Le Clézio là 1 nhà văn bị nhiều ngộ nhận.
Ở Pháp, không ít người cho rằng ông dễ thương, nhưng khờ khạo. Thậm chí, sau khi ông được trao giải Nobel văn học năm nay, còn có người chấp bút lên án những tác phẩm của Le Clézio mà họ đánh giá là xoàng xĩnh. Kể ra chuyện này cũng thường tình. Bởi vì, trong lúc văn học Pháp tôn vinh những áng văn như Marguerite Duras - bà phát minh những ''kỹ xảo'' theo kiểu tựa sách ''Détruire, dit elle'', tạm dịch là ''Hủy diệt, nàng nói'' - như Patrick Mondiano, mà hầu như tất cả các tiểu thuyết đều xoay quanh thủ đô Paris, vào thời điểm mà trường phái văn học mang tên autofiction, tạm dịch là ''tự truyện hư cấu'' rất thịnh hành với những ngòi bút như Christine Angot, ít ai ngờ Nobel văn học lại về tay Le Clézio.
Le Clézio mang một dấu ấn hơi cổ, hơi xưa, khi những điều ông trăn trở không liên quan gì đến văn đàn Pháp. Ở Le Clézio, không có những câu văn làm dáng như ở Marguerite Duras, không có cái thế giới thu hẹp quanh quẩn trong một vài phố phường Paris như Patrick Mondiano, không có những dòng tự bạch tràng giang đại hải như Christine Angot. Và quan trọng nhất, Le Clézio rất xa lạ với đám văn sĩ luôn xuất hiện trên truyền hình để tự quảng cáo như Michel Houellebecq.
Đối với ông, tiếng động và sự cuồng nộ qua truyền thông, chỉ thể hiện hư danh. Ông đã xa lánh chốn phồn hoa đô hội Paris từ đã lâu. Ông đã từ giã các thành thị Tây Phương từ nhiều thập niên qua, để hoà mình vào những cõi nhân gian xa xôi như thế giới thổ dân Châu Mỹ La Tinh. Đúng vậy, có lẽ phải ít nhiều khờ khạo như Le Clézio để tin rằng :
''Nghịch lý của nhà văn là hắn ta muốn viết để phục vụ những người đói nghèo, trong khi chỉ có những người no đủ mới để ý đến hắn ta'' (diễn văn nhận giải Nobel Văn học 2008, đọc trước Viện Hàn Lâm Thụy Điển ngày mồng 7 tháng 12/2008).
Những người thiếu thốn đói nghèo, những gia đình kiếm không đủ miếng ăn, những cộng đồng bị bỏ quên sống trong sa mạc hay rừng già Châu Mỹ, những dân tộc bị cướp đi ngay cả ngôn ngữ của mình như dân tộc Maya, đó là nhân vật của Le Clézio. Như lời ông Antoine Gallimard đã nói : "Le Clézio chỉ thoải mái khi tiếp xúc với những con người khiêm nhường, không tài sản''.
Trái với nhiều người thuộc văn đàn Pháp, việc Le Clézio được trao Nobel khiến cả nước Mêhico cảm thấy hãnh diện. Đã từ lâu, các nhà trí thức Mêhico xem Le Clézio là đưá con cưng nước này. Trong một chương trình truyền hình, nhà văn Octavio Paz, Nobel Văn học 1990, đã dự báo : giải thưởng này tất yếu một ngày kia sẽ về tay Le Clézio. Đối với Mêhico, các tác phẩm của Le Clézio như ''Le rêve Mexicain'' (Giấc mơ Mêhicô), hay việc ông đã chuyển dịch sang tiếng Pháp, "Les prophéties de Chilam Balam" (Lời tiên tri Chilam Balam ) và "Relation de Michoacan" (Ký sự về Michoacan), các công trình này đã được người Mêhicô thán phục. Người ta càng ngưỡng mộ ông khi ông kiên trì học hỏi và sử dụng thông thạo, không chỉ tiếng Tây Ban Nha, mà cả 3 ngôn ngữ thổ dân là tiếng Nahuatl, tiếng Maya vùng Yucatan và tiếng Purépecha, đã tồn tại từ thời kỳ tiền Christophe Colomb cho đến nay.
