Thoạt tiên rất nóng sốt. Rồi lắng xuống, râm ran. Rồi nhạt dần, bặt tiếng, chờ... “đến hẹn lại lên”.
Dĩ nhiên là người ta nói về kết quả giải thưởng, và đằng sau nó, là cách thức chấm giải, là năng lực thẩm định và tinh thần công tâm của những người có trách nhiệm cầm cân nảy mực. Thôi thì đủ chuyện.
Cứ mỗi lần “bảng vàng văn chương” được “bố cáo” trên đài trên báo, là một lần các diễn ngôn bình luận lập tức ào ào như thác chảy. Cả các thông tin nữa: có cái “chính thống, trong luồng”, có cái rò rỉ từ tô giới “thâm cung bí sử”, mờ ảo lãng đãng cứ như... sương mù!
Trước một cái panorama (bức tranh toàn cảnh) như vậy, người rộng rãi khoáng đạt thì bảo: chuyện bình thường, dư luận càng “săm soi” càng chứng tỏ giải của Hội rất được văn giới quan tâm. Kẻ quen tính vạch vòi thị - phi, hắc - bạch thì, hoặc đùng đùng nổi giận, hoặc chán nản lắc đầu (như thể đã đến thời kỳ “mạt pháp” của văn chương vậy).
Ai đó, vốn ở ngoài cuộc thi văn chữ nghĩa, có sinh thói tò mò muốn ghé vào xem cho biết, ắt hẳn sẽ phải hoa mắt chóng mặt mà rằng: Chỉ một cái giải mà sao... khiếp thế!
Chợt nhớ tới giải thưởng văn chương của Tự lực văn đoàn (TLVĐ) khoảng 70 năm về trước, thấy thật khác. TLVĐ chỉ trao giải có ba lần, vào các năm 1935, 1937, 1939 (năm 1938, TLVĐ tuyên bố: “Sau khi xem xét kỹ càng tất cả các tác phẩm dự thi, Ban giám khảo của giải thưởng văn chương TLVĐ 1938 đã nhất định không tặng giải thưởng”.
Khoan hẵng bàn tới chuyện quyết định ấy là chính xác hay không nếu đặt trên thực tế sáng tác của năm 1938, nội một việc để “trắng” giải có lẽ cũng đã cho thấy phần nào bản lĩnh độc lập, dám “chịu trận” của những những người chấm giải.
Năm 1935 không có tác phẩm nào trúng giải chính thức, nhưng có tới bốn giải khuyến khích cho bốn tác phẩm văn xuôi: “Ba” của Đỗ Đức Thu, “Diễm Dương trang” của Phan Văn Dật, “Bóng mây chiều” của Hàn Thế Du, cuốn thứ tư thì tất cả các tư liệu có liên quan đều chưa xác định được.
Năm 1937, TLVĐ trao giải cho tác phẩm kịch “Kim tiền” của Vi Huyền Đắc và tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng; giải khuyến khích thuộc về tiểu thuyết “Nỗi lòng” của Nguyễn Khắc Mẫn và tập thơ “Tâm hồn tôi” của Nguyễn Bính.
Năm 1939, giải thưởng TLVĐ được ghi danh bằng hai tiểu thuyết: “Làm lẽ” của Mạnh Phú Tư và “Cái nhà gạch” của Kim Hà; nhưng chắc hẳn hai giải khuyến khích của năm này mới thật đáng quan tâm hơn: tập thơ “Bức tranh quê” của Anh Thơ và tập thơ “Nghẹn ngào” của Tế Hanh.
Hầu như không thấy có điều tiếng phàn nàn nào ở cả ba lần trao giải ấy, có chăng là ở chiều ngược lại: Giải thưởng của TLVĐ được chờ đợi, được theo dõi, kết quả của nó mang giá trị như một biến cố văn chương thời bấy giờ, các tác phẩm được trao giải chính thức hay được giải khuyến khích thì cũng đều được độc giả Bắc, Trung, Nam đón nhận nồng nhiệt.
