Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
963
123.235.967

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Công ước Berne:Cơ hội cho truyện tranh Việt Nam
Trong cơn “thủy triều” truyện tranh Nhật Bản, dòng truyện tranh mang nội dung Việt Nam do tác giả người Việt vẽ vẫn tồn tại. Dù rất mờ nhạt với chỉ một bộ “Thần đồng Đất Việt” có mức doanh thu khả quan nhưng những người giàu tâm huyết vẫn âm thầm chờ đợi một cơ hội cho truyện tranh Việt Nam vùng lên. Và cơ hội đó đã đến cùng với công ước Berne.

Từ truyện tranh Nhật Bản

Không quá đáng khi nói rằng 95% số truyện tranh trên thị trường TP Hồ Chí Minh hiện nay có nguồn gốc từ Nhật Bản, thỉnh thoảng mới xuất hiện một vài tác phẩm đến từ châu Âu. Gần đây nhất, xuất hiện thêm dòng truyện tranh Hàn Quốc.

Điều dễ thấy là truyện của Nhật với kiểu vẽ Manga dễ thu hút bạn đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi. Đọc một cuốn truyện tranh Manga gần giống như xem một bộ phim với đầy đủ các thủ thuật điện ảnh được thể hiện lại trên trang giấy.

Manga còn rất chú trọng đến việc thể hiện tính động của câu chuyện, một trang truyện khổ 11,5cmx18cm thông dụng như hiện nay có lúc chứa tới hơn 20 hình vẽ nhỏ thể hiện khung cảnh, tình cảm của hàng chục nhân vật trong truyện cùng một lúc.

Có nhiều truyện tranh tuy nói dành cho tuổi thiếu niên nhưng đã hấp dẫn cả với những người trưởng thành như Jack-bác sĩ quái dị, Conan…

Truyện tranh Nhật có mặt khắp mọi nơi nên không có gì bất ngờ khi toàn bộ những sáng tác truyện tranh của các bạn trẻ Việt
Nam trong cuốn “T3: Truyện tranh trẻ” do NXB Trẻ sắp phát hành đều mang đậm phong cách Manga.

Các họa sĩ trẻ này đã học hỏi từ Manga nên cách thể hiện, tạo tình huống, thậm chí cả cách biểu lộ tình cảm nhân vật đều giống một tác phẩm truyện tranh của Nhật.

Để tồn tại...

Trước đây, không gì dễ bằng in và phát hành một cuốn truyện tranh Nhật, cứ mua truyện gốc, sao lại, thuê người dịch rồi phát hành. Với số lượng không dưới 10.000 bản/kỳ, truyện tranh quả là một món hàng nhiều lợi nhuận. Chỉ tội cho truyện tranh Việt Nam trong một cuộc chiến không cân sức.

Công ước
Berne được áp dụng, dù một số nhà xuất bản (NXB) lớn đã có mối liên hệ mua bản quyền truyện tranh từ trước nhưng số lượng cũng không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường như trước đây.

Cơ hội cho truyện tranh Việt Nam đã xuất hiện và các NXB, công ty văn hóa đã ngay lập tức vào cuộc với những tác phẩm truyện tranh thuần Việt như NXB Trẻ với “Đá và Nấm”, công ty Phan Thị thừa thắng từ “Thần đồng nước Việt” xông lên với “Đất phương Nam”…

Tuy nhiên, để tồn tại được không phải chỉ cần in truyện mang mác Việt Nam, độc giả truyện tranh sau một thời gian thưởng thức vô số truyện tranh Nhật trong đó có những cuốn chất lượng cao đã trở nên khó tính hơn nhiều. Trong khi đó, lớp họa sĩ có thể sáng tác truyện tranh hiện nay lại hiếm hoi. Tìm kiếm một thế hệ họa sĩ mới trở thành một nhu cầu bức thiết.

Ngày 6-11-2004, CLB Truyện tranh thuộc Trường Đại học Kiến trúc với 90 thành viên vừa ra mắt thì đến ngày 17-11 tới đây, NXB Trẻ sẽ giới thiệu “T3: Truyện tranh trẻ” với mục tiêu làm một nơi để thông tin tình hình phát triển của truyện tranh thế giới và phổ biến các tác phẩm của các bạn trẻ đang có ước mơ trở thành tác giả truyện tranh.

Anh Quốc Thịnh, phụ trách CLB Truyện tranh Trường Đại học Kiến trúc, giải thích: “Có sự hiểu nhầm này là do các bạn trẻ khi vẽ theo phong cách Manga thường đưa luôn phông nền, quần áo, trang sức theo kiểu Nhật vào”. Cũng theo Thịnh thì họa sĩ truyện tranh cần có vốn hiểu biết về văn hóa Việt
Nam mới có thể đưa cái hồn Việt vào Manga được.

Nếu như nét vẽ của những bạn trẻ này đã có sự tiến bộ đến bất ngờ, đôi khi không thua kém các truyện tranh Nhật đang thịnh hành thì nội dung lại là cái kém nhất hiện nay. Truyện “Ngôi nhà trên đồi Freen” của bạn Ánh Tuyết có nét vẽ rất đẹp, trữ tình, hài hước theo kiểu Manga nhưng nội dung lại rất lộn xộn. Ngay cả bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” ăn khách nhất bây giờ cũng chỉ dừng ở mức từng câu chuyện riêng lẻ chứ chưa thể thống nhất thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Công ước
Berne đã tạo ra một cơ hội cho truyện tranh trong nước hồi sinh nhưng để có thể thực sự trỗi dậy truyện tranh Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm. 

Lê Tường Vân - Theo SGGP Online
Tin tức khác