Đây là nơi ông đã làm việc trong nhiều chục năm, từ giảng dạy Việt ngữ, văn chương Việt Nam cho đến dịch thuật và làm chủ biên các tạp chí văn chương Việt trong gần một thập niên, gồm The Vietnam Forum và Lạc Việt.
Tôi biết đến tên ông khi được đọc The Tale of Kieu trong những ngày mới vào đại học ở Hoa Kỳ giữa thập niên 1970. Đây là tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Việt Nam được ông chuyển qua Anh ngữ, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1973.
Bản dịch này sau ông hiệu đính lại và được Đại Học Yale tái xuất bản dưới dạng song ngữ Anh - Việt vào năm 1987.
Sưu tầm sáng tác
Từ đầu thập niên 1980, Giáo sư Thông đã có nhiều nỗ lực trong việc sưu tầm sáng tác của người Việt tị nạn.
Năm 1982, Văn Khố Việt Nam được thành lập tại Đại Học Yale, do ông khởi động và kêu gọi những người quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt tại hải ngoại đóng góp.
Trong một chuyến đến thăm văn khố, tôi biết ông cũng quan tâm đến những sáng tác của sinh viên qua dạng báo chí hay đặc san.
Nếu Đại Học Cornell có được một kho tàng báo sinh viên, học sinh ấn hành tại miền Nam trước năm 1975 thì Văn Khố Việt Nam tại Đại Học Yale là nơi lưu trữ nhiều ấn phẩm của sinh viên Việt xuất bản tại Hoa Kỳ trong những năm đầu định cư kể từ tháng 4.1975.
Giáo sư Thông đã có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt tại hải ngoại qua việc dịch nhiều thơ, truyện sang Anh ngữ.
Thành tựu dịch thuật
Tạp chí nghiên cứu văn hoá, lịch sử Việt Nam là The Vietnam Forum, do Đại Học Yale xuất bản, ra được 16 số, với 13 số đầu tiên từ 1983 đến 1990 do Giáo sư Thông làm chủ biên.
Qua đó ông đã giới thiệu đến độc giả nói tiếng Anh nhiều nét đa dạng của văn hoá Việt Nam như 9 bài thơ tình của Xuân Diệu, Chuyện Hai Con Vịt của Nguyễn Ngọc Ngạn (Vietnam Forum No. 5), Hai Chữ Nước Nhà của Á Nam hay chuyện học tập cải tạo trong tiểu thuyết Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh (Vietnam Forum No.6).
Trong số những tác phẩm ấn hành trong 17 tuyển tập Lạc Việt có Flowers from Hell (Hoa Điạ Ngục) của Nguyễn Chí Thiện là thơ trong tù miền Bắc Việt Nam, Fallen Leaves là hồi kí của một phụ nữ Việt, Nguyễn Thị Thu-Lâm, đã lớn lên và chứng kiến những biến chuyển của Việt Nam trong giai đoạn từ thập niên 1940 đến cuộc di tản tháng 4.1975 đưa nhiều người Việt đến Hoa Kỳ.
Về truyện cổ ông đã dịch Lục Súc Tranh Công, Chinh Phụ Ngâm; văn chương lưu vong có những sáng tác của Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nhật Tiến, Võ Kỳ Điền.
Từ lúc đến Hoa Kỳ du học trong cuối thập niên 1940, sinh viên Huỳnh Sanh Thông đã tỏ ra đam mê văn chương, ngôn ngữ Việt và dành nhiều thời gian học hỏi và tìm hiểu.
Đã có một lúc ông tham gia sinh hoạt chính trị miền Nam. Dưới thời Đại Tướng Nguyễn Khánh lãnh đạo, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ,
Giáo sư Thông đã trở về nước đảm nhiệm vài trò giám đốc Việt Tấn Xã, nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn , ông thấy không thích hợp với sinh hoạt chính trị nên lại rời Việt Nam trở lại Hoa Kỳ.
Là một dịch giả uyên bác, Giáo sư Huỳnh Sanh Thông đã nhận được những giải thưởng văn chương cao quý như Harry Benda và MacArthur Fellowship với ngân quỹ nhiều trăm nghìn đô-la để ông không phải lo nhiều về tài chính trong cuộc sống mà dành toàn thời gian cho việc biên soạn và dịch thuật mà kết quả là những tác phẩm của ông để lại cho hậu thế.
Có một điều tôi biết về Giáo sư Huỳnh Sanh Thông là ông sống rất giản dị, mộc mạc và trong mấy ngày tôi thăm Văn Khố Việt Nam, không thấy ông lái xe mà đưa đón tôi bằng những chuyến xe buýt công cộng.
Trước sự ra đi của Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, xin gửi lời chia buồn đến phu nhân của giáo sư là cô Huỳnh Vân-Yến cùng toàn gia quyến. Xin cho Giáo sư được yên giấc nghìn thu.