Tất nhiên, xét một cách công bằng, không phải tác giả- tác phẩm nào được gắn giải của TLVĐ cũng tồn tại lâu bền với thời gian: có những cái tên đã bị mai một, chúng chỉ sống trong bộ nhớ của một ít người làm văn học sử mà thôi.
Nhưng bù lại, có những cái tên đã đi vào giáo khoa thư văn chương: Vi Huyền Đắc, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Anh Thơ. Và, xin nhớ cho: các tác phẩm “Bỉ vỏ”, “Bức tranh quê”, “Nghẹn ngào” khi ấy đều là những tác phẩm đầu tay cả.
Nghĩa là tác giả của chúng khi ấy mới chỉ là những “con người bé nhỏ” trong làng văn. Không hồ nghi gì nữa, để họ trở thành những tên tuổi thực sự như chúng ta biết về sau này, một phần đáng kể là từ/bởi sự phát hiện, ghi nhận, vinh danh của giải thưởng TLVĐ. Như thế, phải chăng lại không đáng để coi là yếu tố tạo nên điểm son đối với một giải thưởng văn chương?
Vì sao giải thưởng của TLVĐ lại có sức thuyết phục và có giá trị cao đến như vậy?
Thứ nhất, những người chấm giải TLVĐ đều là những “ngôi sao” trên vòm trời văn chương Việt Nam lúc bấy giờ: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, kì giải chót mới thêm Xuân Diệu. Hy vọng văn chương của họ là một bảo đảm có giá, bạn đọc đặt niềm tin vào con mắt xanh của họ.
Và trên thực tế, như ta có thể kiểm chứng qua các tư liệu của/về TLVĐ, những người chấm giải đã làm việc rất có trách nhiệm: Với mỗi tác phẩm được trao giải chính thức hoặc giải khuyến khích, Ban giám khảo đều có “tường trình” rõ ràng rành mạch rằng tại sao nó được nhận giải (nhưng không vì thế mà họ bỏ qua việc “phê” rất riết róng trước những thể hiện nghệ thuật còn non yếu - tập “Bức tranh quê” của Anh Thơ là một ví dụ: Nhất Linh chỉ khen vài câu, nhưng chê thì... xa xả).
Thậm chí, với những tác phẩm không vào giải nhưng được Ban giám khảo chú ý thì cũng “khen tặng trên giấy và giấy đó gửi riêng cho tác giả”.
Thứ hai - và điều này có khi còn quan trọng hơn - những người chấm giải cũng chính là những người chủ xướng và là những người “tiếp nhiên liệu” để giải có thể vận hành.
Có thể nói ngắn gọn thế này: đây là giải “của họ”, họ chấm giải theo những nguyên tắc “của họ” và theo khẩu vị “của họ”, họ trao thưởng bằng chính túi tiền “của họ”.
Chính những cái “của họ” này đã khiến cho giải thưởng của TLVĐ đi theo một lối khác, trình ra những kết quả và những tác động xã hội khác với các giải thưởng văn chương “kim thời”:
1. Nó không thuộc loại giải thưởng “quốc doanh” như giải của Hội Nhà văn Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc những người chấm và trao giải không phải băn khoăn trước những trách nhiệm quá nặng nề, ví như giải thưởng của họ phải phản ánh đúng diện mạo và xu hướng của văn chương nước nhà trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn (mà thật ra cũng không ai có quyền mang cái trách nhiệm nặng nề nọ áp lên công việc của họ).
Mặt khác, họ cũng chẳng cần mất công “sáng tạo” giải thưởng sao cho nó làm vừa lòng đông đảo hội viên ba bề bốn bên (theo phương châm... “kín kẽ”, như người ta thường nói).
