Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
496
123.282.798

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Oum Kalsoum: Niềm an ủi cho con tim hàng triệu người Ả rập
Giọng ca Oum Kalsoum làm thổn thức tâm hồn Ả rập. 33 năm sau khi bà qua đời, Viện Thế giới Ả rập - Institut du Monde Arabe-tại Paris tổ chức triển lãm « Oum Kalsoum, Kim tự tháp thứ 4 của Ai Cập ».

Giọng ca Oum Kalsoum đã để lại một vết cháy bỏng trong tâm thức Ả rập. Oum Kalsoum được mệnh danh ngôi sao phương Đông, mà sức quyến rũ đến độ mê hoặc đã vượt lên trên biên giới các quốc gia Ả rập.

 

Những năm 60 của thế kỷ trước, các buổi trình diễn của Oum Kalsoum mỗi thứ năm đầu tháng, được hàng trăm triệu người đón chờ như ngày hội của trí tuệ Ả rập, như đêm hội ngộ giữa quá khứ và tương lai của nền văn hoá lâu đời này. Cứ thế, trong hàng chục năm ròng, mỗi thứ năm đầu tháng, vào buổi tối, các đường phố Cairo, Tunis, Beyrout, Bagdad, Damas, Khartoum, Ryad vắng hẳn bóng người, bởi vì ai nấy cũng vội vã trở về nhà quây quần bên máy thu thanh, để lắng nghe Oum Kalsoum, như thể họ nghe thổn thức tâm hồn Ả rập.

 

Sinh ra tại một ngôi làng hẻo lánh vùng châu thổ sông Nil của Ai Cập, trong một gia đình nghèo, có lẽ vào năm 1904, Oum Kalsoum không bao giờ quên hoàn cảnh vất vả của đồng bào, đồng chủng. Bà thường khẳng định : « Tôi chỉ là một phụ nữ, một nông dân Ai Cập ». Bố của bà phải tìm thêm nguồn thu nhập bằng cách trình diễn các bài Thánh ca kinh Coran trong các lễ hội, đám cưới. Nhưng cũng nhờ vậy mà cô bé Oum Kalsoum sớm yêu nghề ca sĩ. Từ lúc lên mười, giọng ca thiên phú của Oum Kalsoum nổi tiếng trong toàn điạ phương. Ngày càng nhiều người yêu cầu thuê cô ca sĩ bé bỏng này đến hát. Cuối cùng gia đình của Oum Kalsoum phải chấp nhận, nhưng với điều kiện, cô bé phải cải trang thành đàn ông.

 

Hôm nay, tại Viện Thế giới Ả rập, Paris, nơi triển lãm về Oum Kalsoum, nhà tổ chức Eric Delpont còn sưu tầm được những bức ảnh của thời cô bé Oum Kalsoum mới tập tễnh bước vào sự nghiệp cầm ca : « Trong phần triển lãm giới thiệu tiểu sử của Oum Kalsoum, chúng tôi đã sưu tầm 2 bức ảnh chụp Oum Kalsoum thời còn thơ ấu. Có một bức ảnh cho thấy cô bé đang đứng cạnh ông bố. Bố của cô là một giáo sĩ chủ tế trong ngôi làng này. Bức ảnh kia cho thấy cô bé được cải trang thành một cậu bé, bởi vì trong những năm còn vị thành niên, Oum Kalsoum phải mặc quần áo của con trai khi đi hát. Gia đình của cô không cho phép con gái được trình diễn trước đám đông ».

 

1923, Oum Kalsoum từ giã gia đình lên thủ đô Cairo. Cô gái trẻ từ nay được xuất hiện như một nữ ca sĩ thực thụ. Từ đó, sự nghiệp Oum Kalsoum không ngừng phất lên như diều gặp gió. Ngày nay, cuộc triển lãm tại Viện Thế giới Ả rập, Paris nhắc lại : Oum Kalsoum được tặng danh hiệu : Kim tự tháp thứ 4. Hình ảnh này phần nào lột tả được lòng thán phục có một không hai của người Ả rập đối với một nghệ sĩ mà kích thước được ghi vào lịch sử đậm nét không kém ba kỳ quan của Ai Cập. Mặt khác, hình ảnh này cũng nhằm vinh danh một công dân mà bản lĩnh nghệ thuật đã trở thành lá cờ yêu nước, biểu tượng cuộc đấu tranh của dân tộc Ai Cập và người Ả rập khác chống chủ nghĩa thực dân.

 

Trong những bước thăng trầm của Ai Cập, Oum Kalsoum trình diễn những bài thánh ca kinh Coran, những bài thơ phổ nhạc mang chất tâm linh thần bí của Omar Khayam, hay những bài tình ca đương đại. Thời điểm đó đối với quần chúng Ả rập, tiếng hát của Oum Kalsoum mang nhịp thở hoành tráng của 7 000 năm văn hiến Ai Cập. Nó là niềm an ủi đối với thân phận nô lệ của người Ả rập. Nhưng, kể từ khi người hùng Abdel Nasser và nhóm quân nhân Cách mạng lật đổ chế độ quân chủ đánh đuổi thực dân Anh ra khỏi Ai Cập, kể từ khi chủ nghiã độc lập dân tộc thổi luồng sinh khí mới những năm 50 và 60 trong cả thế giới Ả rập, tiếng ca của Oum Kalsoum được đồng hoá với niềm kiêu hãnh của người Ả rập.

 

Mọi người còn nhớ trong cuộc chiến sáu ngày, năm 1967, trong cơn dầu sôi lửa bỏng, khi người Palestine nổi dậy chống Israel, Oum Kalsoum hát rằng : « Chúng ta, ai ai cũng là chiến sĩ Feddayin. Ngày nay, chúng ta ai ai cũng cầm chắc cây súng trong tay ».

 

Oum Kalsoum qua đời năm 1975. Cho đến nay, đã hơn 30 năm, nhưng trên các đường phố Ả rập, người ta vẫn nghe thấy tiếng hát rộn rã của Oum Kalsoum. Nam diễn viên điện ảnh Ai Cập Omar Charif kết luận: « Ở phương Đông, một ngày không tiếng hát Oum Kalsoum cũng tựa như một ngày không màu sắc ». Ngày bà qua đời, lo lắng cho rủi ro bất ổn định, thủ tướng đã đích thân loan báo tin buồn đối với dân tộc Ai Cập. Ông thốt lời ai điếu : « Từ nay trở đi, đêm xuống sẽ phủ dày bóng tối hơn xưa - Oum Kalsoum đã đi về bên cạnh Đấng Tối cao ». Theo tác giả tập tiểu sử Oum Kalsoum, Ysabel Saiah-Baudis, tại thủ đô Cairo ngày 5 tháng 2 năm 1975, có 5 triệu người Ai Cập đau buồn tiễn đưa Oum Kalsoum về nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Ảnh : Oum Kalsoum.
Bảo Thạch - RFI