Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
252
123.287.422

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Giải thưởng thơ Bách Việt vinh danh Ma Thuật Ngón
Giải thưởng Thơ Bách Việt 2008 đã quyết định trao giải thưởng duy nhất trị giá 30 triệu đồng cho tập “Ma thuật ngón” của tác giả Trần Tuấn. Là một nhà báo ở miền Trung, Trần Tuấn không thường xuyên công bố thơ, nên ít người am tường những sáng tác của anh. “Ma thuật ngón” là những câu thơ được viết bằng cảm giác bộn bề và trống trải.

Về tên gọi, tập thơ đem đến ít nhiều nghi hoặc, rằng người đọc rất dễ bị hụt hẫng vì thơ hôm nay đã có khá nhiều tập thơ có tên gọi rất kêu, rất lạ, rốt cũng chỉ là loại “yêu ngôn hoặc chúng” (dùng lời ma mị mê hoặc chúng dân). Đằng nào thì vào đầu thế kỷ XXI này, cả người viết lẫn người đọc đều khá đồng thuận ở điểm - thơ ca là một trò chơi ngôn từ đầy ma lực. Và như thế hẳn kẻ viết “Ma thuật ngón” phải có lắm ngón nghề...

 

Đọc “Ma thuật ngón”, cảm nhận đầu tiên là câu chữ hiện diện một cách điềm đạm mà riết róng cái ý hướng làm mới, ngôn từ mang một sắc thái mới, khí thơ mang một tiết nhịp mới, hình ảnh, âm thanh mang một ám ảnh mới. Từng câu, từng bài ở “Ma thuật ngón” như chuyển động theo một giục gọi ngấm ngầm rằng đã đến lúc phải thay đổi cách viết, cách cảm, cách nghĩ về thơ một cách quyết liệt hơn nữa (cả cách đọc nữa, hẳn nhiên).

 

Như một kẻ trên đường, thơ Trần Tuấn khao khát một cuộc tạo sinh mới, bằng cách đi tìm những tương hợp mới, những tương hợp giữa thực với siêu thực, hữu thức và vô thức nhằm mở ra một dang dở kêu đòi chắp nối, một cũ càng đòi được thanh tân. Phải vậy chăng mà ở đó có “một nhói trắng” của hoa, “xác của những giấc mơ”, “những ý nghĩ mọc lên”, “những ý nghĩ thở nhẹ”, “những ý nghĩ đi lại trụi trần”, “những cơn buồn ngủ đã chết”, “sự phục sinh những âm thanh” đã mất, “lau một tiếng nói” đã từng.... Đọc Trần Tuấn, có lẽ người đọc ít nhiều chia sẻ nỗi khổ của người viết khi thường trực phải kêu lên “đơn giản tôi là rối rắm, phức tạp, là hỗn độn mờ nhoè...”. Khổ vì phải mang vác bao nhiêu nghĩa vụ bảo tồn với lớp người trước, khổ vì phải đắn đo trước hấp lực cần xác lập một trật tự mới - trật tự phi trật tự của lớp trẻ đương thời. Đọc “Ma thuật ngón”, vì thế ta thấy khi thì tác giả có vẻ như muốn “giải tác giả”, để sự vật, hiện tượng tự lên tiếng hòng phá vỡ giọng điệu cao đạo cũ, khi thì tác giả buộc phải lộ diện trong lớp áo cũ hòng thoát khỏi nguy cơ đồng nhất hoá bởi sự diễu nhại, sự tái chế văn bản được “phổ cập hoá” trong thời buổi tiêu dùng.

 

“Ma thuật ngón” tràn ngập những ý nghĩ mê ngợp làm thành một trải nghiệm xuyên suốt tập thơ như để hoá giải bao nhiêu câu thúc của đời sống thực để cho thi ca triển hạn. Từng ý nghĩ nghiệm sinh ấy có khi như một kinh nghiệm tôn giáo “kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro - lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa” gợi tưởng đến Hoa nghiêm kinh của nhà Phật với “trùng trùng duyên khởi” hay “đỉnh rỗng” gợi tưởng đến Khải huyền của Kitô giáo. “Ma thuật ngón” cũng gợi nhớ đến tranh siêu thực của S. Dali với bức “Sự kiên trì của ký ức”...”Ma thuật ngón” có sự diễu nhại, sự tái chế ngôn ngữ vỉa hè nhưng hơn hết là sự hoán đổi các sự vật, hiện tượng, âm thanh, hình ảnh như những tác phẩm trừu tượng - biểu hiện của giới mỹ thuật. “Ma thuật ngón” mở ra những lo âu, những trạng thái nhân sinh dở cười dở khóc ít nhiều có giá trị “thanh tẩy” để mỗi người tự đọc theo cách của mình. “Ma thuật ngón” cũng có những bước “về” quy hồi bản thể, kiểu “quay đầu là bờ” (đáo bỉ ngạn) với những “dọc mù sương”, “bầu trời ngậm nổ”...  với những tâm hồn trẻ thơ tìm mọi cách liên thông với tha nhân  để một lần nữa khỏi bơ vơ trên những nẻo đường hậu chiến... “Ma thuật ngón” cũng nói về sự rỗng, “vì rỗng mới thấy THẤY”, triết lý của cái nhạt, sự rỗng không không để lấp đầy mà để cái đẹp vụt hiện, cái đẹp của sự bất định, bất toàn.

 

 “Ma thuật ngón” là sự làm mới tự bên trong - tạm gọi là nội dung thơ- dẫu tác giả đã cố đặt định cách thức làm mới ở một số dấu hiệu “tân hình thức” như in đậm, in rời, đóng khung các con chữ.... “Ma thuật ngón” tự thân cũng hàm chứa nhiều hạn chế như có lúc, có nhiều lúc tác giả làm người đọc mệt mỏi khi sa đà vào “triết luận” - tạm liên tưởng đến chữ nhà Phật gọi là “cơ tâm”, rằng có lòng thành nhưng hơi “trình diễn”. Thơ Trần Tuấn không vui, đã đành nhưng một dư vang buồn cho cả tập thì quả “nhọc lòng”. Thơ cũng cần phải hân hoan, phải gọi mời mọi người vui sống chứ.

 

Còn nhiều điều hạn chế nữa, tất nhiên. Điều khó nói nhất là đôi khi những hạn chế ấy cũng dự phòng vào một mưu toan nào đấy của kẻ viết, biết đâu.

LTN - LTN