Cái lí ngầm ở đây là - nếu quả có một cái lí như vậy - “người trả tiền là người có quyền chọn nhạc”: các anh có thể không thích thú với nguyên tắc trao giải của chúng tôi, nhưng giải là giải của chúng tôi, và chúng tôi chỉ trao nó cho những tác phẩm nào chúng tôi thấy xứng đáng! Có thể nói, TLVĐ đã luôn độc lập và nhất quán như vậy trong cách chấm và trao giải của mình.
(Nhân tiện cũng xin nói thêm: đã có vị giáo sư khả kính nọ “khen oan” cho TLVĐ khi bảo rằng họ vốn sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn nhưng lại không định kiến mà trao giải cho cả những tác phẩm theo khuynh hướng hiện thực, như “Kim tiền”, “Bỉ vỏ”, “Cái nhà gạch”. Thực ra, trên một phương diện nhất định, những tác phẩm vừa kể - nhất là “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng - là thuộc cùng một “kênh văn chương” với TLVĐ: đó là thứ văn chương thấm đẫm chất duy cảm).
2. Giải thưởng của TLVĐ là giải văn chương “tư doanh”, nhưng nó vẫn khác với vài ba giải văn chương “tư doanh” mới xuất hiện gần đây. Xin nhắc lại, những người chấm giải TLVĐ cũng chính là những người chủ xướng.
Nghĩa là, họ tự đứng ra thẩm định các tác phẩm, không phải nhờ đến một Ban giám khảo bên ngoài nào đó. Điều này ngay lập tức loại trừ khả năng có độ vênh giữa ý chí của người tổ chức và ý chí của người chấm giải.
Và mặt khác, nguồn kinh phí để TLVĐ trao thưởng là nguồn kinh phí... tự lực, như chính cái tên của văn đoàn. Họ hoàn toàn chủ động trong kế hoạch của mình, không để mình bị phụ thuộc vào sự khép mở đỏng đảnh của cái hầu bao (và đôi khi, cả những sở thích bất chợt) của những nhà tài trợ.
Không phải ngẫu nhiên mà TLVĐ làm được thế. Họ có trong tay báo chí (Phong hóa, Ngày nay) và nhà xuất bản (Đời nay). Ngoài vai trò là những cơ sở kinh doanh sinh lãi, báo chí và nhà xuất bản của TLVĐ còn là những lợi khí đắc lực giúp họ trong việc tổ chức và khuếch tán ảnh hưởng của giải thưởng: họ thông tin về giải thưởng trên báo của mình (những tờ báo có lượng phát hành cao), họ in các tác phẩm đoạt giải từ chính nhà xuất bản của mình (một nhà xuất bản có uy tín).
Đến đây có lẽ cũng cần phải nói rõ hơn: giải thưởng của TLVĐ vốn chỉ xét đến những tác phẩm là bản thảo (chưa từng được xuất bản, và không phải là bản thảo của những người chấm giải, đương nhiên) gửi đến nhà xuất bản Đời nay mà thôi, và nếu nhìn từ góc này thì việc tổ chức giải thưởng cũng chính là một cách để TLVĐ hút nguồn bản thảo “nuôi” nhà xuất bản.
Cái chu trình khép kín ấy, trong bối cảnh văn hóa - xã hội như hiện nay, có lẽ giống như một cái đích mà các giải thưởng văn chương “tư doanh” hậu bối còn lâu mới vươn được tới!
Giải thưởng văn chương của TLVĐ đã là câu chuyện quá khứ, một quá khứ xa tới 70 năm có lẻ. Mỗi thời đại có cách thức riêng của nó - như thiên hạ vẫn thường nói.
Vậy nên, đem chuyện quá khứ để nói chuyện hiện tại e rằng vừa không tránh khỏi một sự so sánh khập khiễng, vừa “mang tiếng” là nặng thói “hậu cổ bạc kim”. Có lẽ, tốt hơn cả vẫn là phải biết chờ đợi và đặt niềm tin vào những mùa giải thưởng nở hoa sắp đến…
Ảnh : Nhà văn Khái Hưng - một trong những thủ lĩnh của Tự lực văn đoàn