Đây là hai gương mặt thơ nhiều cách tân nổi lên vài năm gần đây. Họ đều có thơ đăng thường xuyên trên Văn nghệ (già và trẻ), trên các báo dành cho tuổi trẻ như Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ và các mạng văn chương như vanchuongviet.org, damau.org, tienve.org.
Họ đều ở tuổi vững vàng, chững chạc. Tài sinh năm 1966 tại Đăk Lăk, hiện sống và làm việc tại tp. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Tuấn sinh năm 1967, tại Hà Nội, hiện làm báo Tiền phong tại Đà Nẵng. Cả hai đều có thơ tập đã in.
Trần Tuấn như mới trở lại với thơ cách nay vài năm. Đến cả chục năm chỉ thấy anh viết báo, nhưng hóa ra thơ vẫn âm ỉ hành anh. Lần này anh trở lại trong Ma thuật ngón, với những hình ảnh/ liên tưởng đầy ám ảnh.
Một Trần Tuấn mới với ngôn từ, nhịp điệu lạ nhưng nhuần nhuyễn, đầy ý thức chuyển động cách tân đã chín. Trong tập Ma thuật hóa, Tuấn thử nghiệm làm mới thị giác trên văn bản ở những chữ in đậm, in rời, đóng khung các con chữ...
Ma thuật ngón là một tập hợp các bài thơ tạo thành một kết cấu hoàn chỉnh. Khởi đầu với Phóng sinh từng phần thân thể - một thực tại hỗn độn các đồ vật và từng phần cơ thể bị tách rời. Một thế giới tan rã, vô hướng.
Qua từng bài thơ, với mô-típ Phóng sinh từng phần thân thể được lặp lại, những quá trình giải thoát, tạo lập lại thế giới được hình thành. Đến “Đỉnh rỗng” thì cũng là lúc thân thể (con người) đạt được sự tự do tự nhiên như nhiên.
Lê Vĩnh Tài thì đã đi một hành trình từ “làm thơ” đến “quên thơ” trong mấy năm qua. Thơ anh tiến đến chỗ giản dị hóa, thậm chí “thời cuộc hóa”, “khoảnh khắc hóa”.
Với Đêm và những khúc rời của Vũ, Lê Vĩnh Tài đã khước từ những màu mè câu chữ và những ẩn dụ mơ hồ. Anh đi thẳng từ hiện thực và từ cảm giác của mình đến thơ. Thâm hậu trong một dáng vẻ giản đơn.
Đêm và những khúc rời của Vũ là tình yêu, có thể nói thế với một tình bạn đã chia cắt âm dương. Bắt đầu với những câu thơ: “Ngày tụi mình ngồi với nhau, Vũ ơi…” và kết thúc bằng một cấu trúc rơi từ rất đẹp, thi vị, trắc ẩn: “...Vũ..”. Những câu thơ gợi suy tư. Về cuộc đời, về sự sống và cái chết. Trong một âm hưởng trường ca.
Giải thưởng thơ Bách Việt ra đời từ tháng 4/2008 với mong muốn làm một “bà đỡ” cho các sáng tác mới, đến nay theo Ban tổ chức, đã nhận được 285 tập thơ dự thi của các tác giả gửi về.
Hai tập thơ trên được tuyển chọn tài trợ in ấn sau tập thơ đầu tiên: “Những ngọn triều nhục cảm” - tác giả: Đỗ Doãn Phương.