Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
515
123.281.651

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Võ Văn Kiệt - người tập hợp sức mạnh của trí thức
Không chỉ là vị lãnh đạo hợp lòng dân, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (hay đơn giản như mọi người thường gọi là ông Sáu Dân) còn được ca ngợi là nhà trí thức hàng đầu của đất nước.

Đối với giới trí thức, văn nghệ sĩ, ông còn là một người bạn lớn, luôn động viên, san sẻ, "đỡ" búa rìu dư luận và cảm thông, vì dường như ông đọc thấy ở họ những biến động dù rất nhỏ của một đời sống bên trong, những nhu cầu nội tại của con người trong xã hội đang dần chuyển trong giai đoạn đổi mới.

 

Sau đây là sự chia sẻ tình cảm của một số văn nghệ sĩ đối với Võ Văn Kiệt - người tập hợp sức mạnh của trí thức vừa mới ra đi.

 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Một người rất quý trọng trí thức

 

Vào khoảng năm 1980, trước khi ra Hà Nội nhận công tác mới, ông Sáu Dân có gặp tôi và một số anh em văn nghệ sĩ ở nhà tôi. Tôi nhớ lúc đó có nhà thơ Nguyễn Duy, các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn. Ông Sáu có cái hay là luôn tạo tâm lý thoải mái, tự nhiên cho anh em nghệ sĩ trong những cuộc tiếp xúc như vậy. Chúng tôi nói năng không dè dặt, không sợ bị quy chụp; còn ông thì sẵn lòng nghe.

 

Đêm đó rất có ý nghĩa về phương diện nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Duy đọc những bài thơ khó đăng của anh; trong đó, tôi nhớ có bài "Đánh thức tiềm lực" - là một bài động chạm khá nhiều đến các vấn đề kinh tế, xã hội thời bấy giờ. Ông Sáu nghe, tỏ vẻ thích thú, chứ không có phản ứng giống những người khác. Ông luôn có thái độ cởi mở đối với tác phẩm của chúng tôi. Sau đó thì bài thơ của Nguyễn Duy cũng được đăng, với lý do đơn giản là người ta nghe nói ông Võ Văn Kiệt đã đọc trước và rất thích tác phẩm này; những người có ý kiến phản bác gay gắt cũng đành... đấu dịu.

 

Một ý nghĩa nữa mà đêm đó chúng tôi hiểu thêm về ông, chính là cách đối nhân xử thế. Những năm đó đang có chủ trương đổi bài Quốc ca. Trong dư luận râm ran phản ứng, nhưng không ai lên báo tỏ rõ thái độ cả. Nguyễn Duy vốn hài hước, nên hát to lời 2 "chế" từ bài "Tiểu đoàn 307". Ông Sáu ngồi nghe và cười rất vui. (Về sau, phong trào viết lại quốc ca cũng lắng xuống).

 

Đến lượt Trịnh Công Sơn hát, rồi Trần Long Ẩn nhại lời 2, lời 3 các ca khúc của mình, ông cũng mê không kém. Ông quan tâm đến từng văn nghệ sĩ. Ai thích uống loại rượu gì, ông biết hết thói quen của từng người. Ông biết cách quy tụ trí thức. Thường buổi chiều, ông hay mời những vị khách đầu ngành để cùng ăn tối, cùng nói chuyện, nắm sâu sát tình hình, rút kinh nghiệm. Ông phát động một phong trào ca hát trong thành phố, vì cho rằng "đời sống cần phải có tiếng cười", nhất là trong những năm đầu giải phóng còn nhiều khó khăn. Cũng từ ý tưởng của ông mà tờ Tuổi Trẻ Cười ra đời trong những ngày ấy.

 

Còn nhớ, có lần, nhà báo Kim Hạnh - thời còn làm ở Tuổi Trẻ - nghe tin đồn nghi Trịnh Công Sơn là người của CIA, liền hốt hoảng báo lại với ông Sáu Dân. Ông giải tỏa thắc mắc một cách đơn giản: "Chú mà người ta còn nghi, huống gì là Sơn".

 

Ông "bảo lãnh"tác phẩm khi mới thành hình, bằng cách tạo điều kiện để văn nghệ sĩ đọc trước cho mình nghe. Ngay cả khi dựng vở "Tiếng trống Mê Linh", có ý kiến cho là Thanh Nga vốn là người Sài Gòn cũ, không đóng vai bà Trưng được, ông Sáu thủng thẳng: "Nếu nói như mấy ổng vậy thì mời bà Định, bà Thập đóng đi". Thế là Thanh Nga vẫn được đóng bình thường.

 

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Nhà lãnh đạo kỳ diệu

 

Có thể nói, trong đời, tôi đã may mắn gặp được một nhân vật hết sức kỳ diệu, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhưng cũng là người rất sâu sát, gần gũi với quần chúng, trong đó có văn nghệ sĩ, để đưa ra phương pháp làm việc phù hợp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Mỗi lần đi công tác, hay đi thực tế, ông Sáu Dân bao giờ cũng rủ anh em văn nghệ sĩ cùng đi.

 

Có lần, tôi theo ông đến rừng đước ở Cần Giờ. Chính ông tư vấn cho các kỹ sư nông lâm đừng trồng cây xa quá, cây mọc cong queo không thẳng được. Ai cũng kinh ngạc, không hiểu ông lấy đâu ra kinh nghiệm ấy.

 

Xúc động trước hình ảnh của ông Sáu Dân trong rừng đước, trong tôi nảy ra ý bài hát "Một đời người, một rừng cây". Con người sống phải chan hòa trong tập thể, như cây mọc sát nhau mới đứng thẳng, để phát huy sức mạnh của từng cá nhân.

 

Chúng tôi còn đi thực tế ở Trị An, đường dây 500kV cùng với ông và khi về thường có ngay tác phẩm. Hát khoe với ông, ông khen: Các cậu viết rất giỏi. Cứ mạnh dạn mà viết, lấy sở trường của mình ra mà viết. Mỗi lần gặp tôi, ông đều hỏi: "Ẩn dạo này có viết gì mới không?" và thường căn dặn: "Người nghệ sĩ không được ngưng nghỉ trong sáng tạo".

 

Tôi vẫn nung nấu mãi một bài hát về nụ cười Võ Văn Kiệt. Ông mất đi, nhưng trí tuệ và tình nghĩa của ông vẫn còn, vẫn còn đó trong chúng tôi hình ảnh con người lạc quan, dí dỏm, một nhà lãnh đạo có cá tính, suốt đời trọng nhân tài và trí thức, biết dùng người, biết lắng nghe và quan trọng là một nhân cách lớn.

 

Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn: Biểu tượng của sự gắn kết dân tộc

 

Một đất nước có vị lãnh đạo quý trọng nhân sĩ, trí thức như ông Sáu Dân là một đất nước có phúc. Ông mở rộng vòng tay để đón trí thức, giao tiếp với họ mà không phân biệt tuổi tác, chính kiến, Bắc-Nam, giáo phái; miễn là người đó thành tâm yêu nước, nhiệt tình đóng góp cho sự nghiệp cách mạng mà ông đeo đuổi. Không chỉ biết lắng nghe, ông còn là người biết sàng lọc, phân định cái hay, dở bằng trí thông minh bẩm sinh để bổ sung cho vốn hiểu biết của mình. Một trí tuệ lớn, trong một con người bình dị và dí dỏm đến ngạc nhiên.

 

Ảnh : Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ gia đình kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn.

 

M.T ghi - LDO