Ngôi mộ gồm 3 hũ gốm đặt đứng sát cạnh nhau tạo thành 3 góc, bên trong chứa đầy cát trắng tinh, nắp đậy bằng 2 tô và 1 dĩa có chữ Phước ở đáy trong, xung quanh xếp các xâu tiền.
Theo nhà sưu tập gốm cổ Hồ Tấn Phan, có thể đây là loại mộ chiêu hồn, một hình thức mộ táng chiêu hồn của người Đại Việt khi vào xứ Đàng Trong hoặc có thể do lưu dân người Việt an táng lại mộ của người Chàm.
Ba hũ mộ táng là đồ gốm Chàm, có hình dáng đẹp, thuộc loại đặc biệt có chân đế, ít tìm thấy từ đồ gốm trục vớt ở các dòng sông Huế. Dưới đáy hũ có xâu 4 lỗ đối xứng, dấu vết của con nêm dùng trong kỹ thuật nung loại đồ gốm cao cấp.
Bên trong các hũ còn có khoảng 200 đồng tiền cổ Trung Quốc thuộc các đời Đường, Tống, Minh như đồng Khai Nguyên thông bảo niên hiệu Kiến Trung (780-783), Hàm Bình nguyên bảo niên hiệu Hàm Bình (998-1003), Thiên Thánh nguyên bảo niên hiệu Thiên Thánh (1023-1032), Thánh Tống nguyên bảo niên hiệu Kiến Trung Tỉnh Quốc (1101), Hồng Võ thông bảo niên hiệu Hồng Võ (1368-1398), Vĩnh Lạc thông bảo niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424).
Xứ Đàng Trong, thời chúa Nguyễn vẫn sử dụng các loại đồng tiền trên. Qua đó có thể xác định mộ táng này không thể sớm hơn thời gian đúc đồng tiền Vĩnh Lạc thông bảo. Hơn nữa, các hũ mộ được đậy bằng đồ sứ Chu Đậu nổi tiếng của Đại Việt, thế kỷ 14-16, cùng loại với đồ trục vớt từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm.
3 hũ gốm được tìm thấy trong mộ táng - Ảnh: Tấn Chính