Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
350
123.288.133

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người vùng cao và văn hoá nhận lộc đầu năm!
Chỉ còn vài ngày nữa mới đến tết Nguyên Đán, song, gia đình bà Hơ Riêng (bản Hà-Lệt, thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) như nhộn nhịp hẳn. Năm nào cũng thế, cứ sang mồng 1, mồng 2, bà Hơ Riêng lại cùng những người con, người cháu của mình rời khỏi bản đến những gia đình ở thị trấn Lao Bảo để nhận lộc đầu năm.

Văn hoá “hái lộc”, “nhận lộc” của người vùng cao Lao Bảo, Khe Sanh (Hướng Hoá, Quảng Trị) trong ngày tết là một truyền thống đẹp. Nó không chỉ thể hiện tình cảm thắm thiết, đùm bọc lẫn nhau giữa người Kinh và đồng bào PaCô, Vân Kiều mà nó còn là một triết lý sống, cách ứng xử trong đạo lý làm người.

 

* “Xuống núi” hái lộc!

 

Khoảng thời gian từ mồng 1 đến mồng 10 tết Nguyên Đán, hàng ngàn đồng bào dân tộc PaCô, Vân Kiều ở các bản phân bố trong vùng ven của thị trán Lao Bảo, Khe sanh bắt đầu “rậm rịch” xuống núi hái lộc xuân đầu năm! Công việc được bắt đầu sau khi một vụ mùa kết thúc, lúc nông nhàn. Bởi người vùng cao quan niệm rằng trong những ngày xuân, để có nhiều may mắn, tất cả các thành viên trong gia đình không phải lao động gì cả. Từ sáng sớm mồng một, tại các bản Khe Đá, Katang, Ktup, Hà-Lệt…bà con dân bản chuẩn bị tay nải, choòng mang ở lưng…để đựng quà do những gia đình khá giả ở thị trấn biếu tặng.

 

Còn hơn tuần nữa mới đến tết Nguyên Đán, song, gia đình bà Hơ Riêng (bản Hà-Lệt, thị trấn Lao Bảo) như nhộn nhịp hẳn. Trong căn nhà nhỏ bé cuối bản Hà-Lệt, dù cái khó, cái nghèo vẫn còn đâu đó trên mái gianh, cánh cửa… thế nhưng, căn nhà vẫn được trang trí thật tươm tất. Năm nào cũng thế, cứ sang mồng 1, mồng 2, bà Hơ Riêng lại cùng những người con, người cháu của mình rời khỏi bản đến những gia đình ở thị trấn Lao Bảo để nhận lộc đầu năm. Năm nay, bà chuẩn bị nhiều tay nải hơn vì số con cháu của bà cũng đông hơn. Trong gia đình Hơ Riêng một năm trở lại đây công việc làm nương rẫy khá thuận lợi, gia đình đã đủ ăn chứ không chạy từng lon gạo như năm trước. Bà muốn đầu xuân đến thật sớm với những gia đình ở thị trấn để hái lộc.

 

Bà tâm sự: “Năm nào mình cũng đi xin lộc xuân năm cả. Mình có tấm lòng chúc tết thì người ta có tấm bụng thôi. Lộc đầu năm sẽ được chia đều cho con cháu, đó là quà xuân, là “mâm cỗ” của những gia đình đông con cháu như mình”.

 

Ở những gia đình ở bản gần thị trấn như: Ktup, Katang thì xem đây là công việc quen thuộc năm nào cũng có. Ở những bản làng này, mối quan hệ giữa người Kinh và đồng bào PaCô, Vân Kiều có phần thắm thiết hơn. Bởi họ, không chỉ “xuống núi” hái lộc đầu năm mà còn đến để chúc tết, thăm hỏi và biếu quà (thường là con gà, vò rượu cần..) cho những hộ gia đình có quan hệ buôn bán với mình.

 

Với đồng bào dân tộc vùng cao, từ lâu tục “hái lộc” đã trở thành một nếp sống quen thuộc. Họ xem đó như là chút may mắn mà các gia chủ muốn chia sẽ cùng mình, mong rằng sau ngày tết, ra năm xuống lúa cho một mùa vụ mới được bội thu. Còn những gia đình phân phát quà thì nghĩ rằng “chia lộc” đầu năm sẽ may mắn, công việc buôn bán khấm khá hơn. Dù vật chất không là bao, song nó lại rất có ý nghĩa tinh thần với bà con!

 

* Tình người nơi biên ải

 

Tục hái lộc đầu năm không biết chính xác có từ lúc nào ở vùng cao này. Khi tôi đặt câu hỏi này với các bô lão trong làng, hay các già làng trong bản, họ nhớ rằng: Vào những năm chiến tranh, bộ đội Trường Sơn phải chiến đấu giữa bao khó khăn về vật chất. Những năm đó, cư dân bản địa là đồng bào đân tộc PaCô, Vân Kiều vừa động viên tinh thần, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội...

 

Có thể tục hái lộc như là một minh chứng sinh động cho truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Hơn thế nữa, năm 1975 sau khi giải phóng xong, đất nước còn nhiều khó khăn, chính sách khai hoang luôn được ưu tiên hàng đầu. Các vùng Lao Bảo, Khe Sanh, Tân Thành, Tân Long vốn là những vùng kinh tế mới. Những hộ gia đình mới lên đều được cấp 6 tháng lương thực, còn 6 tháng còn lại phải tự túc. Rất nhiều đồng bào dân tộc định cư ở đây đã giúp người Kinh buổi đầu lên với vùng đất lam sơn chướng khí này.

 

Ông Nguyễn Xuân Hoặc,một cựu chiến binh ở Thị Trấn Lao Bảo, cũng là một trong những gia đình đầu tiên tham gia kinh tế mới vùng này, cho biết: “Hồi ấy, buổi đầu dân kinh tế mới đến với vùng đất này rất ít, chỉ lẻ tẻ 5 đến 7 hộ. Họ chủ yếu tập trung sống ở các vùng đất dọc sông SêPôn (để gần nguồn nước). Cuộc sống vật chất rất khó khăn. May mắn có đồng bào PaCô, Vân Kiều giúp đỡ khi thì còn gà, con thỏ săn được. Dân kinh tế mới thì hướng dẫn họ cách canh tác hiệu quả hơn. Nhờ đùm bọc nhau như thế mới vượt qua nhứng khó khăn buổi đầu lập làng, lập xóm.”

 

Tục hái lộc đầu năm của người vùng cao có lẽ xuất hiện từ khi đó. Nó là triết lý sống sâu sắc về tình người của dân Việt. Và ở đâu đó trên Tổ Quốc hình chữ S này, chúng ta vẫn tin rằng hàng ngày, người Kinh và đồng bào dân tộc ít người vẫn đùm bọc nhau trong từng hoàn cảnh chiến tranh cũng như thời bình.

 

Ảnh : Trao nhận lộc đầu Xuân

Nguyễn Khánh (Huế) - TT&VH