Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
271
123.287.499

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Lễ hội Tết tại Tp.HCM
Được bắt đầu từ dịp Tết Giáp Thân 2004, lễ hội Tết tại TP.HCM mà nội dung chính là đường hoa Nguyễn Huệ đã là một phần không thể thiếu với người dân thành phố mỗi khi Tết đến. Lễ hội Tết 2009 bắt đầu từ ngày 18.12.2008, gồm 5 chương trình chính là Phố tỏa sáng, Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Bánh Tét, Bắn pháo hoa đêm Giao thừa, Trang hoàng mặt phố Tết và Biểu diễn nghệ thuật trên đường phố.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2009 được trưng bày suốt trục đường Nguyễn Huệ để phục vụ công chúng diễn ra trong 6 ngày, từ lúc 19 giờ tối 23.1.2009 (28 tháng chạp) đến 22 giờ tối 28.1.2009 (mùng 3 Tết). Theo Ban tổ chức Lễ hội Tết 2009, chủ đề của đường hoa năm nay là Vững tin nhằm tiếp nối tinh thần Vượt sóng của Đường hoa 2008, thể hiện sự vững vàng vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, hướng TP.HCM đến nền kinh tế phát triển ổn định. Ông Trần Hùng Việt, Trưởng ban tổ chức, cho biết: "Trong năm vừa qua, do ảnh hưởng bởi suy thoái, các nước quảng bá rất mạnh về du lịch. Việc duy trì ngày hội Đường hoa Nguyễn Huệ vừa để phục vụ đồng bào trong dịp năm mới cũng vừa là một sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với TP.HCM".

 

Đường hoa Nguyễn Huệ 2009 được chia thành 7 phân khu, mang ý nghĩa khác nhau: Khởi nguồn, Nghị lực, Sáng tạo, Tiến bước, Đoàn kết, Nguồn cội và Vững tin. Đường hoa năm nay sẽ có nhiều tiểu cảnh gắn với con trâu, đồng quê, nghề nông... Ở đầu đường Nguyễn Huệ, phía UBND TP, sẽ bài trí hình ảnh làng quê thanh bình, con trâu, bến nước. Cuối Đường hoa Nguyễn Huệ đoạn gần bến Bạch Đằng sẽ có một đồi dưa hấu có khắc hình Mai An Tiêm, biểu tượng cho sức mạnh vươn lên, khẳng định mình qua lao động.

 

Để thực hiện đường hoa, các công ty công viên cây xanh đã cung cấp trên 100.000 chậu hoa, chưa kể các loại hoa được chở từ Đà Lạt xuống và miền Tây... Hệ thống nhạc sẽ được thiết kế theo từng chủ đề của các phân đoạn tiểu cảnh kéo dài hơn 800m đường hoa. Người thưởng ngoạn đến từng khu sẽ được nghe những âm thanh đồng quê phù hợp.

 

Trước các khách sạn, thương xá Tax và trên vỉa hè bố trí một số điểm phục vụ giải khát cho khách tham quan; trưng bày nghệ thuật cắm hoa và tỉa củ quả. Tổ chức phố đi bộ sang đường Lê Lợi với một số nhóm diễn nhạc flamenco, nhạc cụ dân tộc, trò chơi múa sạp... vào đêm kết thúc tối mùng 3 Tết, nhằm tạo điểm nhấn cho đường hoa.

 

Con đường Nguyễn Huệ ngay từ trước năm 1975 đã là một khu chợ hoa của Sài Gòn mỗi khi xuân về. Giờ đây, đường hoa là một bước phát triển cao hơn với rất nhiều yếu tố nghệ thuật, lễ hội được lồng vào để phục vụ người dân dịp năm mới.

 

Phối cảnh Đường hoa Nguyễn Huệ -Ảnh: BTC 

 

Trung Bảo - TNO