Nở rộ văn học đồng tính chỉ là trào lưu, ăn theo?
Trang Hạ: Thật ra tôi không bao giờ mua một cuốn sách hoặc đọc một cuốn sách nào đó vì lý do “đồng tính”. Đối với một người viết và cũng là một người đọc như tôi, tôi không bao giờ đọc hay viết vì nó là đồng tính, cũng không coi đó là hiện tượng. Nói một cách thẳng thắn, nếu ai đọc hay viết vì nó là đồng tính thì họ đang kỳ thị, họ không vượt qua được rào cản của kỳ thị. Còn nếu một người viết truyện hay tự truyện vì là đồng tính thì không đúng đắn. Những người có quan điểm đúng đắn về đồng tính thì không coi đó là hiện tượng. Họ coi sự việc năm 2008 nở rộ văn chương đồng tính đó chỉ là trào lưu hoặc là sự ăn theo.
Nguyễn Quỳnh Trang: Chưa bao giờ đề tài đồng tính trở thành trào lưu, tôi nghĩ như vậy. Trên thực tế, các truyện ngắn hay tiểu thuyết về đồng tính xuất hiện nhỏ lẻ và số lượng tác giả muốn viết về đề tài này cũng không nhiều. Khi tiếp xúc với các bạn trong thế giới thứ ba, qua tìm hiểu, tôi biết đó là những độc giả thực sự mong chờ những tác phẩm viết về họ, dành cho họ. Tuy nhiên, một số đầu sách đã ra vẫn chưa thuyết phục được họ, thậm chí còn bị chê trách và tẩy chay
Bùi Anh Tấn: Đến bây giờ thú thật tôi vẫn hoài nghi cái gọi là “văn học đồng tính”, riêng với hai tác phẩm “Bóng” và “Không lạc loài” chỉ mang tính “tường thuật” là chủ yếu dù hư thực của nội dung thế nào còn cần phải kiểm chứng, đây không phải là tác phẩm văn chương. Nói là thế, bên cạnh đấy cũng đã xuất hiện một số tác phẩm viết về đồng tính nhưng đã đủ làm nên diện mạo của văn học đồng tính chưa, tôi nghĩ cần chờ thêm thời gian nữa.
Viết nhấn mạnh yếu tố đồng tính là kỳ thị?
Trang Hạ: Không thể nói sự khởi đầu của tác phẩm không xuất phát từ sự tò mò, hoặc xuất phát từ một thị hiếu. Ví dụ như thị hiếu của đám đông, hoặc thị hiếu của những người trước đây trong khoảng tối và giờ họ bộc lộ. Cũng có những tác phẩm ra đời theo sự thôi thúc của nhân vật chính để ra đời những cuốn tự truyện (không nhà văn này chấp bút thì nhà văn khác chấp bút) và chủ thể quyết định chứ không phải nhà văn quyết định. Nên cứ hỏi nhà văn tìm kiếm điều gì khi viết? Họ tìm kiếm câu chuyện và độc giả. Và đề tài đồng tính đáp ứng được hai nhu cầu đó.
Tôi nghĩ, nhấn mạnh yếu tố đồng tính là kỳ thị, đến bao giờ người viết hay chính nhân vật chính tự truyện họ quên mình là đồng tính, khi ấy mới có tác phẩm hay. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng: Nếu bắt tay vào viết mà nhấn mạnh yếu tố đồng tính thì không thể nào hay được.
Khi tôi đọc một số chương của tác phẩm đồng tính (tất nhiên trên mạng) tôi thấy yếu tố nhân văn dường như lẫn lộn với sự tò mò. Cho tới giờ, tác phẩm đồng tính vẫn đang là sự tò mò với bạn đọc Việt Nam. Ngay cả với người viết cũng là sự tò mò. Nên việc đầu tiên họ phải thoả mãn sự tò mò. Và để thoả mãn nó nên tính nhân văn không còn nữa. Nó chỉ còn sự tò mò, cưỡng bức, sex…
Bùi Anh Tấn: Thật sự hiện nay đang diễn ra tình trạng ở một số tác phẩm, tác giả viết luôn có thêm “mắm muối” tí sex, tí đồng tính, tí bạo lực, uất ức… Và có vẻ như viết về đồng tính đang trở thành trào lưu và cũng là loại đề tài gây tò mò, câu khách. Nhưng tôi cho rằng, cái gì nhất thời rồi cũng nhanh qua đi thôi. Viết về đồng tính hời hợt, câu khách, bạn đọc sẽ nhanh chónhg phát hiện ra ngay, cũng như các “tự truyện”, nếu bóc tách chuyện đồng tính ra rồi chả rõ những tự truyện này đang viết về cái gì.
Tự truyện đồng tính khiến người ta hiểu sai về người đồng tính?
