Như vậy là vì vụ bê bối bùng lên từ nó liên quan đến sự sống còn không chỉ của bản thân nó mà còn của cả nền điện ảnh kinh dị Pháp.
Dư luận không chỉ ở quê hương của Liên hoan phim Cannes tiếp tục sôi lên về những vấn đề cốt tử: Phim “rùng rợn”, phim “ma”, hay phim “hãi hùng”… có những đặc tính gì, vai trò của chúng trong đời sống tinh thần của xã hội ra sao, còn tồn tại một dòng phim kinh dị Pháp hay không, và phải chăng thể loại kinh dị bao giờ cũng là đàn em hay thứ yếu.
Sở dĩ các nhà chuyên môn, dưới sức ép vô hình của công chúng, phải đặt ra và giải đáp dứt khoát những câu hỏi không thể lảng tránh hay xem thường đó là do những nghịch lý lạ lùng bủa vây Những kẻ bị bạo hành từ Liên hoan phim Cannes tháng năm vừa rồi.
Trước hết, từ khi Cannes chuẩn bị, nó được một số tên tuổi lớn của Nghệ thuật thứ bảy đề cử vào diện tranh Cành cọ vàng năm nay, nhưng không được phiếu nào.
Nó bèn được đề nghị đưa vào tranh tài trong các hạng mục giải thưởng khác như giải thưởng lớn, Tuần phê bình, Máy quay vàng... Song mọi cánh cửa đều đóng sập trước nó.
Đạo diễn Pascal Laugier, nhà sản xuất Richard Grandpierre, nhà phát hành Wild Bunch không nản chí, đem nó đến chợ phim bên cạnh Liên hoan, vốn là chợ phim sầm uất nhất toàn cầu.
Chuyện thật như đùa đã xảy ra. Các phòng chiếu giới thiệu nó bao giờ cũng chật cứng người xem, đa phần là các nhà kinh doanh điện ảnh đến từ mọi chân trời góc bể. Nó nổi bật lên như món hàng cao giá nhất tại chợ phim.
Ba mươi lăm quốc gia mua nó tức thì. Con số khách mua giờ tăng hơn nhiều, không dưới năm mươi. Các liên hoan phim quốc tế như Toronto, Sitges, Locarno đang thương lượng việc đưa nó tới không gian của mình.
Xin lưu ý, Giữa các bức tường cũng được mua ngay tại chợ phim, song số lượng người mua rất khiêm tốn. Sau khi đoạt Cành cọ vàng, nó mới được chú ý đặc biệt và hiện được đón về 43 nước rồi.
Đã hẳn, đông khán giả chưa chắc phim đã hay! Thực sự hoàn tất các công đoạn hậu kỳ chưa lâu, Những kẻ bị bạo hành dự kiến đến với công chúng Pháp từ ngày 18 tháng sáu.
Song ngày 30 tháng năm, Hội đồng quốc gia Pháp xếp loại tác phẩm điện ảnh công bố lệnh cấm trẻ em dưới 18 tuổi đối với bộ phim đang được háo hức trông chờ.
Nếu lệnh cấm ấy được Bộ văn hóa thông qua, Những kẻ bị bạo hành coi như bị khai tử ngay trên tổ quốc. Từ khoảng 800 phòng chiếu, nó sẽ chỉ được xuất hiện ở vài chục phòng thôi. Lượng người xem tại rạp mất đi một nửa. Việc khai thác trên truyền hình và đĩa DVD gần như bằng không.
Bị cấm như nói trên, nó chỉ được lên sóng truyền hình từ nửa đêm về sáng, thời gian dành cho phim tình dục. Và như vậy, nó có thể bị xem như một phim “công cụ” tầm thường.
Đáng báo động là những ý tưởng mới mẻ và những thông điệp quan trọng của các nhà làm phim không đến được với đông đáo người xem, đối tượng chủ yếu mà họ nhằm tới.
Thật may mắn, họ không đơn độc. Hầu hết các nhà phát hành phim độc lập, các nhà sản xuất và các nhà phê bình điện ảnh đồng loạt lớn tiếng phản đối quyết định phi lý và bất công.
Nhiều cơ quan chuyên ngành và tổ chức xã hội, nhất là Hội đạo diễn phim và Nghiệp đoàn phê bình điện ảnh, liên tiếp lên tiếng và đăng thư ngỏ chỉ trích cái nhìn thiển cận và lỗi thời.
Hai tổ chức uy tín về Nghệ thuật thứ bảy hiện nay tại Pháp nhấn mạnh rằng nhu cầu kinh dị là một nhu cầu muôn thuở của nhân loại, vấn đề là nghệ thuật kinh dị hiện thực đến mức nào và nó khiến con người vững vàng và mạnh mẽ hơn đến đâu.
Những kẻ bị bạo hành không đáng bị đối xử bất công theo yêu cầu của Hội đồng quốc gia xếp loại tác phẩm điện ảnh, vì nó không hề có những cảnh khiêu dâm hay kích dục.
Bộ phim đi đúng bản chất của nghệ thuật kinh dị – phản ánh đầy bức bối những ràng buộc phức tạp giữa thể xác và tinh thần, tô đậm đầy thôi thúc ranh giới giữa đời sống hiện tồn và thế giới bên kia.
Các phương tiện truyền thông đại chúng rầm rộ phụ họa với các nhà chuyên môn, kiên quyết bênh vực tác giả và những người đã làm nên một hiện tượng nghệ thuật năm nay, Những kẻ bị bạo hành.
