Và, theo một quy tắc thường được ưa thích là nói chuyện xấu trước, chuyện tốt sau, TVN sẽ mở đầu với các vụ nhiệt tình quá sớm của làng báo.
1. "Bình chọn cho Hạ Long": Trống đánh xuôi kèn thổi ngược!
Nói rằng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tích cực nhất làng báo trong việc vận động dân chúng "vote" cho vịnh Hạ Long, thì không có cơ sở định lượng nào để chứng minh. Nhưng với diện phủ sóng toàn quốc, với mật độ phát sóng dày đặc các clip kêu gọi “hãy bình chọn cho vịnh Hạ Long”, VTV có vẻ như là cơ quan báo chí ồn ào nhất trong vụ này.
Mạng Yahoo là đơn vị tạo nên "hiệu ứng" bình chọn không kém VTV hay một số cơ quan truyền thông khác: Không đếm được có bao nhiêu message được gửi qua mạng khuyến khích, nhắc nhở, hô hào cộng đồng Yahoo Messenger bình chọn cho vịnh Hạ Long.
Cuối cùng cuộc bình chọn kỳ quan thế giới biến thành cuộc thi xem dân số ở đâu đông hơn, hay nói đúng hơn, thi xem dân ở đâu nhiệt tình vào mạng bỏ phiếu hơn.
Cũng chính báo chí là nơi "phản tỉnh" đầu tiên, và cũng nhanh chóng như khi nhập cuộc, xứng đáng là nơi thể hiện các ý kiến phản biện xã hội. Kết luận ở đây là: Báo chí đã vào cuộc cũng như rút ra rất nhanh chóng, tích cực, gây tiếng vang trong dư luận, và tạo kết quả tốt (!). Nhưng dẫu sao, nên tỉnh táo và thống nhất cách xử lý vấn đề ngay từ đầu thì hơn. Không phải cứ bình chọn của "Tây" thì là quy mô lớn và đáng tin cậy.
2. Công kích Calisto: bây giờ mới hối!
Chuyện ưu đãi các học trò cũ trong CLB Gạch Đồng Tâm Long An, những lộn xộn của đội tuyển và đỉnh điểm là 13 trận liên tiếp không thắng đã đẩy HLV Calisto vào tổ kiến lửa. Tự ái vì một số bài viết phân tích, bình luận, chỉ trích và phê phán đội tuyển, ông tuyên bố "không thèm" trả lời phỏng vấn báo chí nữa.
Việc đội tuyển Việt Nam sau đó nâng trên tay chiếc cúp vàng đã kéo theo một loạt bài báo xúc động tôn vinh "thầy Tô", và khiến độc giả phì cười (dù rằng không ít độc giả khi trước cũng nghĩ giống như nhà báo -"nghi lắm ông Tô"). Ngay đêm chiến thắng (28/12), trên các diễn đàn đã ồn ào ý kiến: "Lúc trước, "thằng" nhà báo nào chê bai thầy Tô, bây giờ ra đây điểm mặt đi!".
Tất nhiên, viết về bóng đá cần sự hấp dẫn và nhận định, nhưng vấn đề là có không ít bài báo quy chụp, chọc ngoáy ông Calisto, chẳng vì quyền lợi chung. Việc này cũng xảy ra ở nhiều tờ báo trên thế giới, song điều đáng nói là cách làm báo thể thao hiện nay đã mở rộng cửa một số phóng viên viết các thể loại bình luận, khen chê, cảm tính với giọng điệu đôi khi xách mé.
3. Tôn vinh vợ chồng Tân Hoàng Phát: hớ toàn phần!
"Tiếp sức cho những mảnh đời nghèo khó" - đó là tựa đề bài viết của phóng viên một tờ báo thuộc ngành nông nghiệp, khi nhắc tới hai vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH Tân Hoàng Phát (TP HCM).
Dài hơn 1000 chữ với rất nhiều mỹ từ, bài viết có đoạn: "Ngoài việc luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, vợ chồng anh chị còn luôn quan tâm đến đời sống nhân viên. Anh chị lo lắng từ chỗ ăn, nghỉ, tiền thưởng... để động viên, khuyến khích công nhân.
Gần đây, đôi vợ chồng trẻ còn trở thành “Mạnh Thường Quân” trong công tác từ thiện của nhiều địa phương. Rất nhiều nhân viên khác làm việc tại Tân Hoàng Phát đều nhận được sự quan tâm chí nghĩa, chí tình và tận tâm như vậy. Có được sự quan tâm đó, họ không chỉ ngày càng gắn bó với Công ty mà còn hiểu được tấm lòng đôn hậu, chân thành của ông bà chủ giàu lòng nhân ái".