Có thể khẳng định giữa Le Clézio và Châu Mỹ La Tinh là cuộc tiếp biến văn hoá tiền định. Nhưng cuộc gặp gỡ này đã khởi đầu bằng sự tình cờ.
1968, nhà văn trẻ Le Clézio bị trục xuất khỏi Thái Lan sau khi ông công khai chỉ trích việc nước này dung dưỡng nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Vào thời điểm này, ông đang ở trong quy chế ''hợp tác dân sự'', thay vì nghiã vụ quân sự. Nhà nước Pháp lúng túng không biết đặt nhà văn bướng bỉnh này vào đâu, mới chuyển ông sang Viện Văn hoá của Pháp về Châu Mỹ La Tinh (Institut français d'Amérique Latine) đặt trụ sở tại Mêhicô. Tại đây, trong thư viện, Le Clézio tìm đọc các bộ sử tiền Christophe Colomb và các tư liệu về thời kỳ Tây Ban Nha chinh phục lục địa Châu Mỹ mà người ta mệnh danh là thời kỳ La Conquista.
Rất mau chóng, Le Clézio say mê với các nền văn hoá thổ dân. Kết quả là một sự cộng tác bền bỉ kéo dài hơn 10 năm vớI các nhà sử học Mêhicô. Hàng chục tác phẩm của Le Clézio ra đời, đánh dấu đỉnh cao của tài năng. Quan trọng nhất là sự tỉnh ngộ của Le Clézio, một sự lột xác qua các cuộc tiếp xúc và nhiều quãng thời gian chung sống với thổ dân Châu Mỹ. Thế giớI quan của Le Clézio, con người của ông thay đổi sâu sắc, như ông đã tiết lộ trong tập khảo luận Haï : "Trước đây, tôi lầm tưởng mình là kẻ vô gia đình, bỗng chốc, tôi lại được dịp nhận diện hàng ngàn người cha, hàng ngàn anh em và hàng ngàn người phối ngẫu''.
Từ đó, văn phong của Le Clézio khúc triết, trong trẻo hẳn lên và lung linh một thứ hào quang của kẻ đắc đạo. Có lẽ, chưa bao giờ áng văn của Le Clézio lại trữ tình như vậy. Sau này, trong tác phẩm La Fête enchantée (1997), tạm dịch ''Tình ca ngày hội'', Le Clézio đã tiết lộ khi nói về quãng đời 12 năm sinh sống tại Mêhicô : ''Đây là bước đường kinh nghiệm đã thay đổI toàn diện cuộc đời tôi, tất cả những quan niệm của tôi về thế giới, về nghệ thuật, về cung cách ứng xử của tôi vớI mọi ngườI, về cách đi đứng, ăn uống, yêu thương. Cả giấc ngủ, thậm chí, ngay những giấc mơ của tôi cũng biến đổi''
Lời sám hối cho các nền văn hoá bị hủy diệt
Hãy đừng lầm tưởng Le Clézio đi theo vết chân của hoạ sĩ Gauguin cuối thế kỷ 19, tìm cảm hứng nguyên thủy trong nghệ thuật .
Ở Le Clézio, không chỉ diễn ra sự ly dị với Châu Âu vật chất và duy lý, để hoà giải với vạn vật trong thế giới hoang sơ của Châu Mỹ La Tinh. Le Clézio đi xa hơn hành trình của những nghệ sĩ chạy trốn Tây phương để đắm mình trong thiên đường tiền "văn minh". Không chỉ có vậy, cho dù nhiều người vẫn cố tình đổ tội cho ông là lãng mạn, yêu thương sự thuần khiết chỉ hiện hữu ở những xã hội chậm chạp, kém phát triển.