Họ cho rằng đạo diễn Pascal Laugier và tác phẩm của anh đang bị bạo hành tàn bạo, rằng phim trường Pháp đang là nạn nhân của bạo hành thể chế.
Cần nói ngay, lệnh cấm nêu trên không dễ được ấn định. Hội đồng quốc gia xếp loại tác phẩm điện ảnh phải xem phim hai lần. Xem xong, bỏ phiếu. Qua hai vòng, 12 phiếu đề nghị cấm trẻ em dưới 16 tuổi, 13 phiếu đồng ý cấm trẻ dưới tuổi 18.
Nhà phát hành vội xin lỗi khán giả và hoãn chiếu phim vô thời hạn. Cơn thịnh nộ của giới nghệ sỹ, báo chí và đông đảo khán giả như vừa đề cập buộc Bộ Văn hóa phải vào cuộc ngay. Ít nhất cũng để tránh nguy cơ một cuộc biểu tình lớn sẽ được tổ chức trước cửa Bộ Văn hóa, không xa Bảo tàng Le Louvre.
Cuối tháng sáu, Bộ trưởng Văn hóa Christine Albanel mời tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Pascal Laugier tới gặp bà. Bà muốn nghe rõ ý đồ và tự đánh giá bộ phim của anh.
Tiếp theo, ngày 4 tháng bảy mới rồi, bà mời Hội đồng quốc gia xếp loại tác phẩm điện ảnh cùng xem lại bộ phim. Rồi bà phát biểu ý kiến của mình. Cuộc bỏ phiếu sau đó xoay chuyển tình thế.
14 thành viên Hội đồng tán thành chỉ cấm trẻ em chưa đến 16 tuổi. Đề nghị cấm trẻ dưới 18 chỉ có 12 người thôi. Không phải không ghê gớm, ấy cũng là một thắng lợi của những nghệ sỹ và người yêu Nghệ thuật thứ bảy thứ thiệt.
Nhà phát hành thông báo tắp lự rằng Những kẻ bị bạo hành sẽ bắt đầu phục vụ công chúng trên toàn lãnh thổ Pháp từ 3 tháng chín tới đây. Trong tiếng thở phào chung nhẹ nhõm, người ta sôi nổi bàn bạc về bộ phim vừa thoát hiểm và về Lệnh cấm “chết người”.
Chuyện phim đương nhiên gây cảm giác mạnh, gắn bó với sự sợ hãi cố hữu đôi khi ghê rợn vốn ẩn tàng mọi lúc mọi nơi. Một bé gái bị bắt cóc và giam cầm trong một lò mổ cũ được cải dụng.
Em bị xiềng xích và bị đánh đập, nhục hình đủ kiểu suốt mười bốn tháng. Đến khi thân tàn ma dại và gần như loạn trí, em bị hất ra bên vệ đường. Em được đưa vào một bệnh viện tâm thần chữa trị. Mười lăm năm sau, em mới hồi phục hẳn.
Việc em nghĩ tới trước tiên là tìm cho được những kẻ bất nhân với mình, chí ít cũng để biết vì sao chúng hành xử như vậy. Em rủ cùng đi cô bạn thân nhất trong những năm tháng nằm viện.
Cuộc truy tìm khá gay go, em càng sắt đá thì cô bạn càng ngờ chấn thương của em chưa hề suy xuyển. Cuối cùng, một gia đình đang vui vẻ dùng bữa thì có tiếng gõ cửa. Cửa vừa mở, em xả súng hạ gục cả nhà.
Cô bạn sững sờ suýt chết ngất. Động cơ bạo hành xưa vậy là vẫn bí ẩn. Cuộc trả thù dường như không chính đáng chẳng phải là bạo hành sao ? Có thể ý giải nó thế nào ?
Cho nên, không ngẫu nhiên, một số nhà nghiên cứu khẳng định Những kẻ bị bạo hành không phải một phim kinh dị mà là một tác phẩm điện ảnh về nỗi kinh hoàn rùng rợn bất tận trong cuộc sống con người.
Nhận chân nó ra sao, ngăn chặn nó được không và bằng cách nào, đó là những chuyện các cộng đồng người không thể không đối mặt. Việc cấm trẻ vị thành niên đến với những phim phơi bày sự thật trần trụi như thế đã thỏa đáng chưa?
Trước những cơn xâm lấn quá dữ dội của phim Mỹ thiên về nhục dục và bạo lực, Chính phủ Pháp khôi phục lệnh cấm trẻ em chưa trưởng thành xem những phim “dâm ô” hay “có vấn đề”, từ tháng bảy 2001.
Chủ trương ấy là đúng. Song cấm cả những kiệt tác đích thực như Khi bào thai đi câu trộm, phim Nhật - cấm tháng mười 2007 với trẻ dưới 18 tuổi và không xét lại lệnh cấm như năm nay – thì không ổn.
Không ít ý kiến đòi chính phủ cải tiến cơ cấu và quy trình hoạt động của Hội đồng quốc gia Pháp xếp loại tác phẩm điện ảnh. Hội đồng hiện nay gồm 27 thành viên: 9 đại diện Nghệ thuật thứ bảy, 9 chuyên gia bảo vệ trẻ em, 5 đại diện chính quyền, 4 khán giả độ tuổi 18 đến 24…
Ảnh : Cảnh trong phim