Đến chiều 7-11, người ta vẫn còn đoán già đoán non không biết năm nay phim nào đoạt giải vàng. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, tác giả của cả Vua bãi rác và Ký ức Điện Biên tự tin “phim mình chắc sẽ có giải”. Nhiều người cũng tin là vậy, vì đây là những phim được đánh giá khá cao về mặt nghệ thuật (Vua bãi rác) và được tài trợ kinh phí lớn (Ký ức Điện Biên). Bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, từng được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều đặc biệt cũng là một sự lựa chọn làm đau đầu ban giám khảo. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng hy vọng Lưới trời của mình sẽ vớt được cái gì đó, có thể là một Bông sen bạc... Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm hơn hết là sau liên hoan này diện mạo của điện ảnh Việt Nam có gì mới?
Khán giả chỉ biết đến phim truyền hình
Qua 4 buổi giao lưu giữa các nghệ sĩ và công chúng, những câu hỏi của khán giả vẫn rất chung chung về cuộc sống nghệ sĩ, hoặc về những vai diễn mà họ đã được xem trên truyền hình chứ không phải về những phim mà các nghệ sĩ tham gia đang dự liên hoan. Không ai biết để hỏi về vai diễn của Lan Hương trong phim Cái tát sau cánh gà mà chỉ hỏi cô về phim Em bé Hà Nội của mấy chục năm về trước. Rất ít người biết Võ Hoài Nam đóng phim Vua bãi rác mà chỉ nhớ anh có mặt trong phim truyền hình Cảnh sát hình sự. Người được khán giả hâm hộ lại nhất là Quang Thắng vì anh thường xuyên xuất hiện trong chương trình Ở nhà chủ nhật trên VTV3... Rõ ràng, những bộ phim truyện Việt Nam sản xuất trong 3 năm qua không có sức sống trong lòng khán giả. Những tên phim, những nhân vật trong phim cứ lặng lẽ đến rồi đi không để lại dấu ấn gì trong trí nhớ của công chúng. Khi không sống được trong lòng công chúng thì dù đoạt giải vàng, giải bạc, liệu có ích gì.
Hãy mang đến khán giả những gì họ cần
Làm thế nào để phim Việt Nam có khán giả là chủ đề gây nhiều tranh cãi tại hội thảo, nhưng cuối cùng cũng chưa có ai đưa ra được giải pháp nào. Đại diện cho dòng phim ăn khách, đạo diễn Lê Hoàng, đã bật khóc và rời khỏi diễn đàn vì mặc cảm “đơn độc”. Còn đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người được Nhà nước trao tiền tài trợ lên đến con số kỷ lục gần 1 triệu USD để làm phim Ký ức Điện Biên thì lại cho rằng “nhiều lúc tôi thấy đau đớn vì anh Lê Hoàng trực tiếp hay gián tiếp làm chúng tôi khổ khi người ta coi Gái nhảy là chuẩn mực, phủ nhận những gì chúng tôi đã làm”...
Là người nắm rõ nhu cầu khán giả, ông Hoàng Minh Thanh, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hải Phòng, thẳng thắn cho rằng cần phải tránh lãng phí kinh phí, nên khuyến khích làm những loại phim có sức hấp dẫn khán giả. Ông Trần Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, cũng đưa ra một “khẩu hiệu” đã cũ nhưng luôn luôn mang tính thời sự: Hãy cung cấp những gì khán giả cần, chứ không phải những gì chúng ta có. Bởi, khán giả rất cần được giải trí, nhưng họ cũng muốn được xem những bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao.