Đây sẽ là hội thảo khoa học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về vương triều Nguyễn với sự tham gia của 88 tham luận khoa học của các nhà nghiên cứu VN và các nước: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan…
GS Phan Huy Lê cũng cho biết trên cơ sở các nghiên cứu khoa học được trình bày tại hội thảo, Hội Khoa học lịch sử VN sẽ đề nghị Nhà nước sớm bổ sung, sửa đổi, biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử giai đoạn này để thế hệ mai sau có cái nhìn khách quan, khoa học và công bằng hơn về những vấn đề của lịch sử dân tộc.
Cách đây 450 năm, năm 1558 Nguyễn Hoàng đã rời vùng đất Thanh Hóa quê hương để vào trấn thủ xứ Thuận Hóa và tiếp theo đó là xứ Quảng Nam, đặt tiền đề cho công cuộc mở mang bờ cõi của cha ông ta vào Đàng Trong. Trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội, sự nhìn nhận đánh giá về các chúa
Nguyễn và vương triều Nguyễn đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc còn nhiều bất cập. Trong những năm 1960-1980, giới khoa học xã hội phê phán rất gay gắt các chúa Nguyễn trên nhiều bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa… Đến thời kỳ đổi mới cuối những năm 1980, đầu 1990, công cuộc đổi mới về kinh tế đã lan sang các lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn và việc phải nhìn nhận, đánh giá lại vai trò của vương triều phức tạp này trở nên tất yếu. Hơn 100 công trình nghiên cứu đã được công bố, 18 cuộc hội thảo đã được tổ chức từ năm 1990-2007.