Bài phóng sự được thực hiện vào tháng 5/2008, được đưa lên mạng và rất nhiều báo điện tử đăng lại. 7 tháng sau, một cuộc đột kích của công an TP HCM đã giải cứu gần 90 cô gái bị nhốt ở cơ sở của Tân Hoàng Phát làm "nô lệ tình dục". Vợ chồng ông bà chủ bị buộc tội làm chủ chứa mại dâm. Tân Hoàng Phát được xem là động mại dâm có quy mô đáng kể nhất trong vài năm trở lại đây.
Thật ra, những dấu hiệu vi phạm của "tổ quỷ Tân Hoàng Phát" đã được dư luận nhắc tới từ năm 2004. Vậy bài báo "Tiếp sức cho những mảnh đời nghèo khó" là kết quả của cái gì đây - sự ngây thơ về nghiệp vụ hay cái tâm không còn trong trẻo của người viết?
4. Sữa nhiễm melamine: Cuối cùng, chỉ béo… lợn!
Phát hiện melamine trong sữa bột Nestle tại Đài Loan, tác hại của melamine trong sữa, melamine trong sữa gây độc như thế nào… những bài báo đã kịp thời cảnh báo về cơn bão sữa melamine, cũng như cung cấp một số hiểu biết khoa học căn bản cho người tiêu dùng.
Có báo còn chỉ ra rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp trong ngành sữa và người nuôi bò có thể mở rộng sản xuất, thay vì nhập khẩu sữa từ nước ngoài (Trung Quốc). Song, chưa ai kịp "hành động", thì những người nuôi bò đã trở thành nạn nhân đầu tiên của melamine: Do giới truyền thông sốt sắng, nỗi sợ melamine bị đẩy lên thái quá. Thị trường phản ứng, doanh nghiệp từ chối thu mua sữa tươi. Hậu quả: Nông dân bị ế hàng, nhiều người cực chẳng đã phải đổ sữa cho lợn ăn.
Lại một lần nữa, báo chí nhập cuộc nhanh chóng, tích cực, nhưng rốt cuộc lại đưa sự việc theo hướng làm nhòa cái tốt đẹp ban đầu. Chuyện có thể khác, nếu các nhà báo bình tĩnh hơn và chịu khó “bám chặt” lấy giới nghiên cứu khoa học độc lập.
5. "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cùng là thầy"
Một chiến dịch truyền thông đồ sộ và hoành tráng thông báo sự kiện “cha đẻ của chiến lược cạnh tranh” Michael Porter sang thăm Việt Nam. Một hội thảo quy mô lớn với hơn 700 doanh nhân, trong đó rất đông người là CEO, giám đốc của các tập đoàn, công ty nước ngoài, liên doanh lớn ở Việt Nam. Một chương trình truyền hình dạng talk show nổi tiếng, phát sóng toàn quốc, với khách mời riêng là GS Michael Porter. Tất cả đã tạo nên hình ảnh vị chuyên gia số 1 thế giới về cạnh tranh.
Michael Porter đúng là một học giả đã dành cả sự nghiệp của mình vào nghiên cứu về cạnh tranh, từ cấp vi mô trong mỗi doanh nghiệp, tới cấp vĩ mô của một quốc gia. Việc mời ông sang Việt Nam nói chuyện với các nhà quản trị kinh doanh của chúng ta là quá tốt, chẳng có gì phải tranh cãi nữa.
Nhưng ở mặt kia của vấn đề, giá như báo, đài có thể kiềm chế sự háo hức để phản ánh, dù chỉ một chút thôi, những cái “chưa được” trong lý thuyết của Michael Porter.
Giá như các khán giả xem truyền hình, các độc giả của báo in, biết rằng những lập luận của Porter đã và đang tiếp tục gặp phải nhiều phản biện gay gắt từ các nhà kinh tế và giới nghiên cứu quản trị kinh doanh.
Giá như các nhà báo có đủ kiên nhẫn để đọc hết bộ ba cuốn sách của GS Michael Porter, để thấy rằng Lý thuyết "5 lực đẩy" nổi tiếng cũng như nhiều lý giải khác của ông tỏ ra vừa phức tạp vừa đơn giản hóa vấn đề tới mức thái quá. Phức tạp ở sự dài dòng, nhiều câu chữ. Đơn giản hóa thái quá ở chỗ: Ở tầm vĩ mô, nó tập trung nghiên cứu những quốc gia đã cạnh tranh thành công - tức là những nước phát triển. Mà nước phát triển thì, than ôi, luôn là thiểu số!
Ở tầm vi mô, công trình cũng nghiên cứu nhiều doanh nghiệp thành công và không thành công điển hình, nhưng đó là doanh nghiệp ở những nền kinh tế khác, thị trường khác, tóm lại là ở hoàn cảnh khác so với Việt Nam. Doanh nhân ta có xách cặp tới học Michael Porter thì cái lớn nhất rút được chắc chỉ là ý niệm về xây dựng chiến lược cạnh tranh. (Cố nhiên, có ý niệm vẫn còn hơn là không).
