Nguyên Hồng sinh ngày 5-11-1918, đến nay vừa tròn 90 mùa thu. Nguyên Hồng là một nhà văn xuất sắc của dòng văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945. Ông là nhà văn của thợ thuyền lao khổ, ông đã thể hiện phẩm chất tốt đẹp, sức sống, khát vọng của người lao động nước ta trong cuộc đời cũ, và sau Cách mạng Tháng 8 Nguyên Hồng lại đi tiếp cuộc đời mới với nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài công nhân. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
Ngòi bút của Nguyên Hồng bênh vực người nghèo, những thân phận bất hạnh, cô đơn, những con người yếu thế nhưng bao giờ cũng cố vươn lên đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm của mình. Như tự sự của nhà văn: “Năm ấy tôi 16 tuổi, hết hạn tù, được tha. Mẹ tôi lên tận nhà giam đón tôi. Chúng tôi không về Nam Định – quê hương – mà dắt nhau ra Hải Phòng… Ra Hải Phòng, chúng tôi càng khổ sở, trông vào vài hào làm vốn buôn trầu cau, mẹ con tôi được bữa sớm mất bữa tối. Lắm phen, luôn mấy hôm chỉ được bữa cháo lót lòng”.
Và thật cảm động, khi hoàn thành cuốn Bỉ vỏ, ông đã viết: “Thưa mẹ, người mẹ hiền từ của con, con xin dâng Bỉ vỏ cho mẹ với tất cả tấm lòng kính mến trong sạch của con và xin tặng nó cho bạn đọc với tất cả tình đằm thắm tươi sáng của tôi”. Năm 1978, trong bài tựa cho Tuyển tập Nguyên Hồng xuất bản ở Nga, Nguyễn Tuân viết: “Nguyên Hồng diễn tả người thành phố rất tài, nhất là các tầng lớp dân nghèo, nhưng lại là người không thích chen vào chốn phức tạp của phố phường. Ba chục năm nay, anh vẫn đóng ở quả đồi vùng Đề Thám Bắc Giang, vừa viết vừa làm vườn, đánh gộc rừng, bổ củi, quảy nước từ suối lên, quần quật cả ngày như người nông dân”.
Lần nọ, nhà văn Pháp Pierre Abraham, chủ biên tờ tạp chí văn học Châu Âu sang Hà Nội, nghỉ tại khách sạn Métropole (khách sạn Thống Nhất). Nguyên Hồng đã tới phòng riêng để gặp Pierre Abraham và trong cuộc nói chuyện đã đề cập đến nhà văn Romain Rolland. Nhà văn Pháp khi về nước đã nói rằng ông rất quý, rất thích Nguyên Hồng, nhà văn đã đưa vào khách sạn “tất cả phù sa quý giá của đồng ruộng ven sông Hồng”.
Trong những ngày Mỹ leo thang chiến tranh Hải Phòng lúc nào cũng có tàu bè nhiều nước đến viện trợ cho ta. Nguyễn Tuân rủ tôi xuống Hải Phòng xem không khí “bốn phương vô sản” đến với ta để viết bài cho một tờ báo Mátxcơva. Tôi đưa bác Nguyễn đến Hội Văn nghệ Hải Phòng gặp “thổ địa” Nguyên Hồng. Nguyên Hồng bỏ hết công việc đưa chúng tôi xuống tàu Nga vừa từ Vladivostok đến.
Bộ ba tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế viết về cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám vừa in xong tập 1 (1981), thì cái chết đến với Nguyên Hồng rất đột ngột năm 1982 – ông bị tai biến mạch máu não, không kịp trăn trối. Bản thảo tập 2 mãi đến 1993 mới ra mắt độc giả.
Bến Nghé tháng 10-2008