Cuốn sách mang một cái nhan đề bộc trực: Carnets d’un vieil amoureux (Sổ tay của một kẻ tình si già đời - Nxb Philippe Rey).
* 150 cuốn sổ tay …
Marcel Mathiot là ai, mà kể từ ngày 1/1/1927, chưa tròn tuổi 16, đã hằng ngày chép nhật kí không ngưng nghỉ cho tới bốn ngày trước khi nhắm mắt đầu tháng tư 2004 ở tuổi 93. Ròng rã 77 năm trời. Dày đặc trên 150 cuốn sổ tay lần hồi xếp ngay ngắn trong hộp đựng giày. Chữ viết đều đặn, rõ nét của hạng người có học. Tuân thủ từ đầu tới cuối nguyên tắc khắt khe chính mình đặt định cho mình, không nhúc nhích sai phạm: Mỗi ngày một trang có đề tựa và ngày tháng. “Tôi viết để… khỏi tản mát ý nghĩ của mình.” Một thứ “độc dược vô hại“, theo lời ông nói.
Ra đời trong một gia đình bình dân, lớn lên học sư phạm, ra trường gõ đầu trẻ ở tỉnh Maine-et-Loire, từng đi quân dịch ở Algeria. Sau này có thời được bầu vào hội đồng thành phố Contigné và làm việc ở đó cho tới khi về hưu vào năm 1986 .
Tác giả đã sống xuyên suốt thế kỉ đầy biến động. Nhật kí của ông bao trùm mọi đề tài liên quan mật thiết tới cuộc đời rất dài ông đã trải qua. Thời thơ ấu, Thế chiến I, giáo viên trung thành với nền móng giáo dục miễn phí do thủ tướng Jules Ferry (1832-1893) thiết lập, Mặt trận bình dân, Thế chiến thứ hai, nước Pháp bị chiếm đóng, Kháng chiến chống Đức, chiến tranh lạnh, lừa lọc lịch sử và hơn hết là những câu chuyện… tình yêu thiên hình vạn trạng.
* … của một kẻ tình si
Marcel Mathiot lúc ấy đà gần tuổi chín mươi, khi bà Geneviève vợ ông qua đời. Ngày 27/1/2000, ông viết trong nhật kí: “Thế là mình lại được thoải mái, tự do.” Chớ xem đây là lời lẽ bất nhẫn đối với người bạn đời đã chia sẻ ngọt bùi ròng rã 68 năm trời và đẻ cho ông ba đứa con nối dõi tông đường. Có điều là tình yêu thiên hình vạn trạng hằng ngự trị trong thể xác và tâm hồn từ thuở xa xưa không thể bắt nhốt ông trong một cuộc tình chính thức duy nhất: “Tôi không có chút khả năng chung thủy nào hết.” Suốt trọn cuộc đời, ông luôn lấy làm tiếc đã cưới vợ vào năm 1932, khiến cho ông khôn thôi tù túng. Từ hôm bà Geneviève khuất bóng, nhật kí của ông bỗng trở nên trẻ trung, tưng tửng lạ thường: “Tôi không còn phải giấu giếm gì nữa. Muốn làm gì thì làm, nói gì cứ nói, viết gì thì viết, chẳng còn ai dòm ngó. Tôi thấy mình đột ngột bồng bột và tinh nghịch trở lại như xưa, vào thuở bảy tám chục năm trước.” Lại nữa: “Tôi còn có thể hẹn hò với bồ bịch mà không cần nghĩ tới giờ phải về nhà. Và ghi rõ chuyện này chuyện nọ trong sổ tay. Hồi trước, cứ lén lút mãi, thật là mệt óc.”
Bỗng nhiên nay lại độc thân - ông dùng từ célibataire (độc thân) thay cho từ veuf (góa vợ), Michel Mathiot hớn hở tiếp đón các mối tình lén lút trước kia, giờ đây giữa thanh thiên bạch nhật không còn phải phập phòng lo bị phát hiện. Các người tình này nay thảy đều vào độ thất thập bát thập. Hélène, mối tình say đắm bậc nhất, đã “hòa quyện thân xác và tâm hồn” cùng ông biết bao nhiêu lần, gặp lại sau bốn mươi năm trời xa cách. Lili, “con người rất mực thông minh, mình mà chung sống với thị chắc cũng hạp tình hạp lí“. Louise, thì lại quá ư bốp chốp, khiến ông buộc phải tránh mặt được chừng nào hay chừng nấy, sợ bị lộ tẩy. Và thật lâu sau này, còn có Emma nữa, trẻ măng, chỉ mới 36, vậy mà “một hôm, bất thần rỉ vô tai mình những lời yêu đương đắm đuối, nhưng trên giường thì kém hẳn Mado“.
Mado là mối tình gần gũi nhất, bền vững nhất, gắn bó nhất và dài lâu nhất của ông, bởi nó khai mào “từ năm 1946 kia lận“. Mado có một bầu máu nóng luôn luôn thôi thúc, cần được thỏa mãn. Ngay chính ông, một kẻ tình si già đời chẳng thua kém ai, vậy mà đôi lúc cũng đành chịu. Nhưng làm sao được, họ vẫn cứ phải gặp nhau, như hình với bóng, cả hai - “một đứa 82 (Mado) đứa kia 89 (Michel) - quấn quít nhau như một cặp uyên ương đói khát tình yêu“. Mỗi lần như vậy, xong xuôi, Michel Mathiot không khỏi cảm thấy “mệt đừ, cạn kiệt, khó mà còn tiếp tục được nữa “. Nhưng rồi họ vẫn tiếp tục quần nhau mê mệt. Cho tới tận vài ngày trước khi tác giả xa lìa trần thế. Mà vẫn cứ luyến tiếc, để đủ sức ghi: “Mình kể cho mấy cô khán hộ nghe, họ cùng nhau phá lên cười rũ rượi.”, rồi mới bỏ dở sổ tay. Chấm dứt một cuộc đời tình si sôi động và cảm khoái.
* Một bản tình ca yêu đời
Sẽ là một nhận định sai lầm, nếu chúng ta xem cuốn Sổ tay của một kẻ tình si già đời thuộc loại sách dâm bôn.
Một là vì Michel Mathiot không phải là nhà văn như ông tự mình xét mình; hai là vì nhật kí của ông trải dài gần trọn 3/4 thế kỉ, từ 1927 tới năm 2004, kể chuyện hằng ngày chính ông đóng vai và mắt thấy tai nghe; và ba là vì ông ghi chép với chủ đích dành cho trí nhớ chớ không có ý định công bố.
Tập sách xuất bản kì này chỉ gồm nhật kí trong bốn năm cuối, từ đầu năm 2000 tới 4/2004, do hai nhà báo Claire Hauter và Bernard Filière sưu tầm, rồi quyết định công bố khi nhận thấy nó là cả một bản tình ca yêu đời.
Một món quà cho người đọc chúng ta, hằng ngày ngụp mình trong thảm kịch triền miên.
Ảnh : Bìa cuốn sách khá đơn giản