Như đã biết, Booker Prize, một giải thưởng văn chương, không kém Goncourt của Pháp, dành tuyên dương một tác phẩm trong năm viết bằng tiếng Anh của một công dân thuộc Khối thịnh vượng chung và Cộng hòa Ai len.
Cuối năm nay, người ta sẽ kỷ niệm nó tròn 40 tuổi. Ban chủ trì giải tổ chức cuộc bình chọn tác phẩm đoạt Booker Prize hay nhất của mọi thời đại. Người tham gia bình chọn là độc giả khắp thế giới, bày tỏ ý kiến qua Internet. Một chi tiết phấn khởi, một nửa người bỏ phiếu chưa đến tuổi 35. Phần lớn độ tuổi từ 25 đến 34.
Sáu tác giả được vào chung kết, gồm Salman Rushdie; JM. Coetzee, Nobel văn học người Nam Phi; Peter Carey, Australia; JG. Farrell, Vương quốc Anh; Pat Parker, Vương quốc Anh; Nobel văn chương Nam Phi Nadine Gordimer.
Kết quả, Salman Rushdie giành chiến thắng với Những đứa bé sinh lúc nửa đêm được suy tôn là cuốn sách xuất sắc nhất trong 41 Booker Prize đã được trao cho tới bây giờ.
Chuyện được kể trong Những đứa bé sinh lúc nửa đêm thực chất là chuyện của gia đình nhân vật chính, Saleem Sinai, bản sao của Salman Rushdie. Saleem Sinai chào đời vào nửa đêm ngày 15 tháng tám 1947, ngày Ấn độ tuyên bố độc lập.
Saleem Sinai được ưu ái hơn cả. Tuy nhiên, các ưu thế chưa kịp phát huy tác dụng, thì Saleem Sinai đã vướng phải bao thực tế khó gỡ và trải qua vô số bi hài.
Một lần ngã xe đạp tưởng gãy cổ, cậu thình lình phát hiện mình có khả năng thần giao cách cảm, triệu tập các trẻ nửa đêm như nói trên.
Một dịp khác, Saleem Sinai bắt gặp một đôi luống tuổi ngoại tình, nạn nhân nam muốn anh giữ kín chuyện, đã tiết lộ cho anh bí mật chết người. Hóa ra, anh không phải con thật của cha mẹ anh hiện tại.
Khi anh lọt lòng, người nữ y tá tại bệnh viện mẹ anh đến đẻ đã đánh tráo anh với con hoang của chị vợ xinh đẹp của một anh hề xiếc với một ông chủ đồn điền người Anh...
Sự bất an thường trực là một thủ phạm chủ yếu đẩy dần Saleem Sinai vào nghèo khổ. Đứa con bị đánh tráo xưa giờ giàu có và thành thủ lĩnh chính trị. Y ra lệnh triệt sản trong khuôn khổ chương trình hạn chế tăng dân số của chính phủ. Saleem Sinai bị thiến. Cô hầu gái nhà anh, tưởng anh say mình, tấp tểnh đổi phận nên bà, hóa tẽn tò, khi sự thật đáng buồn vừa nêu được thú nhận.
Cứ thế, người đọc đi hết sững sờ này đến sửng sốt khác. Có điều, đấy không phải những cú giật gân rẻ tiền và nhạt nhẽo vốn đầy rẫy trong văn chương nghệ thuật bây giờ.
Chất ngộ nghĩnh và chất thơ bàng bạc qua các trang văn đượm chất dí dỏm đặc biệt của cư dân Xứ sở sương mù. Độc giả nào cũng cảm thấy vui vẻ, bâng khuâng hay xúc động.
Họ như được chia sẻ và đồng cảm. Một sự yêu thương và trân trọng con người toát lên qua những trăn trở, âu lo và oán giận không giấu được của tác giả. Những người cả nghĩ hay thích trầm tư sẽ nhận chân được điều mà ông muốn gửi gắm.
Chủ đề cốt lõi của văn Salman Rushdie là quan hệ giữa xã hội hay chính quyền và công dân. Mỗi cuộc đời riêng lẻ đều phụ thuộc vào sự lành mạnh và cường tráng của môi trường sống của nó.
Tiểu thuyết của ông vì vậy có tính luận đề, song luận đề chất lượng cao. Ông bàn đến những vấn đề hóc hiểm và nhạy cảm. Điều này thật khó được ủng hộ.
Không ngẫu nhiên, ông xúc động vô cùng khi được suy tôn ngày 10 tháng bảy vừa qua. Con trai nhỏ tuổi nhất Milan Rushdie cùng anh cậu đến nhận giải thay cha đang bận chu du khắp Hoa kỳ để giới thiệu tiểu thuyết mới của ông, Bà phù thủy ở Florence.
Trước đó, ông đã gửi điện cảm ơn ban xét Booker Prize và công chúng đã hiểu và ghi nhận tấm lòng của ông trước thời cuộc nhiều biến động.
Với ông và nhiều đồng nghiệp, vinh quang mà ông vừa được ban tặng bao trùm cả cuộc đời và sự nghiệp. Nó gợi nhớ ít ra cũng sự dấn thân dũng cảm và kiên trì.
Ông ra đời ở Bombay, mấy tháng sau ngày Ấn Độ độc lập, trong một gia đình trí thức gốc Cachemir theo Hồi giáo. Năm 14 tuổi, ông sang Anh học tập.
Từ 1964, ông theo cha mẹ về sống ở Pakistan. Thử sức qua một vài nghề không xuất sắc, ông trở lại London và đeo đuổi nghề văn. Cuốn sách đầu tiên thất bại nặng nề.
Cuốn thứ hai, Những đứa bé sinh lúc nửa đêm, phút chốc đưa ông lên đỉnh cao danh vọng. Ông đề xuất việc xét lại các thể chế mà quan hệ sóng gió làm nảy sinh bao tội ác rợn người...