Nét mới đáng chú ý của đường hoa 2009 là những cột bắp (ngô) cao 4m, gắn tổng cộng khoảng 3.000 trái bắp chín vàng ruộm; các đế đặt hoa bằng kính cỡ lớn phản chiếu hình ảnh hoa lá gây ấn tượng về mặt thị giác; khoảnh bắp đang mùa ra trái với khoảng 1.500 cây; 5 bụi tre cong cành kiêu hãnh giữa phố...
Các hạng mục tiểu cảnh, hoa trái được thu mua, huy động từ nhiều địa phương. Các loại hoa từ Đà Lạt, Sa Đéc, rơm, lúa từ Long An, gốm từ Bình Dương, tre từ Củ Chi v.v... .
Đường hoa năm nay có 7 phân khu (có các tên gọi Khởi nguồn, Nghị lực, Sáng tạo, Tiến bước, Đoàn kết, Nguồn cội và Vững tin) chạy dọc suốt gần 1km đường Nguyễn Huệ từ vòng xoay Cây Liễu ra đến trước bờ sông Sài Gòn. Đầu này là bầy trâu nằm nhai cỏ dưới lũy tre làng, đầu kia là những quả dưa hấu khổng lồ gợi nhớ câu chuyện quả dưa Mai An Tiêm.
Hình tượng con trâu của năm Kỷ Sửu được khai thác khá nhiều với đủ hình thức, chất liệu như trâu bằng rơm, trâu gốm, giả gốm, giả sơn mài, trâu sắt, trâu giấy bồi. Các hạng mục đều được thực hiện trước ngày bắt đầu thi công khoảng hai tháng tại khu du lịch Bình Quới, Văn Thánh, sau đó mới đưa về tập kết, lắp đặt.
Ông Chiêm Thanh Liêm, chỉ huy trưởng công trình đường hoa - một người theo đường hoa suốt 6 năm qua cho biết, từ lần tổ chức năm 2004 đến nay, năm nào đường hoa cũng được thay đổi mới mẻ hơn.
Ông Liêm tiết lộ, chỉ duy nhất một hạng mục không thay đổi (trừ một lần vào Tết Ất Dậu) là tiểu cảnh đồng quê ruộng lúa. Đây là chủ trương của thành phố nhằm tạo một không gian làng quê gợi nhớ giữa lòng thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của những người xa quê, đặc biệt là Việt kiều hàng năm về TP.HCM ăn Tết.
Cho tới trưa 28 Tết, trước giờ khai mạc, lực lượng thi công còn bổ sung đợt hoa cuối cùng gồm 10.000 chậu hoa để hoàn tất công đoạn cuối. Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân cũng đã nhắc lực lượng thi công tiểu cảnh ruộng lúa cần phải có những bông lúa trĩu hạt để nhấn mạnh ước vọng no đủ. Ngay lập tức, Ban tổ chức đường hoa đã cho người đi Long An để mua những cây lúa trổ bông chín vàng về bổ sung.
Ban tổ chức cũng đã tính toán, tổ chức một lực lượng trực chiến để sửa chữa nhanh những hư hỏng trong quá trình diễn ra lễ hội. Ông Liêm nói dù người dân có ý thức, không giẫm đạp, phá hỏng đường hoa nhưng trong lúc tham quan, chụp ảnh có thể ảnh hưởng ít nhiều đến các tiểu cảnh. Đặc biệt, trong đêm bắn pháo hoa đón giao thừa, lượng người đổ về khu vực này rất đông để xem pháo hoa, nên lực lượng bảo vệ, sửa chữa cũng đã lên kế hoạch bảo đảm an toàn cho đường hoa đến ngày bế mạc (mùng 3 Tết).
Ý tưởng đường hoa Nguyễn Huệ được hình thành từ sau chuyến lãnh đạo TP.HCM tham quan lễ hội hoa của Singapore vào năm 2003. Trong tình hình khó khăn chung về kinh tế xã hội, đường hoa vẫn được TP.HCM cố gắng duy trì thực hiện.
Hình ảnh đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Sửu: