Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
251
123.287.447

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
A.Kiran Desai - nhà văn nữ trẻ nhất của giải Man Booker
Kiran Desai người Ấn Độ, sinh năm 1971, thường trú tại Mỹ, là con gái nữ văn sĩ Ấn Độ nổi tiếng Anita Desai. Kiran Desai ra đời ở New Delhi, Ấn Độ, sống ở đó đến mười bốn tuổi, cùng mẹ sang Anh một năm, cuối cùng chuyển đến Mỹ. Cô nghiên cứu việc sáng tác văn chương ở Bennington College, Hollins University và Columbia University.

Tiểu thuyết đầu tay của cô, Hulabaloo in the Guava Orchard, xuất bản năm 1998, được đánh giá cao từ các nhà văn nổi tiếng như Salman Rushdie.

 

Tiểu thuyết thứ hai, Di sản của mất mát, được cho là có dáng dấp một tự truyện, đã đem lại cho Kiran Desai nhiều danh giá: đề cử giải Orange, chung khảo giải Kiriyama, mười tiểu thuyết hay nhất do tạp chí Observer chọn, giải thưởng tiểu thuyết của Hiệp hội Các nhà phê bình Mỹ..., và đặc biệt, giải Man Booker 2006. Kiran Desai trở thành tác giả nữ trẻ nhất trong lịch sử giải này.

 

Di sản của mất mát lấy bối cảnh thập niên 1980 với hai không gian: vùng Kalimpong thơ mộng dưới chân Himalaya và khu tầng hầm đầy chuột bọ và dân nhập cư bất hợp pháp tại New York. Bên này là Sai, cô gái mồ côi sống cùng ông ngoại là quan tòa về hưu trong dinh thự đổ nát. Bên kia là Biju, con trai người đầu bếp, sống chui lủi với giấc mơ Mỹ đang dần tàn.

 

Câu chuyện được đan dệt từ những biến động, những thân phận và xúc cảm của hai tuyến nhân vật: là mối tình chớm nở giữa Sai và anh gia sư Gyan, là những phức cảm thời trai trẻ lạc lõng trên đất Anh ngày đêm không nguôi ám ảnh ông tòa, là mộng đổi đời của người đầu bếp gửi theo đứa con trai ở trời Tây, hay cảm giác côi cút hờn tủi, bị kỳ thị của Biju trên đất khách...

 

Kiran Desai đã khái quát một bức tranh toàn cảnh với những sắc màu mang tính quốc tế và thời đại: toàn cầu hóa, đa văn hóa, bất bình đẳng về kinh tế, xung đột sắc tộc - tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố... Ấn Độ hiện lên dưới ngòi bút Desai như một cơ thể với những vết thương lịch sử mà toàn cầu hóa không thể hàn gắn, trái lại càng khoét sâu thêm những thương tích mới.

 

Sách do NXB Hội Nhà văn và Công ty truyền thông Nhã Nam ấn hành.

T.Đ - TNO