Giới thiệu sáng tác thơ - văn, nhạc - họa, hoạt động báo chí trong phong trào đấu tranh của SVHS miền Nam (giai đoạn 1960 - 1975).
Đến nay, sách vẫn được xem là một trong các tài liệu tham khảo có sức nặng về hoạt động văn hóa văn nghệ của phong trào SVHS một thời sôi nổi với những cây bút trẻ thuộc nhiều thế hệ và nhiều địa phương khác nhau. Sách chủ biên bởi các ông: Lê Hoàng, Nguyễn Công Khế, Lê Văn Nuôi, với sự cộng tác của các vị: Trần Bạch Đằng – Vũ Hạnh - Trần Hữu Tá, đã gửi đến bạn đọc trẻ cả nước những sáng tác của một thời lửa đỏ như lời giới thiệu ghi rõ: “Trên trang báo, sân khấu ngoài trời, sân trường, các buổi cắm trại, những tác giả (và diễn viên không chuyên ấy) đem hết tấm lòng của mình kêu gọi chính mình và giới của mình, các giới đồng bào chấp nhận một cuộc chiến đấu mong manh về lực lượng so sánh song thánh thiện về ý nghĩa. Họ không nghĩ họ là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà báo...” (Trần Bạch Đằng).
Mà ban đầu, cũng như bao người khác, họ rung động trước vẻ đẹp cỏ hoa, trước bóng dáng tình yêu dịu dàng thời mới lớn, chẳng hạn Trần Quang Long năm 18 tuổi đã viết: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón. Chiều mùa thu mây che có nắng đâu. Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh mầu. Sẽ làm khô môi em dịu ướt... Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước. Nén trang giấy anh đề thơ “tuyệt vọng”. Mà thật ra mình đã có gì đâu?!”. Rồi về sau, những năm của tuổi 20, khi va chạm với đời sống nghiệt ngã, đối mặt với chiến tranh và bạo lực, anh đã nghe: “giữa phố phường/lựu đạn cay và đá chai độc thoại/máu đổ rồi sẽ thấy mặt anh em. Con đang nghe trái tim/nổ tung từng mảnh vụn/máu từng dòng im lìm/máu từng dòng phẫn nộ”. Đó là lúc trái tim đau xót, phản kháng và bắt đầu tuyên ngôn tranh đấu.
Cũng vậy, Hữu Đạo kêu gọi: “Hỡi những người vai rộng tóc xanh. Đời như hoa thắm nở trên cành (...) Tầm vông chuyển động mùa sông núi. Giục lớp người đi phá xích xiềng”. Hoặc sâu lắng như Ngô Kha, mơ một cõi yên bình mai sau, và anh “nguyện làm loài chim mang quá khứ đau thương/trở về tấu khúc hòa bình trên hoa đồng thảo”.
Họ - người mất vì bom Mỹ trong chiến khu (như Trần Quang Long), bị ám hại trong bóng tối (như Ngô Kha), bị bệnh nặng sau những ngày lao ngục và mất khi Sài Gòn vừa giải phóng chưa được bao lâu (như Hữu Đạo). Họ đánh đổi mạng sống của mình để dấn thân và sáng tác như trường hợp Phan Trước Viên: “Nỗi tủi hận cũng bắt nguồn từ đó. Từ ải Nam Quan đến Cổ Loa thành... Ta kiêu hãnh chưa bao giờ khuất phục. Dù những lần không tấc sắt trong tay”, để rồi bị nhà cầm quyền Sài Gòn bắt và thủ tiêu giữa năm 1969 lúc 30 tuổi.
Những người làm thơ khác trong dòng văn nghệ đấu tranh như Đỗ Nghê (tức BS Đỗ Hồng Ngọc) cách đây hơn 40 năm (1967) đã viết ru con cay đắng: “Ngủ cho ngon, ngủ cho ngon. Ngày mai rồi khôn lớn. Bán nước mà làm quan! Ngủ đi con, ngủ đi con. Ngày mai rồi khôn lớn. Sẽ không còn ngủ ngon!”. Hoặc Đam San trong Thơ tôi bây giờ mỉa mai: “Tôi không biết phải mở đầu bài thơ/bằng một tính tự nào/màu mè đưa ra của phường giả trá/lời hẹn hò của đứa sở khanh/trong cuộc tình chính trị/ ngọt ngào tôi uống đã no/lọc lừa tôi ăn đã chán/dân chủ - tự do - công bằng - nhân bản/bay qua mồm một lũ con buôn!”. Những dòng thơ đầy lửa và trăn trở như thế được viết ra bởi Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Thái Ngọc San, Chinh Văn, Lê Văn Ngăn, Tần Hoài Dạ Vũ, Đông Trình, Võ Quê, Nguyễn Kim Ngân, Đoàn Khắc Xuyên, Hoài Hương, Thiên Lý, Hoàng Thoại Châu, Trần Vạn Giã, Hà Thạch Hãn, Phan Viên Hoài và các tác giả khác có mặt trong Tiếng hát những người đi tới.
Phần văn của tập sách giới thiệu một số cây bút tiêu biểu như: Thế Vũ, Võ Trường Chinh, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Trần Hồng Quang, Huỳnh Ngọc Sơn, Biên Hồ, Bảo Cự, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Hoàng Thu, Lê Văn Nghĩa, Hàng Chức Nguyên...
