Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
895
123.236.353

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hội thảo Quốc tế chữ Nôm lần đầu tiên tại VN: Số hoá chữ Nôm để biết mình mất gì
Lần đầu tiên, một hội thảo quốc tế về chữ Nôm được tổ chức tại VN (Hà Nội, 12 - 13.11) với sự tham dự của gần 200 đại biểu cùng 44 tham luận. Vừa trở về từ Mỹ trong vai trò Phó chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tại Hoa Kỳ (đồng tổ chức hội thảo cùng Viện Nghiên cứu Hán - Nôm), GS Ngô Thanh Nhàn đã có cuộc trò chuyện với Lao Động. Ông cho biết:

- Sáng kiến được đưa ra bởi Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (DSCN) trong ý tưởng: phải tạo ra được một diễn đàn để lắng nghe xem quốc tế cần gì ở VN trên di sản này; cũng như nhằm thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ am hiểu về công nghệ thông tin - những người đã giúp sức đáng kể vào công việc số hoá chữ Nôm. Mà trên hết, đó là cố gắng số hoá được hơn 17 ngàn chữ Nôm (trong đó có gần 10 nghìn chữ đã được quốc tế công nhận).

´
Theo ông, ý nghĩa lớn nhất của việc số hoá chữ Nôm là gì?
 
- Số hoá chữ Nôm chính là con đường bảo vệ và khai thác di sản chữ Nôm hiệu quả và cần thiết nhất lúc này. Bởi một trong những tất yếu của bảo tồn chính là giao lưu quốc tế. Một khi chữ Nôm được chuẩn hoá quốc tế và được tung lên mạng thì điều đó chắc chắn sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhận được nhiều sự ủng hộ và hợp tác từ khắp nơi trong trường hợp họ đang sở hữu những hiện vật trôi nổi của ta mà trước đó, họ không biết được nó có ý nghĩa gì và xuất xứ từ đâu để có thể trả về. Số hoá chữ Nôm vì vậy chính là cách tốt nhất có thể giúp chúng ta biết được mình bị mất gì và còn có thể tìm lại được gì từ những địa chỉ nhiều khi không ngờ tới.

Các giá trị văn hoá - điều đó dĩ nhiên quý nhưng chưa hẳn đã dễ trở thành hấp lực đối với nhiều bạn trẻ. Nếu để nói đến ý nghĩa kinh tế của việc nghiên cứu chữ Nôm, ông có nhiều lý do để thuyết phục họ không?
- Như đã nói, một trong những mục đích chính của hội thảo quốc tế lần này chính là để "thăm dò, nghiên cứu thị trường" để xem xem các nước cần VN hỗ trợ gì cho họ cũng như họ có thể tiếp sức được gì cho VN trong công cuộc bảo vệ và khai thác DSCN.

Với nhiều học giả phương Tây, chữ Nôm là một khám phá hấp dẫn và mới lạ. Có "cầu" thì ắt hẳn cần "cung". Một đơn cử - theo như tôi được biết tới đây, một thư viện lớn nhất thế giới là Thư viện Quốc hội Mỹ sẽ cử đại diện của họ đến VN để xúc tiến việc thành lập một khu vực văn minh Hán - Nôm nhằm phục vụ cho các tra cứu của độc giả trong nước và quốc tế.

´ Những cái đích mà Hội Bảo tồn DSCN đang ngắm?
- Hiện tại, chúng tôi đã và đang thực hiện một số dự án, trong đó có việc xuất bản một quyển từ điển chữ Nôm bằng phông true type, một kho chữ Nôm số hoá, nhiều học bổng cho người Mỹ và sinh viên VN muốn học chữ Nôm, một dịch vụ tư liệu trên mạng Internet để giúp các thư viện trên thế giới xác định được tư liệu chữ Nôm họ có, xuất bản các văn bản chữ Nôm, một thư viện số hoá các văn bản chữ Nôm cơ bản, cũng như tài trợ việc đi lại của các học giả.

Các bạn trẻ quan tâm có thể truy cập trang web: http://www.nomfoundation.org của Hội chúng tôi để tìm hiểu thêm.

- Xin cảm ơn ông.

-------------------------------

Hội Bảo tồn DSCN là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập cuối năm 1999 tại Mỹ, hoạt động dựa trên các nguồn đóng góp cá nhân và các quỹ tài trợ. Hội hình thành sau khi bản thảo cuốn
"Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương" (Thơ Hồ Xuân Hương) ra đời, do John Balaban chủ biên và dịch, cùng với phông chữ quốc ngữ mới của James Đỗ Bá Phước và lần đầu tiên trên true type - phông chữ Nôm thơ Hồ Xuân Hương do GS Ngô Thanh Nhàn thực hiện sau hơn 10 năm nghiên cứu. Mục tiêu chính của hội là cung cấp các công cụ tin học để truy nhập và trao đổi các văn bản chữ Nôm, tạo khả năng mở khoá các kho văn bản hàng bao thế kỷ nay vốn thường chỉ được viết bằng chữ Nôm hoặc được diễn âm ra quốc ngữ từ các bản khắc gỗ không đầy đủ.  (Nguồn: Hội Bảo tồn DSCN) 

Thủy Lê - Theo Laodong.com
Tin tức khác