Là tác giả của khoảng 50 bộ phim, Youssef Chahine được xem là cây đại thụ của nền điện ảnh Ả rập nói riêng và của cả thế giới nói chung. Những tác phẩm của ông luôn đề cao tự do và lòng bao dung.
Năm 1997, Liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes, lần thứ 50 đã trao tặng giải thưởng đặc biệt để vinh danh sự nghiệp của đạo diễn Youssef Chahine. Trước đó ông từng được trao tặng giải thưởng Gấu bạc tại liên hoan điện ảnh Berlin.
Sinh năm 1926 tại thành phố Alexandrie, Bắc Ai Cập, Youssef Chahine sớm chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa Âu Mỹ.
Năm 21 tuổi ông sang California, Hoa Kỳ để theo học ngành điện ảnh, sau khi tốt nghiệp ông trở về Ai Cập và bắt đầu khai phá một hướng đi mới : vào những thập niên 50/60 thế kỷ trước, nghệ thuật điện ảnh của Youssef Chahine xoáy vào những đề tài ít được đưa lên màn ảnh lớn, như cuộc đấu tranh giành độc lập, sự nghèo khó, khốn khổ của con người, những tranh đấu trong tầng lớp công nhân Ai Cập …
Vào quãng 1990 khi các phong trào hồi giáo cực đoan đang nổi lên, Youssef Chahine đã cực lực lên án tư tưởng hẹp hòi của các thành phần cựu đoan. Trong hai bộ phim « l’Emigré » (1994), Kẻ di cư và « Le Destin » (1997)Định Mệnh, ông đề cao một đất nước Ai Cập khoan dung, nơi mà người công giáo, do thái giáo và hồi giáo cùng chung sống hài hòa … Đương nhiên hai tác phẩm này đã bị các giới chức lãnh đạo tôn giáo Cairo kiểm duyệt chặt chẽ, và không được phổ biến đến công chúng Ai Cập.
Riêng đối với nền điện ảnh Pháp : ông đã tham dự liên hoan Cannes lần đầu tiên năm 26 tuổi. Sau đó ông được mời tham gia ban giám khảo năm 1983 và năm 1997, Liên hoan quốc tế Cannes lần thứ 50 vinh danh toàn bộ những đóng góp của ông cho nền nghệ thuật thứ 7.
Gần 30 năm qua ông liên tục cộng tác với một số nghệ sĩ Pháp như cố ca sĩ Dalida trong bộ phim « Le Sixième jour" (1986) Ngày thứ Sáu, hay « Adieu Bonaparte" (1985), Vĩnh biệt Bonaparte với tài tử lão thành Michel Piccoli và đaọ diễn Patrice Chereau.
Youssef Chahine (Ảnh : Reuters)