Nhân dịp được Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa chiều 9-11, TS Schicklgruber dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện ngắn:
* Được biết, ông đã mượn hiện vật từ 13 bảo tàng của Việt Nam và 8 bảo tàng châu Âu cho một cuộc trưng bày về Việt Nam tại Áo. Điều này quả thật không là dễ dàng, thưa ông?
-Vâng, đúng là không dễ dàng chút nào. Nhưng tôi đã thành công. Trước đó 10 năm, tôi đã đến Việt Nam và đưa ra những ý tưởng ban đầu về cuộc trưng bày này nhưng không thể thực hiện được, vì khi đó nước Việt Nam chưa có luật cho phép đưa cổ vật đi trưng bày ở nước ngoài.
Từ 1993 đến 2000, tôi đã làm việc với các đối tác Việt Nam, đã lặn lội đến nhiều viện bảo tàng, nhiều đình, chùa, đền cổ ở Hà Nội và các địa phương để “săn” tìm và phát hiện những tác phẩm mỹ thuật cùng các hiện vật dân tộc học tiêu biểu chưa được quần chúng phương Tây biết tới.
Tháng 5-2000 tôi đã lập bản đề cương cuộc triển lãm và tìm gặp các đồng nghiệp Việt Nam xin góp ý. Sau đó tôi lại đi thăm các bảo tàng Việt Nam để tuyển chọn, thuyết phục các bảo tàng cho mượn tác phẩm và hiện vật. Tháng 6-2003 những cổ vật đầu tiên của Việt Nam lên đường.
Có tất cả 416 tác phẩm thuộc các thời kỳ tiền sử và lịch sử, các nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam: đồ đồng, gốm, sứ, tranh tượng, y phục, nhạc khí... Ngoài ra tôi còn đến 8 bảo tàng lớn ở châu Âu (Luân Đôn, Paris, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ) và nhiều nhà sưu tập tư nhân ở châu Âu mượn được 368 hiện vật. Cuối cùng “Ấn tượng Việt Nam: Thần linh, Anh hùng và Tổ tiên” đã được trưng bày tại thành phố cổ Leoben, từ 3-4 đến 1-11-2004, với tổng cộng 802 tác phẩm và hiện vật -một cuộc triển lãm toàn cảnh và tương đối đầy đủ về văn hóa văn minh Việt Nam.
* Đây là lần đầu tiên Việt Nam cho mượn hiện vật trưng bày với số lượng lớn, trong đó có nhiều cổ vật được xếp hạng quốc bảo? Phía Bảo tàng ông lấy gì bảo đảm cho sự an toàn của những cổ vật này?
- Chúng tôi đã thuyết phục phía Việt Nam cho mượn hiện vật với tổng giá trị bảo hiểm gần 6 triệu USD. Trong quá trình vận chuyển hiện vật và trưng bày chúng tôi có mời các chuyên gia của Việt Nam đi theo để kiểm tra hiện vật, xem xét các hiện vật đó được trưng bày có đúng không để bảo đảm tính khoa học.
Tôi nghĩ giới bảo tàng Việt Nam cần hội nhập thế giới bằng những cuộc trao đổi mượn hiện vật cho các cuộc trưng bày. Đây là hoạt động bình thường theo thông lệ quốc tế. Hiện nay bảo tàng chúng tôi có hơn 100 hiện vật, cổ vật về lịch sử và văn hoá Việt Nam, nếu Việt Nam tổ chức một cuộc trưng bày về cổ vật Việt Nam đang trôi nổi trên thị trường thế giới, bảo tàng chúng tôi sẵn sàng cho mượn. Tôi cũng là người biết rất nhiều cổ vật của Việt Nam ở các Bảo tàng trên thế giới, nếu cần tôi sẽ là người tư vấn cho các bạn về các hiện vật này.
* Như vậy, cuộc trưng bày này mở ra một con đường mới để giao lưu văn hóa?
