Một nội dung trong khuôn khổ Festival Tây Sơn, diễn ra từ ngày 25 đến 30-7 tại TP Quy Nhơn. Ông Đăng Chương nói:
Lần này, chúng tôi chọn Tuồng truyền thống là có lý do, bởi nếu chỉ bảo lưu thì chưa đủ. Tuồng truyền thống phải được công diễn. Việc không dễ gì, vì chỉ nói việc khôi phục vở cổ đã rất khó khăn rồi. Nhiều tác phẩm chỉ còn tồn tại dưới dạng tư liệu, trong trí nhớ nghệ sĩ. Nhóm sáng tạo, từ biên tập kịch bản, đạo diễn, âm nhạc cho tới nghệ sĩ thì nay nhiều người đã mất, nhiều người bỏ nghề. Lớp diễn viên trẻ có mấy ai từng diễn tuồng cổ như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Hộ Sanh đàn... nay muốn diễn cũng phải học lại hàng năm trời.
- Dựng lại tuồng cổ theo kiểu sao chép, mô phỏng thì quá đơn giản, cái khó là làm sao để tuồng cổ lại hấp dẫn người xem…
- Đúng vậy! Phải thừa nhận tuồng cổ hiện chưa hấp dẫn khán giả và đó là vấn đề treo lơ lửng trên đầu nhà quản lý và những người làm tuồng. Dựng nguyên bản, như các cụ ngày xưa, mới chỉ là sự bắt chước thuần túy bởi thế hệ diễn viên hiện nay không thể địch được các nghệ nhân, nghệ sĩ thời trước. Để có lề lối hát tuồng đúng cách người xưa từng hát, sao cho “thổ tận can tràng” như NSND Bạch Trà, NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Lê Bá Tùng, NSND Ngô Thị Liễu, NSND Tiến Thọ, NSND Mẫn Thu từng thể hiện thì quả là khó. Dựng tuồng cổ, phải bám sát thủ pháp truyền thống và nguyên gốc là đương nhiên, nhưng làm sao để bản diễn phù hợp với đời sống hôm nay? Có những vở cổ diễn đủ phải mất 4 - 5 giờ, nay dựng lại thì không thể bê nguyên xi mà cần biên tập lại, đẩy tiết tấu nhanh hơn. Khán giả không thể ngồi mấy tiếng đồng hồ để theo dõi một vở tuồng được.
- Tháo gỡ khó khăn cho tuồng không phải là điều có thể đạt được chỉ với một LH. Sự thực thì chúng ta cần làm gì, thưa ông ?
LH này là tiền đề cho hội thảo quốc gia về Tuồng truyền thống vào tháng 10 năm nay. Chúng ta đã bàn nhiều về lối thoát cho tuồng nhưng phải nói là tới giờ vẫn chưa tìm ra. Có nhiều lý do lắm. Tuồng, liệu có thể phát triển khi số tác giả viết cho nó chỉ có vài người?
Chúng tôi đang lập đề án mở lớp đào tạo tác giả để tìm người viết cho sân khấu, đặc biệt là Tuồng truyền thống. Với tư cách là một tác giả, tôi mong nhà nước có cơ chế thích hợp để khuyến khích nghệ sĩ, kích thích tìm tòi thử nghiệm cho tuồng, thậm chí là chiến lược về định hướng khán giả. Không thể tiến hành xã hội hóa toàn phần nghệ thuật tuồng nhưng không có nghĩa là các đơn vị nghệ thuật tuồng cứ nghiễm nhiên sử dụng ngân sách. Các đơn vị nghệ thuật cần năng động hơn trong việc liên doanh, liên kết tổ chức biểu diễn, dàn dựng tác phẩm. Nhưng đó cũng chỉ là một trong nhiều hướng đi. Hiện nay, ta có cơ chế chính sách chung cho nghệ sĩ. Thiết nghĩ, tác giả viết cho tuồng cần phải có nhuận bút cao hơn. Thù lao cho nghệ sĩ tuồng phải khác diễn viên kịch nói, ca sĩ nhạc nhẹ.
Ta hãy cùng nhìn nhận nghiêm túc một vấn đề thôi : Tại sao nhiều năm nay, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không có ai đăng kí dự thi diễn viên tuồng? Cái sự ấy nói lên điều gì và chúng ta cần phải làm gì đây?
7 đơn vị tham dự Liên hoan: Nhà hát Tuồng VN, Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa, NH Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, NH Tuồng Đào Tấn, NH Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, NH nghệ thuật Hát bội TP HCM.
Cảnh trong vở Rừng thức - Nhà hát Tuồng Tư Ảnh: Cấn Văn Dũng