Phần nhạc viết về phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe ra mắt từ cuối năm 1969 tại Sài Gòn, sau đó lan rộng ra khắp các đô thị khác như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phan Thiết..., với một số tác giả (và tác phẩm) như: Tôn Thất Lập, Nguyễn Văn Sanh, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Phú Yên, La Hữu Vang, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Miên Đức Thắng, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Xuân Tân, Xuân An, Hải Hà và các tác giả khác.
Phần họa viết về Bửu Chỉ, Nguyên Hạo, Phạm Mỹ Trinh, Trịnh Thanh Tùng, Phạm Trường. Phần báo chí của phong trào với tư liệu khá phong phú do Hoàng Phủ Ngọc Phan biên soạn, theo đó từ năm 1966 đến 1975 tức là trong vòng một thập niên, tờ báo chính thức của Tổng hội Sinh viên là tờ Sinh viên Sài Gòn là cơ quan ngôn luận của các lực lượng tranh đấu được xem như “phong vũ biểu” thông báo về thời tiết chính trị của miền Nam, ra không định kỳ vì tùy theo điều kiện mà phát hành. Báo này nhiều lần thay đổi chủ nhiệm và chủ bút: như các anh Hồ Hữu Nhựt, Nguyễn Đăng Trừng (sau này thoát ly ra chiến khu), Trần Quang Long, Trần Triệu Luật (hy sinh), Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Trường Cổn (bị đưa ra tòa và bị tù)...
Tuy bị đình chỉ, bị tịch thu, báo vẫn tục bản nhiều lần với hơn 100 số phát hành khắp nơi và trung thành với lời kêu gọi ban đầu đăng trên số 1 của báo: “Chúng tôi quan niệm rằng tập thể sinh viên Sài Gòn nói riêng và cộng đồng đại học nói chung, chỉ sống còn khi nó gắn liền với mảnh đất thân yêu của quê hương và với số phận bất hạnh của tổ quốc. Sinh viên phải vui với cái vui chung của dân tộc, phải nhục cái nhục chung của đất nước”.
Do chủ trương yêu nước và quyết liệt như trên, chính quyền Sài Gòn ra lệnh tịch thu báo Sinh viên Sài Gòn nhiều lần và đưa chủ nhiệm, chủ bút của tờ báo ra tòa vào tháng 10.1968, kết án Nguyễn Trường Cổn (chủ bút) 9 năm tù, Nguyễn Đăng Trừng (chủ nhiệm) 10 năm tù, Lê Hiếu Đằng bị kết án tử hình vắng mặt. Dầu vậy sau một thời gian tạm lắng xuống, hàng loạt tờ báo ở các trường đại học và các đoàn thể như Đoàn sinh viên phật tử, Liên đoàn sinh viên Công giáo, Phong trào dân tộc tự quyết, Ủy ban đòi quyền sống đồng bào, Ủy ban cải thiện chế độ lao tù, Tổng đoàn học sinh... lại rộ lên bừng bừng. Ngay cả các trường trung học, báo của học sinh in ronéo xuất hiện với các sáng tác đụng đến lòng người. Như bài Bến tàu của Võ Thiều Quang trên báo Tiếng gọi học sinh năm 1970 có đoạn: “Buổi sáng ba đi đến bến tàu. Chờ hàng đổ xuống vác cho mau. Những bao hàng nặng không bằng thuế. Ba vác bao giờ hết khổ đau?”. Một giai phẩm xuân của trường Cao Thắng chuyển nỗi buồn vào những khổ thơ như: “Em ngồi hong tóc nắng. Mười ngón tay nở hoa. Anh ngồi lau thép súng. Mười ngón tay máu ra”...
Những nội dung trên được nêu chi tiết qua Tiếng hát những người đi tới, dày 630 trang, với những nhân vật không thể quên như Nhất Chi Mai – đã tự thiêu để đòi hòa bình gây chấn động dư luận trong và ngoài nước thời đó. Nhất Chi Mai sinh năm 1934, pháp danh Thích nữ Diệu Huỳnh, học Đại học Văn khoa và Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, đã tưới 10 lít xăng lên người vào 7 giờ 20 sáng 16.5.1967 rồi châm lửa đốt tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, quận 10, để lại 10 bức thư gửi cho cha mẹ, thầy bạn, nêu rõ ý nguyện của mình là đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Chị đã viết: “Sống mình không thể nói. Chết mới được ra lời (...) Dừng tay lại người ơi. Hai mươi năm nay rồi. Nhiều máu xương đã đổ. Đừng diệt chủng dân tôi”. Những câu ấy trong bài Chắp tay tôi quỳ xuống in trong sách trên. Vậy là, cạnh hàng chục vị tu sĩ và cư sĩ tự thiêu vì Phật pháp và dân tộc, đã có các nữ sinh chân yếu tay mềm biến thân mình thành ngọn đuốc sáng.
Theo thống kê của Tiếng hát những người đi tới, Việt Nam là nước có nữ sinh tự thiêu vì hòa bình nhiều nhất thế giới, trước Nhất Chi Mai đã có 3 nữ sinh khác là: Nguyễn Thị Vân (17 tuổi) tự thiêu tại Huế ngày 31.5.1966, Đặng Thị Ngọc Tuyền, 19 tuổi tự thiêu ở Đà Lạt ngày 23.6.1966, Đào Yến Phi, 18 tuổi tự thiêu tại Nha Trang năm 1966. Họ đã góp sức nóng vào ngọn lửa đấu tranh của phong trào SVHS đô thị một thời và được ghi lại trong Tiếng hát những người đi tới...
Những tác giả in đậm là tác giả đã có bài và cọng tác với VCV
Tranh Bửu Chỉ trích trong "Tiếng hát những người đi tới"