Để đánh giá trọn vẹn cống hiến của Le Clézio cho văn học, có thể đặt giả thuyết : nếu ông không tiếp xúc với Châu Mỹ La Tinh, rất có thể là bản thân ông bế tắc và những sáng tác của ông vẫn bị giới hạn trong mạch văn chương hậu hiện sinh và hậu tiểu thuyết mới, với những nhân vật bất an, lạc loài trong thế giới. Nhưng Châu Mỹ La Tinh đã mở đường cho Le Clézio hoà giải với chính mình và tìm được lối thoát, cho nền văn học vươn đến tầm mức đa văn hoá, soi rọi lịch sử cận đại dưới ánh sáng của những biến cố xẩy ra cách nay 500 năm.
Tập khảo luận Giấc mơ Mêhicô, xuất bản năm 1988, cô đọng kinh nghiệm cộng hưởng văn hoá giữa hai lục điạ, Châu Mỹ và Châu Âu, dưới nhãn quan của Le Clézio, qua câu chuyện mang tính chất sử thi : năm 1517, Hernan Cortès bắt đầu chinh phục Mêhicô, mà thời đó mang tên là Tenochtitlan. Công cuộc tàn sát thổ dân và tận diệt các nền văn hoá hoành tráng của Châu Mỹ bắt đầu với hậu quả : chỉ trong vòng hơn một thế kỷ, dân số Mêhicô từ 15 triệu, đã bị triệt hạ xuống còn một triệu người. Cuộc diệt chủng này đi đôi với nổ lực triệt tiêu văn hoá của thổ dân đến tận gốc rễ. Ví dụ như vào năm 1562, giám mục khu vực Yucatan, Diego de Landa đã cho đốt sách của thổ dân Châu Mỹ. Ngôn ngữ Maya, hiện hữu từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, đã bị dìm vào quên lãng từ vụ thiêu hủy các kho sách này trong vòng 4 thế kỷ liên tục sau đó. Để rồi vào cuối những năm 1990, mới đây thôi, người ta mới bắt đầu phát hiện trở lại văn tự Maya, để có thể đọc được những văn bản còn ghi tạc trên đá, và trong 3 bộ sử đã may mắn tồn tại cho đến ngày nay.
Nhưng điều nguy khốn hơn, là theo Le Clézio, vụ diệt chủng này vào thế kỷ 16 trở đi, báo hiệu cho chế độ nô lệ mà Tây Phương sẽ mở rộng trên phạm vi nhiều lục điạ. Trong 'Giấc mơ Mêhicô', đằng sau thông điệp tạ tội với cổ nhân, Le Clézio còn đặt câu hỏi : nếu như Tây Phương không tàn phá các nền văn hoá của thổ dân, mà dấu ấn, sức quyến rũ và sự minh triết còn lưu lại, thì có lẽ thế giới đã đổi khác, chớ không tàn bạo và tham của như ngày nay.
Nhưng đó là bài học kinh nghiệm rút ra cho trí tuệ. Điều mà Le Clézio ít thố lộ là bên cạnh trí tuệ, cuộc tiếp xúc với Châu Mỹ La Tinh còn cứu chuộc cho bản năng của ông, khi ông nhận diện được cái bạo lực, núp sau sự khẳng định cá nhân, mà trong các xã hội phương Tây, đã khiến cho con người đánh mất chính mình và xây dựng những bức tường ngăn cách mình với cộng đồng.
Ông viết trong tập khảo luận Haï : "Người thổ dân không xây dựng các biên giới. Đây là hoàn cảnh lý tưởng. Cái gọi là tinh thần sở hữu cũng không có. Những mùa màng mà đất đai sản xuất ra thuộc quyền sở hữu của người thổ dân. Nhưng họ không làm chủ đất đai này".
Chiêm nghiệm quá khứ bạo tàn của Châu Mỹ La Tinh, soi rọi sự tha hoá của con người Tây Phương, để sau đó rủ bỏ lối sống cũ, trở về với "cái đẹp, sự hài hoà, cuộc sống đạm bạc, cuộc đời du mục, chẳng cần nhiều". Le Clézio viết như vậy trong trong tập sách "L'Inconnu sur la Terre" (Người lạ mặt trên trái đất) - năm 1978.
Nhà văn Le Clézio nhận giải Nobel Văn Học từ tay Quốc Vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf ngày 10/12/2008.
(Ảnh : Reuters)