễn đạt được hết cái thần của nhân vật?
- Khi viết, tôi bỗng sợ... Tư viết hay quá mà mình làm không ra! Nên viết xong, tôi gửi ngay cho nghệ sĩ Thanh Thủy đọc. Ngày sau Thủy đến nhà, mắt rưng rưng: "Em đóng vai con điếm. Nếu đóng không ra, bỏ nghề luôn!". Tôi cũng nghẹn: "Gửi tiếp cho Thành Hội và Ái Như nghen?". Cả hai hồi hộp chờ đợi, ba ngày sau tôi gọi Thủy: "Thành Hội, Ái Như nhận lời rồi", Thủy reo lên: "Thế là xong!". Thành Hội góp ý: "Đào sâu hơn nhân vật Út Vũ”. Ái Như bảo: "Làm rõ hơn xung đột các nhân vật cùng không gian, thời gian".
Chúng tôi sẽ mời Huỳnh Đông vai Điền. Còn Nương và má Nương, vì trong truyện miêu tả họ giống nhau như đúc nên tôi muốn tìm một nữ diễn viên có nội lực, có nhan sắc gái quê nhưng phải diễn được hai tính cách ngược nhau: một - đẹp, trẻ, sâu lắng, lầm lì; một - đẹp, lớn nhưng nhẹ dạ và có nụ cười "làm sáng cả một góc sông"... Tôi nghĩ đến Như Phúc, đã từng có mặt trong phim Hướng nghiệp với một vai cũng tên Nương...
* Chị sẽ xử lý thế nào những cảnh nóng trong
Cánh đồng bất tận?
- Dù tiết chế tối đa, kịch bản vẫn giữ lại ba cảnh "nóng" bởi nếu không có thì mạch kịch không thể phát triển. Gần đây, báo Tuổi Trẻ đưa một loạt bài nói về cảnh "nóng" trên sân khấu, các tác giả phân tích rất hay. Suy cho cùng sân khấu không thể câu khách bằng cảnh "nóng".
Từ diễn viên đến khán giả vốn đã ăn sâu một nền văn hóa phương Đông nên những cảnh ấy vẫn phải tiết chế, tạo ấn tượng đẹp để gây xúc cảm thăng hoa. Trong Cánh đồng bất tận tôi sẽ cố gắng xử lý dù ước lệ hay tả thực cũng chỉ để phục vụ điều mà khán giả tin và thấy rằng cần thiết phải như vậy.
* Nhiều người đọc xong Cánh đồng bất tận bảo rằng thấy cuộc đời sao mà buồn... bất tận! Đưa câu chuyện ấy lên sân khấu giữa lúc khán giả quen cười liệu có mạo hiểm không?
- Đúng là đọc xong tôi cũng buồn, buồn rất lâu, âm ỉ. Nhưng hiệu quả sân khấu khác với hiệu quả văn hóa đọc, thế là tôi mạnh dạn nghĩ - cũng là nỗi buồn... nhưng mặt trời sẽ le lói cuối cánh đồng được chăng? Ngập ngừng điện xin phép Tư: "Chị hư cấu được không?". Tư hào sảng bảo: "Chị cứ thoải mái".
Tôi mừng đến có thể bay lên được, bèn đẩy tính cách nhân vật Nương mạnh mẽ, quyết liệt và vị tha theo kiểu phụ nữ Nam bộ quyết giành lấy hạnh phúc, không làm bản sao của Má để bi kịch không chất đống lên những người thân. Tất nhiên cái lõi vẫn là nỗi buồn dữ dội trong Cánh đồng bất tận, nhưng sẽ có những cái rất "duyên" của Thành Hội (Út Vũ) khi vợ chưa thay lòng, của Thanh Thủy - cô gái điếm trong veo, của Ái Như - người đàn bà quê yêu một cách vội vã.
Tôi tin khán giả sẽ cười "cái rần" theo sau những giọt nước mắt thấm đẫm. Giả như không tạo được tiếng cười tôi vẫn thiết tha đưa "cánh đồng" lên sân khấu bởi tôi không tin khán giả vì quen cười mà không đến với những vở bi kịch. Tôi đã từng chứng kiến họ ngồi phăng phắc hơn hai giờ đồng hồ như uống lấy từng lời của nhân vật dù suốt chiều dài vở diễn không có lấy một chi tiết gây cười. Đó là khán giả của ngày hôm nay. Tôi chỉ sợ... họ sẽ không đến, nếu chúng tôi không đủ sức đẩy vở diễn đến tận cùng với nghệ thuật dù bi hay hài...
* Chị quan tâm đến vấn đề gì trong tác phẩm Cánh đồng bất tận?
- Đó chính là khát vọng được làm người bình thường, để yêu thương và được yêu thương - một điều tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không có thì cuộc sống không tồn tại... Tôi gửi đến khán giả thông điệp ấy qua hình tượng ba cha con Út Vũ, Nương, Điền luôn giằng xé với những giới hạn trong bi kịch làm người. Ngay cả một cô gái điếm vẫn luôn khao khát được "tận cùng sẻ chia để nhận được sự tận cùng yêu thương"... |