Nhưng vẫn chuyên nghiệp hơn mỗi ngày
“Chuyên nghiệp” ở đây nghĩa là làm đúng chức năng. Năm qua là một năm làng báo Việt Nam đang tỏ rõ hơn chức năng phản biện xã hội của mình trong vô số vụ việc cần tiếng nói.
1. "Nóng sốt" giữa mùa ngập lụt
Mưa lớn bất thường cùng sự yếu kém của hệ thống cấp thoát nước khiến phố phường Hà Nội "bỗng thành dòng sông uốn quanh" vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11. Trừ một trường hợp tác nghiệp bằng cách loanh quanh lội nước ở cổng cơ quan, chĩa máy quay phim ra đường để ghi hình, còn lại, hàng chục phóng viên của các tờ báo đã tỏa ra mọi ngóc ngách của thành phố, lặn lội vào rốn ngập để đưa tin, chụp ảnh, viết bài.
(Dĩ nhiên, cũng khó trách được phóng viên truyền hình, khi mà thiết bị sản xuất vốn rất đắt tiền, và nước bẩn thì ngập lênh láng các tuyến đường của thủ đô). Dẫu sao, sự kiện thời sự lớn nhất trong thời điểm ấy đã được chuyển tải tới tay người đọc với tốc độ nhanh nhất có thể. Từ chuyện những cái chết tức tưởi của dân giữa lòng Hà Nội, cho tới câu trả lời của các chuyên gia về lĩnh vực dự báo thời tiết, thủy lợi….
Thông qua báo chí, trận lụt lịch sử ở Hà Nội cũng đã gửi một thông điệp góp phần cảnh tỉnh chính quyền về khả năng dự phòng và chống chọi với thiên tai, đồng thời với đó là sự ý thức về lời ăn tiếng nói và cách hành xử của mình trước công chúng trong những tình trạng bất thường.
2. Nói “không” với tiêu cực trong thi hoa hậu
Chưa bao giờ báo chí Việt Nam trở thành "khắc tinh" với một tân hoa hậu như vậy. Từ vài thông tin hậu trường, hàng loạt tin sốt dẻo về trình độ học vấn của Hoa hậu Việt Nam 2008 đã được đưa ra trên mặt báo vào đầu tháng 9.
Bắt đầu một cuộc chạy đua giữa các tờ báo trong việc phục vụ trí tò mò của độc giả. Thế rồi, khi một tờ báo đưa ra thông tin và tư liệu về việc Thùy Dung làm giả bảng điểm tốt nghiệp, độ "căng" của câu chuyện đã được đẩy lên tới đỉnh điểm...
Người hể hả, tán thành nhà báo, muốn tước vương miện tân hoa hậu. Kẻ thương Thùy Dung trẻ người non dạ, giận báo chí ngày càng lá cải. Có khen có chê, nhưng chí ít, một số tờ báo Việt Nam đã tỏ ra ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của độc giả.
3. Vạch mặt Quảng Kim Hoa, chống bạo hành trẻ em
Sức mạnh của báo chí, mà trong trường hợp này là truyền hình, đã thể hiện khi đoạn clip “bảo mẫu Quảng Kim Hoa đánh trẻ em” được hai phóng viên của Truyền hình Đồng Nai thực hiện một cách mẫu mực và công chiếu trên VTV.
Có một cuộc tranh luận không chính thức nổ ra liền sau đó khi hai phóng viên bị một số ý kiến quy kết là say nghề và thiếu lương tâm: Tại sao không báo công an ngay mà lại "bình thản" tác nghiệp, ghi lại hình ảnh bà bảo mẫu đánh tới tấp vào mặt đứa trẻ, trong khi báo chí đâu có chức năng thu thập bằng chứng để điều tra?
Tuy nhiên, những ý kiến đó chưa được tán thành rộng, bởi chỉ là đứng ngoài phân tích mà không có thông tin thật sự. Thêm nữa, nếu lý luận việc thu thập bằng chứng là của công an, phận sự của nhà báo trong trường hợp này dừng lại ở mức đi báo công an, thì chỉ e rằng, trong hoàn cảnh Việt Nam, các em nhỏ sẽ phải làm nạn nhân của Quảng Kim Hoa khá lâu nữa…
Vụ việc cũng đã gióng hồi chuông mở đầu cho một phong trào chống bạo hành đối với trẻ em. Sau Quảng Kim Hoa, hàng loạt "ác mẫu", gồm cả mẹ và cô giáo, cũng bị báo chí tố cáo.