- Tất cả hiện vật đều được trưng bày trong một diện tích rộng 1.500 m2 của Bảo tàng Kunsthanlle Leoben. 13 gian trưng bày chính tại đây đã đưa khách tham quan qua 4000 năm từ thời vua Hùng đến cuộc sống ở các thành phố hôm nay.
Chúng tôi đã dùng phương pháp trưng bày theo niên đại, điểm xuyết bằng nhiều chủ đề cụ thể cùng âm thanh, hình ảnh phụ trợ, bức tranh toàn cảnh của Việt Nam qua 4000 năm lịch sử được tái hiện một cách sinh động và hấp dẫn.
Khách thăm trưng bày được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều loại hình hiện vật khác nhau. Từ những cổ vật đồ đồng của nền văn hóa Đông Sơn, các tác phẩm điêu khắc trong di tích Chămpa, các bức tượng Phật bằng gỗ cho đến các hiện vật đương đại như hiện vật vải, tranh dân gian, đồ gia dụng của nhiều dân tộc; từ bộ y phục người Mông đến bàn thờ người Việt, không gian bếp người Mường, pho tượng mồ Gia Rai...
Bên cạnh đó, còn có những hình ảnh và hiện vật trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như: tầm vông, giáo mác, chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt, có khẩu súng ngắn và chiếc điện thoại Bác Hồ đã sử dụng trong những năm tháng lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp...
Phải nói rằng, cuộc triển lãm tại đã quy tụ hàng chục vạn người xem. Người Áo đã thực sự quan tâm đến văn hóa Việt Nam và cuộc gặp gỡ "Thần linh, Anh hùng, Tổ tiên" của Việt Nam trên đất Áo. Nhiều lần tôi đã đóng vai du khách vào thăm triển lãm và nói chuyện cùng du khách. Thật bất ngờ, ngay cả khách quốc tế cũng vô cùng thích thú khi ngắm nhìn những hiện vật độc đáo của Việt Nam.
Bên cạnh trưng bày, chúng tôi còn tổ chức và biên soạn cuốn Catalogue đồ sộ của cuộc triển lãm bằng bốn thứ tiếng (Pháp, Hà Lan, Đức, Anh) trình bày rất mỹ thuật, in ấn công phu, chân xác giúp người xem cảm nhận một cách sâu sắc những nét đặc thù của bản sắc văn hoá Việt Nam và đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến.
* Trong tương lai bảo tàng của ông có dự định triển lãm gì về Việt Nam nữa không?
Từ tháng 12 tới bảo tàng của chúng tôi sẽ đóng cửa để tu sửa và bảo dưỡng hiện vật. Năm 2007 bảo tàng chúng tôi sẽ mở cửa trở lại. Khi đó chúng tôi sẽ trưng bày những con rối nước của Việt Nam (vì chỉ Việt Nam có ) và trống đồng Đông Sơn thế kỷ 19 với mong muốn vinh danh nền văn minh Đông Sơn và sự tỏa sáng của nó trên toàn vùng Đông Nam Á cổ đại và cận hiện đại.
Hiện nay chúng tôi đang tiến hàng dịch cuốn Catalogue về triển lãm ra tiếng Việt và sẽ xuất bản ở Việt Nam trong thời gian tới. Nội dung khoa học và thẫm mỹ của cuốn Catalogue phong phú này có được là nhờ sự đóng góp của 13 nhà văn hóa, nhà nghiên cứu Bỉ, Áo, Anh, Pháp, Việt có uy tín. Những chủ đề lớn đã lần lượt được đề cập tới trong cuốn sách đó là: lịch sử Việt Nam từ cội nguồn đến ngày nay; thương mại và trao đổi trong lịch sử Việt Nam; dẫn nhập vào lịch sử văn hóa Việt Nam; âm nhạc và kịch ở Việt Nam; các tôn giáo, tín ngưỡng và sự thờ cúng ở Việt Nam; Việt Nam một đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa; làng Việt Nam giữa truyền thống và hiện đại...
* Vâng, xin cảm ơn ông.