Bùi Anh Tấn: Với hai tự truyện, tôi đọc rồi vì tò mò xem người đồng tính (dù tôi không lạ gì), viết về bản thân mình như thế nào. Cũng chả biết nói thế nào về hai “tự truyện” này, tôi chỉ tự hỏi sự thật là bao nhiêu % bởi hiện nay cả hai tự truyện đều đang gây bất bình trong giới đồng tính. Lý do: có nhiều điều nói về họ bị “hư cấu” nhiều quá, Nguyễn Văn Dũng (tác phẩm ”Bóng”) cũng cho biết chỉ nói sự thật có 80%? Còn cuốn của Nguyễn Thành Trung thì nay đang bị kiện tụng lên báo ì xèo… qua đó tôi thấy xem ra hai tự truyện này làm cho xã hội “hiểu sai” về người đồng tính nhiều hơn thì phải. Tôi đánh giá cao tác phẩm “Song song” của Vũ Đình Giang và “Những đốm lửa trên Vịnh Tây Tử” của Trang Hạ.
Trang Hạ: Tôi mua và đọc những cuốn sách tham khảo về giới tính thôi, còn những cuốn chị nêu trên tôi chưa mua, chưa đọc cẩn thận, còn có đọc một số chương “Không lạc loài” trên mạng. Nhưng thói quen của tôi là đọc phê bình hay các bài báo quanh tác phẩm thì tôi cũng biết về tác phẩm. Tôi nghĩ mình không đọc tác phẩm đồng tính thì có nghĩa là mình phủ nhận giá trị của họ, quan trọng tác phẩm ấy có làm tôi quan tâm hay không.
Viết về đồng tính bằng bản năng và trực giác
Bùi Anh Tấn: Tôi viết nhiều loại đề tài khác nhau, từ lịch sử, chiến tranh, tôn giáo, xã hội, tình yêu… tuy nhiên viết về đồng tính khá nhiều và thành công ở một mức độ nhất định. Thế nhưng chưa bao giờ tôi xác định độc giả của mình có là người của thế giới thứ 3 mà là tất cả mọi người và tôi có được coi là nhà văn của giới thứ 3 hay không thì tôi không biết. Tôi sẽ viết nữa nhưng không lặp lại những điều mình đã viết. Đồng tính vẫn là đề tài mà tôi yêu thích và sẵn sàng viết nếu có điều kiện.
Nguyễn Quỳnh Trang: Nếu trong quá trình sáng tác, nhân vật của tôi bỗng dưng đồng tính, thì đó cũng là điều diễn ra hết sức bình thường, tự nhiên. Tôi không nhìn người bằng việc phân biệt họ thuộc tầng lớp, địa vị nào, xu hướng tình dục ra sao… mà nhìn vào bản tính, cách cư xử của họ thế nào, có hợp với tôi hay không. Nếu có thông điệp trong truyện có liên quan đến đề tài đồng tính của tôi, thì hẳn nhiên chỉ nói lên rằng: người thuộc thế giới thứ 3 cũng chẳng có gì đặc biệt, bình thường thôi. Quan trọng vẫn là họ lựa chọn cách sống thế nào? Chấp nhận hay phủ nhận, thành thực hay giả dối với con người thực có của họ.
Bùi Anh Tấn: Tôi nghĩ khi viết, bất kể đề tài nào cũng cần bản năng lẫn trực giác cả, đôi khi nó còn là sự tổng hợp hài hòa nhiều nguồn kiến thức khác nhau để làm nên một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, khi viết về thế giới thứ 3, bản năng theo kiểu “tự truyện” sẽ không giải quyết được gì, bản năng ở đây là một sự hòa nhập hóa thân vào nhân vật, đôi lúc “mình sẽ là họ”… để có sự rung động tận cùng khi cầm bút viết. Tuy nhiên nếu không tỉnh táo, thả nổi bản thân, được gọi là bản năng, để câu chuyện trôi tuột đi thì người cầm bút sẽ thất bại ngay, chính vì thế mới cần đến trực giác mách bảo độ dừng cho người cầm bút. Thật ra khi viết về thế giới thứ ba, không rõ nhà văn khác thế nào, với riêng tôi không nhất thiết là cùng ăn, ở, cùng làm… không ghê gớm đến như vậy, bình thường thôi, miễn mình đến họ bằng sự tôn trọng, thành thật thì tức khắc sẽ nhận được sự chia sẻ.
Nguyễn Quỳnh Trang: Những trang văn được viết bằng bản năng và trực giác, với tôi bao giờ cũng tạo ra những thú vị bất ngờ. Đó cũng là điều tạo ra hứng khởi trong sáng tác - mình không biết trước những gì mình sẽ viết. Tôi viết truyện theo công thức thế này: Tìm hiểu, trải nghiệm thực tế trước khi viết, sau đó để bản năng, cảm xúc lôi kéo trong quá trình viết.
Ngày 19 tháng 12 năm 2008, tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã có 66 nước cùng ký tên vào nghị quyết xác nhận: Tất cả mọi người không phân biệt khuynh hướng tính dục và giới tính đều được bình đẳng trong danh dự và sự tôn trọng. Không một ai bị trở thành đối tượng của bạo lực, quấy nhiễu, kỳ thị hay xâm hại, chỉ vì khuynh hướng tính dục hay giới tính của họ. Nghị quyết này do Pháp đề xướng và được Đại sứ Argentine tại LHQ đọc trước đại hội. Thực tế ghị quyết này cũng không sáng tạo thêm những quyền mới nào và cũng không có tính ràng buộc mà nó được thành lập tương tự như những đề xuất trong quá khứ.
Ảnh : Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, Bùi Anh Tấn, Trang Hạ (từ trái qua)