4. Bảo vệ những người thấp bé nhẹ cân
Ấy là vụ báo chí dừng được việc thông qua dự thảo mang cái tên nôm na "Vòng ngực 72" của Bộ Y tế. Dự thảo dài, rất dài, liệt kê đầy đủ các trường hợp “có vấn đề”, không thể cho đi xe máy trên 50 cc, ví dụ: "Cao dưới 1,45m và nặng dưới 40kg, vòng đo ngực trung bình dưới 72 cm".
Thông tin các báo đưa lập tức gây nên một làn sóng bực bội (vì cảm thấy bị xúc phạm), lo lắng (sợ bị cấm đi xe máy), và tức cười từ phía công luận. Trước phản ứng của dân chúng, từ bác sĩ, chuyên gia y tế, cho tới anh lái xe ôm hay cô gái cao 1,44m, Bộ Y tế đã rút lại dự thảo này.
Chưa nói đến việc bảo vệ quyền lợi của một nhóm người trong xã hội, chống kỳ thị, báo chí còn cho thấy một điều lâu nay ít được chú ý: sự phức tạp, thậm chí nguy hiểm, nếu người làm công tác lãnh đạo thiếu tri thức khoa học, thiếu tinh thần học hỏi và hợp tác. Cũng may, sau khi chuyện bị bêu lên báo, Bộ Y tế đã tỏ ra hợp tác, lắng nghe.
5. Từ chối một dự án 10 tỷ USD để cứu vịnh Vân Phong
Suýt nữa thì vị trí đắc địa nhất của vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) được “dâng” cho nhà đầu tư Hàn Quốc để xây dựng một nhà máy thép. Dự án trị giá 10 tỷ USD, nhà máy sẽ có quy mô khổng lồ, công suất 8 triệu tấn thép/năm… đó đều là những hứa hẹn thật hấp dẫn.
Và nếu những thông tin như: nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ phá hỏng một kỳ quan thiên nhiên với nét đẹp đặc thù, làm vỡ quy hoạch một cảng nước sâu tiềm năng - tài nguyên đặc biệt của quốc gia… bị lờ đi, thì Nhà máy thép liên hợp Vinashin - Posco rồi sẽ bề thế “vững như sơn” ở Vân Phong, để mỗi năm gửi hàng trăm nghìn tấn chất thải công nghiệp vào môi trường.
Phản biện quyết liệt của báo chí, tập hợp ý kiến của các chuyên gia và quan chức có trách nhiệm liên quan, đã khiếp “thép” phải dừng bước trước “cảng”, bảo vệ một thứ “của để dành cho con cháu chúng ta mai sau” (ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Cuối năm 2008, phản biện xã hội thông qua báo chí cũng đã kịp thời hãm phanh một dự án đầu tư theo kiểu “công trình hứa hẹn quy mô lớn”. Đó là dự án xây dựng một trung tâm thương mại hoành tráng trên nền chợ tạm 19/12 cũ – thực chất là một con đường ở trung tâm thủ đô, nơi vốn đã lọt giữa một số kha khá khách sạn và trung tâm thương mại, lại nằm gần một chốn trang nghiêm là Tòa án Tối cao.
Dự án bị thay đổi, nhà đầu tư than thở: “Sao bao nhiêu năm chợ tạm nằm đấy thì không thấy ai nói gì, nay thấy bảo xây TTTM thì lại nhao nhao phản đối?”. Đến đây thì câu chuyện rẽ sang hướng khác: Bao nhiêu năm chợ tạm nằm đấy nhưng có ai biết là một dự án thay chợ đang được ngấm ngầm chuẩn bị đâu? Chuyện minh bạch và công khai thông tin bắt đầu trở thành một vấn đề của nền kinh tế - xã hội hiện đại.
Lời kết
Chắc rằng không chỉ có 2008 là "năm lắm chuyện" của báo chí Việt Nam, với vô số thành tích và cả những vụ hố nực cười. Cùng với những biến động của đời sống xã hội thời hiện đại, báo chí sẽ còn trải qua nhiều năm như năm vừa qua, trên con đường hướng tới chuyên nghiệp hóa.
Đưa tin sớm là tốt, nhưng nhiệt tình quá lại thành lố bịch. Đưa tin nhiều là tốt, nhưng tràn lan, quá trớn, có khi lại gây hại. Vì thế, báo chí nói chung cũng như mỗi nhà báo nói riêng sẽ phải luôn đặt ra một giới hạn, một chừng mực nào đó cho mình. Dĩ nhiên, nói thì dễ, làm mới khó.
Chẳng bạn đọc nào lại không không mong năm 2009 sẽ là năm tiếp tục "sục sôi", tất nhiên là theo hướng tích cực, của làng báo Việt Nam. Có thể lắm, chúng ta hãy chờ xem!
Đâu phải chỉ người có vòng ngực dưới 72 cm mới là "đối tượng" dễ gây tai nạn giao thông. (Ảnh nguồn: VietNamNet)